Tham gia Dự án lần này, tổ xung kích Công ty Điện lực Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ phối hợp dựng cột tại vị trí 313 và 319 do Công ty Cổ phần Sông Đà 11 thi công. Đây là 2 vị trí nằm ở đỉnh đồi, thuộc xã miền núi Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trần mình dưới cái nắng cháy da, cháy thịt của vùng “chảo lửa” Nghệ An, dù phải đối mặt với không ít gian nan, thử thách, song bằng chí khí, nghị lực và sức mạnh của người Hà Tĩnh, chưa bao giờ chịu khuất phục, lùi bước trước khó khăn, các anh đã mang giá trị văn hóa tinh hoa của quê hương vào công trình điện.
Một ngày đầu tháng 6, tôi có dịp tham gia cùng đoàn công tác Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong chuyến thăm hỏi, động viên CBCNV, NLĐ trên công trường thi công đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An. Quãng đường di chuyển đến các vị trí móng cột - nơi chúng tôi đặt chân đến thật khó để diễn tả hết bằng lời bởi sự vất vả, khó khăn. Chỉ biết rằng, với tôi đó là chuyến đi “để đời” mặc dù tôi đã từng trải nghiệm nhiều chuyến đi gian nan trước đó.
Phần lớn các vị trí cột đường đây 500kV đi qua địa bàn Nghệ An đều nằm trên các đỉnh đồi hoặc chênh vênh bên sườn núi. Những con đường quanh co, ghập ghềnh, dốc núi khiến việc di chuyển đến các điểm thi công cũng như vận chuyển vật tư, thiết bị gặp rất nhiều gian truân, trở ngại. Biết thế, nhưng khi nghe anh lái xe nói “đường đến vị trí 319 không phải leo núi”, tôi phấn khởi ra mặt, lòng thầm nghĩ, “nếu phải leo núi như vị trí 306 thì chắc mình không đi nổi mất” (đó là vị trí Công ty Điện lực Nghệ An đang thi công).
Mong được nhìn thấy vị trí anh em Hà Tĩnh đang thi công bao nhiêu thì chặng đường di chuyển đến đó lại khiến tôi bất an, lo lắng bấy nhiêu. Khi xe đến điểm cuối của đoạn đường bằng phẳng, trước mắt tôi là con đường đá ghồ ghề, quanh co, gấp khúc. Bánh xe bắt đầu chậm rãi nhích từng chút một, “bò” qua những tảng đá to vật vã, 4 anh em trên xe hết nghiêng bên này, lại đổ bên kia khiến tôi hoa hết mắt, chóng hết mặt.
Xe cứ thế hết ga, hết số vươn lên những con dốc dựng đứng, rồi lại lao xuống những sườn núi, vực sâu với muôn vàn bụi cây rậm rạp,… lặp đi, lặp lại mấy lần như thế mà điểm đến vẫn sâu hun hút. Ánh mắt tôi thẫn thờ nhìn lên phía đường núi như tìm kiếm và chờ đợi một đích đến, bao thắc mắc xuất hiện trong đầu: “Bao giờ mới tới nơi? Nghe bảo có mấy cây số thôi sao xa thế?
Đường đi vất vả, hiểm trở bao nhiêu thì khi “chạm” chân đến vị trí 319, chúng tôi lại cảm thấy chênh vênh, choáng ngợp bấy nhiêu. Phải thừa nhận đây là vị trí quá “độc” bởi nó được tọa lạc trên đỉnh một quả đồi cao hơn 130m so với mặt nước biển, xung quanh trơ trọi không một bóng cây, địa hình phần lớn là đất sỏi và những tảng đá nguyên khối khổng lồ.
Theo thiết kế, vị trí này là cột néo 2 thân, móng cột được đúc sâu dưới lòng đất với chiều cao mỗi trụ 4 mét; vị trí này có đến 8 trụ, 4 trụ nằm trên đỉnh đồi, 2 trụ kế tiếp tụt xuống một bậc, 2 trụ còn lại nằm thấp hơn. Với chiều cao cột đôi 62m, nặng 264 tấn, lại là cột chuẩn bị cho khoảng vượt gần 1100 mét, việc dựng cột quả là một thử thách lớn đối với đơn vị thi công cũng như anh em tổ xung kích, bởi mọi người chủ yếu chỉ làm việc từ lưới 110kV trở xuống nên khi đối mặt với nhiệm vụ phức tạp như vậy ai cũng thấy lo lắng, áp lực.
“Bằng cách nào để đưa được vật tư, thiết bị lên tận chân cột? Việc tập kết, phân loại thanh xà để thuận tiện cho việc lắp ghép liệu có dễ dàng? Trong khi thời điểm này một số vật tư, máy móc vẫn chưa được tập kết nên trong đầu anh em cảm giác mông lung lắm chị ạ, em cũng chưa thể hình dung ra nổi hình hài của cột điện, cũng chưa tưởng tượng được khối lượng công việc của mình phải làm tại đây sẽ như thế nào?” - Phạm Thanh Tùng, công nhân Điện lực Kỳ Anh (thành viên tổ xung kích) bày tỏ.
Sự lo lắng đọng lại đâu đó trên từng khuôn mặt những “người lính” xung kích thời điểm đó. Thế nhưng sâu thẳm trong thâm tâm họ - những người đang mang trong mình quyết tâm mãnh liệt “phải làm được điều gì đó có ý nghĩa cho ngành điện, cho quê hương”- không cho phép bản thân mình nghĩ đến điều sơ sẩy, gạt bỏ ra khỏi đầu sự lo lắng, bất an, những người “lính điện” quen dãi dầu mưa nắng, quen đối mặt hiểm nguy bằng một cách nào đó đã động viên nhau nghĩ đến những điều tốt đẹp.
Quay sang hỏi anh tổ trưởng Nguyễn Văn Hoàn – công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh về tình hình, tiến độ vị trí cột 313, anh cho biết: “Quả thật, từ ngày vào ngành đến nay, tôi không ít lần tham gia vào những công trình, nhiệm vụ khó khăn; nhiều thời điểm phải băng đèo, vượt suối để kiểm tra, xử lý sự cố trong điều kiện địa hình, thời tiết bất lợi, nhưng có lẽ đây chuyến hành quân tôi không bao giờ quên”.
Anh Hoàn kể, 01 ngày sau khi đến huyện Nam Đàn, các thành viên tổ nhận lệnh lên đường khảo sát 02 vị trí phối hợp thi công. Giữ vững ý chí, quyết tâm như ngày đầu ra quân, 11 anh em “tay xách, nách mang” đồ nghề, áo mũ,… “chen chúc” nhau trên chiếc xe chuyên dụng háo hức lên đường.
Điểm khảo sát đầu tiên của anh em tổ xung kích là vị trí 313, đây là cột néo cho khoảng vượt giữa 2 quả đồi tầm 1000 mét; chiều cao cột 78m, nặng gần 200 tấn. Điều khiến anh em “rùng mình” nhất đó là quãng đường di chuyển đến vị trí này quá “cực” và nguy hiểm. Mặc dù chỉ cách nơi ở gần 5km nhưng mất cả giờ đồng hồ vừa đi xe, vừa “cuốc bộ” anh em mới đến được hiện trường.
“Không phải đoạn nào cũng di chuyển được bằng xe, nhiều đoạn địa hình hiểm trở, ô tô không qua được anh em chúng tôi phải vượt rừng đi bộ. Nhiều cung đoạn đèo dốc dựng đứng, đá dăm, đá cuội phủ kín mặt đường, mỗi bước đi đều phải cẩn trọng từng chút một, tất cả tâm trí, sức lực đều dồn hết xuống đôi chân, bởi chỉ một chút sơ suất nhỏ, một thoáng thiếu tập trung thì bất cứ khi nào anh em cũng có thể trượt chân ngã ngay xuống vực”- anh Hoàn cho biết.
Sau chuyến đi, cứ vài ngày tôi lại gọi điện một lần để hỏi thăm tình hình sức khỏe các anh và nắm bắt tình hình tiến độ thi công. Dù không chứng kiến cảnh những giọt mồ hôi các anh rơi trên công trình mỗi ngày; dù không cảm nhận hết cái nắng cháy xém da thịt của vùng đất “lắm mưa, thừa nắng” đã tiêu tốn của đồng nghiệp tôi bao nhiêu sức lực. Song, phần nào tôi và mọi người đều cảm nhận được sự cơ cực, gian truân mà các anh đã, đang nỗ lực, cố gắng vượt qua; bởi khó khăn không chỉ dừng lại ở địa hình hiểm trở; không dừng lại ở thời tiết khắc nghiệt của tháng 6 miền Trung,… mà áp lực còn ở tiến độ thi công đang sau lưng hối thúc.
“Thời tiết mấy hôm nay oi bức, nóng nực, mưa nắng bất thường lắm chị ạ! Nhưng thời gian gấp lắm rồi nên chúng em phải tăng tốc làm ngày, làm đêm. Tối về nếu khỏe em gọi điện lại trao đổi cụ thể với chị nhé”- Tùng nói qua điện thoại khi tôi hỏi thăm tình hình tiến độ.
Đúng thật, thời tiết khắc nghiệt và “đỏng đảnh” là thế nhưng công việc thì vẫn cứ phải tiến hành. Tinh thần của anh em lúc này chỉ một lòng tiến lên và tiến lên, “vượt nắng, thắng mưa” đẩy nhanh tiến độ. Thi công giữa trời nắng nóng 38-39 độ C, quần áo ướt đẫm, mồ hôi nhễ nhại vương vào mắt cay xè, song anh em ai nấy đều quyết tâm bám cột, bám hiện trường, nỗ lực “chạy đua” với thời gian, mặc cho hơi nóng cứ phả vào mặt khét đen, ửng đỏ… vẫn kiên trì chịu khó, không lùi bước, nản lòng.
Hơn 9 giờ tối (sau một ngày tôi gọi), tôi nhận cuộc gọi của Tùng, em nói: “Khối lượng công việc quá nhiều, chúng em “xoay như bi”. Mấy hôm nay thời tiết thất thường, có lúc trời đang nắng gắt bất chợt đỗ mưa giông, anh em ướt hết nhưng vẫn kiên trì bám cột. Mồ hôi lẫn với nước mưa, kèm theo hơi đất bốc lên khiến anh em mệt nhoài khi phải vác trên vai hàng trăm thanh sắt to, dài nặng trĩu. Đêm về, cái cảm giác rin rít, khó chịu vẫn cứ đeo bám, ai nấy đều mỏi nhừ nhưng vẫn luôn động viên nhau cố gắng ăn thêm bát cơm, uống thêm hộp sữa để có sức ngày mai chiến đấu chị ạ”.
Rồi Tùng quay sang kể cho tôi nghe về những khó khăn khác nữa, được biết, trong quá trình thi công lắp ghép xà, nhận thấy có nhiều bất cập, nhất là các lỗ bắt ốc thường bị lệch, các thanh xà khi ghép với nhau có thể không ăn khớp, anh em phải dùng sức người để ép sát lại với nhau. Nghĩ ngay đến việc phải có một dụng cụ hỗ trợ cạy lỗ xà lại đúng vị trí tâm lỗ để dễ lắp đinh ốc, anh em đã bàn bạc, thảo luận với nhau rồi đưa ra ý tưởng tạo ra “dụng cụ hỗ trợ ghép xà”, “từ đó có thể ép các thanh V sát lại nhau, cố định lại mà không cần sức người, giúp bớt tiêu hao sức lực của anh em, tăng năng suất lao động và góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công…Chúng em áp dụng rồi và thấy rất hiệu quả chị ạ”- Tùng kể rồi thiếp đi để bên này tôi cứ mãi alo alo…
Đã bước sang ngày cuối cùng của tháng 6, trên công trường thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối khí thế “về đích” của đội quân xung kích ngành Điện lực Việt Nam vẫn đang “nóng” lên hừng hực. Tại các vị trí tổ xung kích PC Hà Tĩnh đang thi công, các anh vẫn đang dốc hết sức mình, quên đi sự khắc nghiệt của thời tiết, quên đi những vất vả, gian truân,… không ngừng phát huy mạnh mẽ phẩm chất con người Hà Tĩnh, chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ điều gì; bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, các anh tự hào mang các giá trị văn hóa tinh hoa của quê hương đi vào trong công trình điện.