Những ngôi nhà được gọi là kỳ lạ bởi chúng hội tụ nhiều điều đặc biệt cùng những kỷ lục mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Đầu tiên, phải kể đến kích thước của nó với những ngôi nhà dài dàng dặc kín bưng không cửa sổ, diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông, có cái rộng tới hơn 2.000m2.
Nhiều ngôi nhà có kết cấu kỳ lạ hao hao trông giống cái chuồng nuôi gia súc và đặc biệt ở chỗ chúng đạt kỷ lục về thời gian xây dựng. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, hàng loạt những ngôi nhà như vậy bỗng dưng “mọc” sừng sững giữa rừng thông, rừng cao su hay rừng điều của 2 tỉnh Đắc Nông và Bình Phước . Thêm một điều đặc biệt nữa là vị trí của những công trình đó được xây dựng với một tọa độ vô cùng chính xác: nằm trùng khít hay sát cạnh những vị trí móng cột, hành lang tuyến của các dự án đường dây tải điện cao thế đang được triển khai xây dựng. Chính xác đến mức những người kỹ sư bên thi công cũng phải thốt lên rằng: cứ dựa vào những ngôi nhà đó mà định vị vị trí cột khỏi cần bản vẽ thiết kế.
Đó là hiện tượng có nhiều hộ dân tự ý xây dựng mới nhà cửa, công trình kiến trúc trên diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp lâu năm tại các vị trí móng và trong phạm vi hành lang an toàn đường điện 2 tuyến đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông và đường dây 220kV Đắc Nông – Phước Long – Bình Long ngay sau khi Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) đo đạc, cắm mốc để làm thủ tục bồi thường GPMB nhằm mục đích trục lợi tiền đền bù từ dự án . Việc làm trên không đúng với các quy định của Luật đất đai và gây khó khăn cho công tác GPMB, chậm trễ tiến độ thi công và làm thiệt hại, thất thoát lớn vốn đầu tư của Nhà nước. Tính đến đầu tháng 4/2012, trên tuyến đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông dài 437km (được xây dựng nhằm cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015. Tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia giai đoạn sau 2015), đã phát sinh thêm 177 ngôi nhà với tổng diện tích gần 20.000 m2 , tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đắc Nông với 127 nhà. Đường dây 220kV ĐăkNông-PhướcLong-BìnhLong với chiều dài 128km phát sinh 57 nhà với hơn 40.000m2 (chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Phước) và làm tiến độ của dự án này chậm hơn 3 tháng. Ban Quản lý Dự án Các công trình Điện miền Trung (AMT) đã tốn nhiều công sức và thời gian để giải quyết tình trạng trên và rất cần sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua, để các công trình trọng điểm phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước được đưa vào đúng tiến độ và tránh gây lãng phí tiền của của Nhà nước.
Những ngôi "nhà chuồng" mọc lên trên hành lang tuyến đường dây 500kV thuộc xã Đăk Drung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông
Từ đây ta có thể thấy 3 ngôi nhà nằm trên một đường thẳng tắp dọc theo hành lang tuyến
Vị trí cột 45A04 thuộc đường dây 500kV Plieku-Mỹ Phước-Cầu Bông, thuộc xã Đăk Đrung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông sẽ không kéo được dây do vướng ngôi nhà nằm ngay sát chân móng
Mốc tim cột đường dây 500kV nằm sát hiên nhà
Nhìn mốc tim móng cột nằm giữa nhà, những cán bộ Ban GPMB của AMT dường như bó tay nếu không có sự cộng tác nhiệt tình của chính quyền địa phương
Phần lớn những ngôi nhà đều lấy cây gỗ làm cột trụ
Những cán bộ trong Ban GPMB của AMT đi qua đi lại những công trình này không biết bao nhiêu lần
Những hàng cao su vẫn mọc thẳng tắp trong lòng nhà
Phối hợp với cán bộ Ban GPMB huyện Đồng Phú, Bình Phước kiểm kê tài sản nằm trong hành lang tuyến ĐZ 500kV
Những ngôi của ông Trần Văn Kiên, thuộc xã Thanh Lương, TX Bình Long, Bình Phước nằm giữa vườn điều này đã chiếm gần hết hơn diện tích để mở rộng trạm biến áp 220kV Long Bình và số tiền đòi được đền bù ước khoảng 9,1 tỷ đồng
Phóng sự Ảnh: Ngọc Hà