Tin trong nước

Nhớ ơn các thương binh liệt sĩ ngành Điện

Thứ năm, 2/8/2007 | 00:00 GMT+7

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, CBCNV ngành Điện có vinh dự được đóng góp công lao, trí tuệ và xương máu của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì sự nghiệp cao cả ấy, 125 liệt sỹ ngành Điện đã anh dũng hy sinh.

 

                    

Tự vệ Nhà máy điện Vinh (Nghệ An) đang tháo gỡ bom nổ chậm (1966)

Ngay từ những ngày đầu cách mạng giải phóng dân tộc, nhiều CNVC của ngành Điện đã tham gia lực lượng Tự vệ Đỏ - sau này là Tự vệ Cứu quốc. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, hàng trăm công nhân đã xung phong vào đội Tự vệ, nhiều người đã trở thành tự vệ chiến đấu. Đã có nhiều gương sáng oanh liệt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp: Hai công nhân của Nhà Đèn Chợ Quán - anh Hỷ và anh Nỉ - đã dùng thuyền thúng đem theo mìn và bộc phá, đợi lúc đêm khuya nước ròng, bơi dọc theo kênh Nhiêu Lộc và chui qua miệng cống ngầm, đột nhập vào kho đạn Thị Nghè cài mìn phá huỷ kho đạn này. Tại đây, dù địch bố phòng rất nghiêm ngặt, các anh vẫn quyết tâm phá bằng được kho dự trữ vũ khí, đạn dược có quy mô khá lớn ở phía Nam Đông Dương. Khi mìn đã cài đặt xong thì cũng là lúc nước ở kênh lớn dồn về đầy ắp miệng cống, người và thuyền không thể thoát ra khỏi cửa cống. Giữa lúc đó, mìn chập kíp phát hoả, gây nên những tiếng nổ xé trời, dậy đất. Hầu như cả kho vũ khí nổ tung. Bọn địch hoảng hốt, bỏ chạy toán loạn. Chiến công thật lớn nhưng tiếc thay, hai người thợ điện anh dũng đã vĩnh viễn không trở về.

Ở Hà Nội, ngày 17/12/1946, tại phố Yên Ninh, Hàng Bún, quân Pháp gây hấn, điên cuồng bắn giết, đốt phá nhà cửa nhân dân. Chứng kiến sự tàn bạo của giặc Pháp, anh Trần Bá Quyết, một chiến sỹ tự vệ công nhân Nhà Đèn (Yên Phụ) đã dũng cảm đánh trả quân thù và anh dũng hy sinh. Đám tang của anh đã làm xúc động đồng bào và chiến sỹ Thủ đô. Còn anh Gián và em trai là hai công nhân của Nhà Đèn (Yên Phụ) thì dũng cảm bám sát trận địa tại kho chứa than của Nhà máy (góc phố Yên Ninh - Hàng Bún). Các anh đã kiên quyết đánh trả đội hình càn quét của quân đội thực dân Pháp, buộc chúng phải rút vào trong thành Cửa Bắc. Các anh đều đã anh dũng hy sinh.

Trên đây là một trong số những lớp người đầu tiên của ngành Điện đã đem xương máu của mình bảo vệ nền độc lập tự do cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ. Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, hàng chục tự vệ “sao vuông” của ngành Điện đã gia nhập Trung đoàn Thủ đô, nhiều người đã tham gia đoàn quân Nam tiến và tuyên thệ: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh!”

Những năm tháng chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1965-1972), hàng trăm CNVC ngành Điện đã gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiều người đã ngã xuống, máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Nhiều thương binh hoặc con em các gia đình thương binh, liệt sỹ đã làm việc tại các công trường, xí nghiệp... của ngành Điện, tình nguyện đem hết sức mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1965-1972), với 1.652 trận máy bay Mỹ oanh tạc các cơ sở của ngành Điện, hàng ngàn cán bộ, công nhân, chiến sỹ tự vệ đã dũng cảm bám lò, bám máy, bám trận địa, giữ vững dòng điện trong mọi tình huống. Nhiều người đã lập công xuất sắc. Có người hoặc có những đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hoặc Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên mặt trận sản xuất - vận hành điện... Tại Nhà máy điện Yên Phụ, trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972, hai chiến sỹ Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hoà đã hy sinh ngay tại lò hơi đang vận hành sản xuất điện.

Tại miền Nam, những người thợ điện chủ yếu hoạt động trong lòng địch. Dù kế hoạch đánh gãy cầu Công lý, ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (năm 1964) của anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi không thành, anh bị địch bắt và xử tử, nhưng cái chết của anh đã trở thành một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Sau chiến tranh, phát huy  truyền thống vinh quang, ngành Điện đã không ngừng lớn mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một cách để tri ân cũng như để xứng đáng với sự hy sinh của 125 liệt sỹ ngành Điện.

Theo TC Điện lực số 7 - 2007