Nhiều tiện ích khi thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ điện

Thứ hai, 30/10/2023 | 13:46 GMT+7
Việc thay đổi thống nhất ngày ghi chỉ số công tơ điện về cuối tháng là bước cải tiến mới của ngành điện, giúp từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.

Việc lắp đặt công tơ điện tử là điều kiện thuận lợi để thực hiện thay đổi lịch ghi chỉ số vào ngày cuối tháng.

Minh bạch, dễ giám sát

Nếu như trước đây, chi phí tiền điện mỗi tháng gia đình bà Trần Thị Thu Trang, ở ấp 3, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) khoảng 400.000 đồng, thì nay số tiền này đã thay đổi. Ban đầu, bà khá hoang mang vì thời gian thu tiền điện trễ hơn thường lệ, số lượng thành viên và nhu cầu sử dụng điện cũng như cũ nhưng số tiền điện lại chênh lệch. Sau khi tìm hiểu lý do và được nhân viên điện lực giải thích, bà Trang đã không còn lo lắng nữa.

“Vì bận đi làm nên tôi hay để tiền ở nhà cho mẹ để đóng tiền, tháng này người ta thu trễ mấy ngày. Người ta nói là ngành điện dời ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng, nhưng quyền lợi khách hàng vẫn đảm bảo. Kiểm tra lại hóa đơn thấy số ngày sử dụng cả tháng nên tôi cũng an tâm”, bà Trang bày tỏ.

Theo Công ty Điện lực Hậu Giang, việc triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số được thực hiện theo lộ trình, với từng nhóm khách hàng, từng khu vực và hạ tầng kỹ thuật và thực hiện chung theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Hiện có hơn 9,2 triệu khách hàng của đơn vị tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã được lắp đặt công tơ điện tử, trong đó có hơn 70% có tính năng thu thập dữ liệu từ xa. Đây chính là yếu tố quan trọng để các công ty điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam chủ động xây dựng kế hoạch, thống nhất thay đổi lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng vào ngày cuối cùng của tháng theo giai đoạn. Thời gian bắt đầu là từ tháng 8-2023 và phấn đấu đến năm 2025 có 100% khách hàng tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam thay đổi lịch ghi chỉ số vào ngày cuối của tháng.

Nói về sự thay đổi này, ông Lê Hoàng Thắng- Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 250.000 hộ sử dụng điện. Trước đây, công nghệ chưa đáp ứng việc thu thập chỉ số điện năng tiêu thụ của khách hàng sử dụng điện bằng công nghệ tự động, mà phải thực hiện thủ công, phải đến nhà khách hàng ghi chỉ số, sau đó nhập chỉ số vào hệ thống để tính hóa đơn, việc này tốn rất nhiều thời gian, nếu toàn bộ khách hàng đồng loạt ghi cùng 1 ngày thì không đáp ứng kịp, vì vậy điện lực phải chia lịch ghi chỉ số theo nhiều ngày trong tháng. Hiện tại, việc lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo ghi từ xa, việc ghi chỉ số và tính toán hóa đơn được thực hiện bằng chương trình quản lý trên máy tính một cách tự động, nhanh chóng và chính xác, do vậy việc chốt chỉ số cùng một thời điểm vào ngày cuối tháng hoàn toàn đáp ứng kịp thời.

“Công tơ điện tử có rất nhiều tiện ích, giúp khách hàng dễ dàng giám sát, kiểm soát chỉ số, mức tiêu thụ điện theo ngày và số ngày của tháng, dễ nhớ ngày trả tiền điện… Việc thay đổi lịch ghi chỉ số về ngày cuối cùng của tháng còn giúp ngành điện thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng và đủ theo từng tháng, đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu và quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Đây là điều kiện giúp cho ngành điện cung cấp thông tin chính xác, cung cấp thêm những dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng sử dụng điện”, ông Thắng lý giải.

Tăng cường tuyên truyền

Bên cạnh những ý kiến tán đồng thì một số khách hàng vẫn còn băn khoăn về liệu sự thay đổi này có làm tăng tiền phải đóng mỗi tháng do điện năng tiêu thụ tính theo bậc thang.

Giải đáp vấn đề này, ông Lê Hoàng Thắng- Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, cho rằng người dân hoàn toàn có thể an tâm vì ngành điện luôn có phương án phù hợp. Khi tiền điện tăng bất thường, người dân có thể kiểm tra lại các thiết bị điện trong nhà, rà soát nhu cầu sử dụng trong tháng. Nếu có thắc mắc, có thể liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để được hỗ trợ (19001006 hoặc 19009000).

“Thay đổi cách ghi chỉ số điện hàng tháng không ảnh hưởng biểu giá quy định. Ví dụ, một khách hàng sử dụng điện như trước đây trong 30 ngày (hoặc 31 ngày tùy tháng) thì định mức bậc 1 là 50 kWh, trường hợp thay đổi số ngày sử dụng điện tăng lên 60 ngày thì định mức bậc 1 cũng sẽ tăng tương ứng theo số ngày thực tế sử dụng từ 50 kWh tăng lên 100 kWh, đồng thời các bậc thang tiếp theo cũng tăng lên tương ứng theo số ngày sử dụng, không phải khi tăng số ngày nhưng định mức từng bậc thang vẫn giữ nguyên, làm tiền điện phải trả sẽ bị tăng cao. Do đó, giá điện theo biểu giá quy định không bị ảnh hưởng nên không có việc người dân phải đóng tiền nhiều hơn mức sử dụng”, ông Lê Hoàng Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, thời gian qua, ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Hậu Giang nói riêng luôn nỗ lực phục vụ tốt cho khách hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, năm nay ngành điện gặp nhiều khó khăn. Đơn vị tuy đã đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án nhưng mà một vài nơi vẫn còn tình trạng lưới điện bị đứt khúc, đứt quãng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Theo từng lộ trình, công ty sẽ sắp xếp, tính toán hợp lý để đầu tư lưới điện tại các khu vực phù hợp, trong đó ưu tiên giải quyết với quyết tâm cung cấp điện an toàn, liên tục và bán điện trực tiếp đến từng khách hàng, không còn tình trạng sử dụng câu đuôi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và công tác thay đổi lịch ghi chỉ số đến khách hàng, cũng như cách tính toán tiền điện trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số để khách hàng hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng ngành điện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Link gốc

 

Theo: Báo Hậu Giang