Vết nứt bê tông xuất hiện tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 Đập không tràn bờ trái và bê tông thường tại khối 26 Đập không tràn bờ phải.
Trước đó, chủ đầu tư là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các bên liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân gây nứt và đề xuất giải pháp khắc phục. Đơn vị Tư vấn Colenco đã có báo cáo ban đầu về nguyên nhân gây rạn nứt
Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho rằng, những nhận định của Tư vấn Colenco về nguyên nhân nứt ở các khối đổ và ảnh hưởng của các vết nứt đến an toàn chịu lực của đập chưa thuyết phục.
Để có biện pháp ngăn ngừa nứt cho các khối đổ tiếp theo cũng như biện pháp xử lý vết nứt, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo Tư vấn thiết kế tính toán kiểm tra, khảo sát đầy đủ về các thông số môi trường (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, bức xạ nhiệt...), hồ sơ hoàn công các lớp đổ. Ngoài ra, kiểm tra độ ổn định và độ bền của đập trong điều kiện vẫn tồn tại các vết nứt.
Hiện Tư vấn Colenco đang nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo. Các chuyên gia của Hội đồng đang phối hợp với Chủ đầu tư và các bên để tạo được sự thống nhất về đánh giá nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục.
Cũng theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, công tác thi công thủy điện Sơn La cơ bản bám sát tiến độ, công tác chống lũ năm 2008 đã đảm bảo theo sơ đồ chống lũ và tần suất được duyệt.
Chủ đầu tư đã thực hiện ngăn sông Đà đợt 2 vào ngày 23/12/2008, sớm hơn so với dự kiến (tháng 1/2009).
Thuỷ điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công ngày 2/12/2005. Khi Thuỷ điện Sơn La được đưa vào vận hành, ngoài việc hằng năm cung cấp khoảng hơn 10,2 tỷ kWh điện lên lưới điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, công trình còn góp phần chống lũ về mùa mưa, chống hạn trong mùa khô cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ.
|
Theo VnExpress