Nhiều nhà đầu tư khuyến nghị nên phát triển điện gió ngoài khơi

Thứ tư, 10/3/2021 | 08:42 GMT+7
Với đường bờ biển dài và tiềm năng lớn về gió, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư mong muốn Việt Nam nới rộng quy mô công suất điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch sắp tới.
Nhiều nhà đầu tư khuyến nghị nên phát triển điện gió ngoài khơi
Nhiều nhà đầu tư khuyến nghị nên phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi nhằm bổ sung nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra nhiều công việc mới, đồng thời giảm phát thải khí các bon theo cam kết về môi trường của Chính phủ Việt Nam.
 
Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có tiềm năng lý thuyết-kỹ thuật 475GW điện gió ngoài khơi. Còn theo Cơ quan năng lượng Đan Mạch thì Việt Nam có tiềm năng hoàn toàn khả thi là 162 GW, trong đó 132GW điện gió ngoài khơi ở khu vực độ sâu đáy biển dưới 50m và 30 GW dùng công nghệ móng nổi.
 
Trên thực tế, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió đã được Chính phủ đề cập từ rất sớm, năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định 37/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và đến năm 2018, có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg. Nhờ đó điện gió đã có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên mới ở loại hình trên bờ và gần bờ.
 
Nhằm tận dụng những cơ hội phát triển điện năng lượng tái tạo, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Qui hoạch điện VIII) với mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi chỉ từ 2-3 GW đến năm 2030, chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất nguồn điện đến năm 2030. Các thông số đưa ra đã được nghiên cứu cho phù hợp với tình hình hạ tầng lưới điện tại Việt Nam.
 
Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam, việc xác định khái niệm dự án điện gió ngoài khơi (là khu vực có độ sâu đáy biển lớn hơn 20m), công suất nguồn điện từ điện gió ngoài khơi tách biệt với điện gió trên bờ và gần bờ đã được nêu trong dự thảo Qui hoạch điện VIII.
 
Theo dự thảo, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) chiếm gần 30% trong tổng nguồn điện đến năm 2030, qui mô công suất nguồn điện gió tăng gấp 3 lần và nguồn điện mặt trời gần gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chủ yếu là điện gió trên bờ và gần bờ tăng 9 GW, điện mặt trời thêm 7GW, còn đối với điện gió ngoài khơi, kịch bản phụ tải cơ sở thì đến năm 2030, công suất đặt là 2GW trong tổng số 137,662 GW,chiếm tỉ lệ 1,45%, còn theo kịch bản phụ tải cao thì đến năm 2030, công suất đặt là 3GW trong tổng số 147,552 GW, chiếm tỷ lệ 2%.
 
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, với công nghệ phát triển và sự cạnh tranh thì giá điện gió ngoài khơi ngày càng có xu hướng giảm. Đơn cử như tại Vương quốc Anh, giá điện từ điện gió ngoài khơi có mức giảm nhanh nhất so với điện gió trên bờ và điện mặt trời, từ 140 Bảng Anh/MWh năm 2010 xuống còn 107 Bảng Anh năm 2016 và 57 Bảng Anh năm 2020, giảm khoảng 60% sau 10 năm và xu thế giảm giá sẽ nhanh hơn trong thời gian tới, thấp hơn giá điện than.
 
Báo cáo của Hiệp hội gió toàn cầu (GWEC) cho thấy, giá điện gió ngoài khơi năm 2010 là 255 USD /MWh nhưng đến 2020 chỉ còn 83 USD (giảm 67,5%) và dự kiến còn 58 USD vào năm 2025 (giảm tiếp 30,1%).
 
Chính vì vậy, nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kiến nghị cần xem xét nâng công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 10 GW nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có, mặt khác chỉ có dự án quy mô lớn mới đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Với suất đầu tư từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ USD/1 GW điện gió ngoài khơi thì Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới. Tỷ lệ nội địa hóa tới 50% thì đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong lĩnh vực này.
 
Được biết, ngoài các dự án điện gió trên bờ, tại Bình Thuận, ngay từ năm 2019, Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đã nghiên cứu, đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind với qui mô 3,4GW, tổng mức đầu tư là 11,9 tỷ USD, dự kiến phát điện giai đoạn 1 năm 2025 và giai đoạn cuối vào năm 2030. Quyết định này được đưa ra sau khi EE thực hiện khảo sát đo gió 12 tháng liên tục và cho kết quả tiềm năng gió bình quân là 9,7m/s. Địa phương cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ đưa dự án vào Quy hoạch điện VIII, đồng thời cam kết sẽ đầu tư lưới điện 500KV từ Bình Thuận về Đồng Nai và Bình Dương để đảm bảo đồng bộ cho dự án.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương