Sự kiện

Tiết kiệm điện : Nhìn từ Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 6/4/2012 | 13:47 GMT+7
Trong khi cả nước đang chật vật phấn đấu để giảm dần hệ số đàn hồi xuống 1,5 lần vào năm 2015 và giảm xuống 1 vào năm 2020 thì ở TP HCM, hệ số đàn hồi đã đạt dưới 1 con số. Làm thế nào để một thành phố đông dân, công nghiệp phát triển mạnh như TP HCM lại có thể thực hiện tiết kiệm điện (TKĐ) hiệu quả như thế?

 Kỳ 1: Khi Bí thư thành ủy vào cuộc

Trao giải các đơn vị xuất sắc tại Hội nghị tổng kết công tác TKĐ năm 2011 tổ chức tại TP HCM ngày 9/3/2012.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc EVN HCMC cho biết, chương trình TKĐ trên địa bàn TP HCM có kết quả thành công như hôm nay trước hết là nhờ sự nhạy bén và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thành phố - Bí thư Thành ủy TP HCM. Sau đó là sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ban ngành cơ quan đoàn thể.

Theo lời ông Phước, khi bắt đầu thực hiện triển khai chương trình TKĐ, EVN HCMC cũng rất lúng  túng. Mặc dù kế hoạch đã có, kinh phí cũng đã chuẩn bị nhưng làm thế nào để mọi người cùng tham gia mới là chuyện khó. Ban đầu, EVN HCMC cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền tới các đối tượng: gia đình, công sở, doanh nghiệp, trường học  nhưng  kết quả rất hạn chế.

Rất may, trong một hội nghị của thành ủy, nhân lúc giải lao, Bí thư thành ủy  đã  chủ động hỏi thăm về vấn đề này. Được lời như cởi tấm lòng, ông được dịp trình bày hết phương án, tiềm năng TKĐ và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch. Thế là ngay trong kết luận hội nghị hôm đó, Bí thư thành ủy đã nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của việc TKĐ đối với tình hình an ninh năng lược và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho UBND TP HCM và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn. Bí thư thành ủy nhấn mạnh: yêu cầu tất cả các lãnh đạo đầu ngành phải cùng vào cuộc. EVN HCMC được giao nhiệm vụ đầu mối tổ chức. Ngay sau đó, EVN HCMC đã trình toàn bộ chương trình hành động  lên thành ủy và UBND TP. Bắt đầu từ việc phổ biến Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chỉ thị số 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện; Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc cung cấp điện và vận hành hệ thống điện trong mùa khô năm 2011, công văn số 424/EVN-KD của EVN về việc thực hiện Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho thành ủy đưa chương trình TKĐ vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành đảng bộ Thành phố khóa IX; tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị số 06/2011/CT-UBND ngày 28/2/2011 về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho từng tổ chức ban ngành trong việc phối hợp với ngành điện. Hàng loạt cuộc họp bàn đã được triển khai. Những người đứng đầu được giao chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Sở tài chính được giao lên kế hoạch  sử dụng kinh phí. Tiến độ công việc phải báo cáo định kỳ lên thành ủy. Có chỉ đạo sát sao  của thành ủy và UBND TP, tất cả các ban ngành đều hào hứng vào cuộc. Nhờ thế mà mọi việc rất trôi chảy.

Ông Phước khẳng định: vai trò của người đứng đầu đặc biệt quan trọng trong việc kéo cả đoàn tàu đi nhanh và đúng hướng.


Năm 2011, toàn TP HCM tiết kiệm được 391,31 triệu kWh điện,chiếm 2,55% sản lượng điện thương phẩm, tăng 75,53% so với cùng kỳ, vượt gần 2,5 lần so với chỉ tiêu EVN giao.

Quy ra tiền thì lượng điện tiết kiệm được tương đương số tiền 553,57 tỉ đồng.

Xét về khía cạnh môi trường, lượng điện tiết kiệm được tương đương với giảm được 168,26 tấn CO2 thải ra không khí.