Anh Lê Tấn Hiền - Điện lực Đông Hòa (áo xanh) đã thuyết phục khách hàng thừa nhận hành vi phạm tội của mình bằng thái độ lúc mềm dẻo, lúc cứng rắn.
Chuyện nghề của các anh không một màu, không đơn giản chỉ là làm điện mà lắm lúc các anh phải hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau. Những vai diễn của các anh đã tạo được sự ấn tượng rất lớn cũng như là nguồn cảm xúc vô tận trong quá trình công tác của chính bản thân tôi.
Trong một lần tình cờ, tôi được nghe kể về “vai diễn” của anh Nguyễn Di Linh – Điện lực Tây Hòa. Mặc dù không qua bất kỳ trường lớp đào tạo diễn xuất nào nhưng anh diễn vẫn rất ngọt và tròn vai. Trong bộ dạng người đi châm cá, anh Linh phải lội qua sông để vào được vườn nhà khách hàng và bắt trộm cắp điện. Trong một vụ khác, anh lại phải sắm vai người mua chim cảnh. Với phong thái rất chuyên nghiệp, sau một hồi lân la làm quen, anh hỏi thăm về thói quen, về cách cho ăn, rồi lần lần tiến đến công tơ điện, xuất trình thẻ kiểm tra viên và bắt lỗi vi phạm điện. Để vào các vai diễn này, anh đã phải tìm hiểu các kiến thức về châm cá, về nuôi chim cu và chuẩn bị đạo cụ đầy đủ thì mới giao tiếp, làm thân với chủ nhà và có điều kiện tiếp cận hiện trường mà không để khách hàng có chút nghi ngờ. Không quản ngại gian khổ, có khi anh phải dầm mưa hàng giờ liền để vào vai thật xuất sắc khiến người vi phạm sử dụng điện phải kinh ngạc.
Một câu chuyện khác, tôi được anh Lê Tấn Hiền - Công nhân Điện lực Đông Hòa tâm sự, anh cùng đồng nghiệp khá căng thẳng khi giao tiếp với khách hàng trộm cắp điện. Thời điểm năm 2017, Đông Hòa là điểm nóng của tình trạng can thiệp vào công tơ để trộm cắp điện. Lúc ấy, anh ví mình và đồng nghiệp như những chiến sỹ công an, đấu tranh với tội phạm khá vất vả. Trong số 72 vụ trộm cắp điện, với lí lẽ biện hộ cho hành động sai trái của mình là bị đối tượng xấu lừa, khách hàng nhất quyết không thừa nhận. Tuy nhiên, trong cái khó cũng ló cái khôn, với kinh nghiệm nhiều năm công tác, anh Hiền đã biết điều tiết, lúc đấm, lúc xoa, khi mềm, lúc dẻo, miễn sao thuyết phục được khách hàng. Vậy nên, nếu kiểm tra viên không biết cách khai thác và thuyết phục thì người dân khó có thể thừa nhận hành vi phạm tội.
Trong một vai trò khác, khi các anh công nhân Điện lực Đồng Xuân đi thu thập số điện thoại để nhắn tin tiền điện hàng tháng. Bác chủ nhà tên Đào đã hết sức hoài nghi và nhất quyết: “Số điện thoại của tôi chỉ cho mấy đứa nhỏ trong Sài Gòn và anh em trong gia đình liên lạc. Tôi không tin ai hết!”. Anh Trần Ngọc Duy - Công nhân Phòng Kinh doanh tâm sự: “Chúng tôi có giải thích thế nào, bác Đào cũng không đồng ý. Đang trong lúc như bế tắc, tôi nhìn trong danh sách và nghĩ ra ý tưởng gọi điện cho người thân. Tôi liền bấm máy điện thoại gọi cho anh Phạm Huỳnh Triêm là em rể của bác Đào, là người quen của tôi và nhờ anh này giải thích. Sau khi tôi chuyển điện thoại, nghe giọng nói quen thuộc của em rể, bác Đào liền cho chúng tôi số điện thoại và còn xin lỗi nữa”.
Các công nhân là những cán bộ dân vận bất đắt dĩ để “lôi kéo” các cháu thiếu nhi vào những câu chuyện của mình và bỏ hẳn việc thả diều dưới đường dây điện.
Một câu chuyện khác mang tính nhân văn sâu sắc khiến tôi cùng đồng nghiệp hết sức ấn tượng. Gia đình ông Nguyễn Thái Hùng ở thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân nhất định không cho chặt cây xoài dưới đường dây điện, cực kỳ nguy hiểm cho người và lưới điện. Nắm bắt tâm lý khách hàng, lắng nghe tâm sự của gia đình, đồng thời giải thích về sự nguy hiểm của việc vi phạm hành lang lưới điện, anh Đậu Thanh Bằng – Đội trưởng Đội QL đường dây và trạm Điện lực Đồng Xuân đã thuyết phục được ông Hùng cho chặt cây xoài. Không những vậy, thấy gia cảnh ông Hùng khó khăn, chưa có công tơ điện, anh Bằng báo cáo lãnh đạo điện lực làm hồ sơ và lắp đặt miễn phí công tơ cho gia đình ông ngay trong ngày. Cảm được tấm chân tình của người thợ điện, cứ mỗi lần thấy anh em áo cam đi ngang qua, ông Hùng lại mời vào nhà uống nước và vồn vã hỏi thăm.
Sau dịch Covid-19, người dân tất bật lo thu hoạch lúa, hoa màu. Đây cũng là khoảng thời gian các cháu thiếu nhi nô nức, thỏa sức thả những cánh diều múa lượn khắp ruộng đồng. Thỉnh thoảng, sự cố lưới điện do diều dính vào đường dây thường xảy ra. Thế đấy, ngoài việc xử lý sự cố nhanh chóng, các công nhân còn là những cán bộ dân vận bất đắt dĩ để “lôi kéo” các cháu thiếu nhi vào những câu chuyện của mình và bỏ hẳn việc thả diều dưới đường dây điện. Mặt khác, sau khi thu hoạch, người dân thường có thói quen đốt rơm rạ. Phải nói, các anh công nhân không biết bao lần dở, khóc dở cười khi khi thấy cảnh người dân chất rơm rạ và đốt dưới đường dây điện. Để tránh những bất cập ấy, các anh phải nâng cao khả năng thuyết phục của mình, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà dân để vận động.
Trên đường đi tác nghiệp của mình, tôi được các anh kể, việc diễn được “tròn vai” phải xuất phát từ công việc hiện tại. Tuy nhiên, cũng không ít lần, việc thử sức với các vai diễn cũng có lúc trục trặc. Câu chuyện khôi hài của anh Nguyễn Di Linh là một minh chứng. Vợ anh rất nhiều lần được mọi người mách lại là để ý cô nào đó tại địa chỉ...; rồi thấy anh cứ nghĩ mải miết suy nghĩ, không được tập trung như bình thường, ra vẻ quan trọng và bí mật lắm. Và thế là, anh được một phen hú hồn khi biết vợ mình cũng đang “rình rập” chính mình. Nhưng đây cũng là dịp để bà xã hiểu anh hơn, hiểu về nhiệm vụ và công việc anh đang phải làm. Không kém phần gay cấn, anh Phan Thanh Bình – Điện lực Tuy An bộc bạch, chuyện đi đêm là hết sức bình thường. Trong những lần đi bắt trộm điện, khách hàng hung dữ phá bỏ hiện trường; rồi gặp khách hàng xăm mình “hổ báo” cầm dao đe dọa, đến kiểm tra bị xua chó cắn; thậm chí, có những lần khách hàng đuổi đánh khiến anh bị ngã xe trầy mặt và tay chân. “Là thế, nghề nguy hiểm nên phải là người có tâm, có trách nhiệm mới làm được”, anh Bình tâm sự.
Trước giờ, khi nghe nói đến công nhân điện thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến những khuôn mặt sạm nắng trong màu áo cam, rong ruổi khắp các nẻo đường để sửa chữa điện. Nhưng ít người nghĩ, các anh công nhân còn là những diễn viên không chuyên, là cán bộ dân vận, là những tuyên truyền viên thực sự để hoàn thành công việc một cách thuyết phục.
Thật vinh hạnh, trong hành trình tác nghiệp của mình, tôi có dịp được nghe, được thấu hiểu những bộc bạch của các anh. Tôi càng hiểu hơn, nghề diễn xuất không chỉ có trên sân khấu mà nó còn hiển hiện trong đời thực. Việc hóa thân vào nhiều nhân vật mà các công nhân điện là một minh chứng khiến người đọc hiểu hơn về khía cạnh khác của cuộc sống. Các anh như diễn viên thực thụ đang đóng những vai diễn “ba không”: không cần đào tạo - không cần đạo diễn - không cần casting”.