Dự án đường dây 500kV mạch 3

Khát vọng được cống hiến

Thứ hai, 24/6/2024 | 09:49 GMT+7
Dự án Đường dây 500kV  mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Phố Nối vào giai đoạn nước rút đã gặp khá nhiều khó khăn về thời tiết. Như các đơn vị Truyền tải điện thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, ngày 17-5-2024, 230 cán bộ công nhân Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ tăng cường, hỗ trợ thi công cho Dự án mạch 3 Đường dây 500kV cung đoạn Quảng Trạch – Phố Nối. 

Nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung đến sớm do tác động của hiện tượng El Nino. Từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6, số đợt nắng nóng xuất hiện nhiều và cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mưa cũng đến sớm. Những trận mưa xối xả, hối hả như sợ chỉ cần ngưng trong chốc lát thì mặt đất đang bị nung nóng sẽ nuốt chửng sạch nước đi. 

Nam Định nằm trong vùng chiêm trũng, là rốn nước đồng bằng châu thổ sông Hồng nên mưa lớn một chút là đường đi lối lại lầy thụt, trơn trượt. PTC3 nhận hỗ trợ thi công 3 vị trí số 37, 38 và 39 trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Chúng tôi có mặt tại khu vực PTC3 thi công, Đội Truyền tải điện Gia Lai đã hoàn thành công việc dựng cột ví trí số 37, vị trí  38 của Đội Truyền tải điện Lâm Đồng và 39 của Đội Truyền tải điện Bình Thuận đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trong ngày 9-6-2024 để sáng sớm hôm sau di chuyển sang vị trí 174 là huyện Đông Hưng, Thái Bình, vị trí 178 là huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Mặc dù mưa đã ngừng được một ngày nhưng đường vào vị trí thi công vẫn lầy lội. Mọi ngả đường vào đều bị phong tỏa bởi ngập nước. Trận mưa ngày hôm trước không làm dịu cơn nóng tháng 6, khiến cho người ta không hiểu cái nóng bức từ đâu đem đến, đeo bám không sao rũ ra được. Cả 3 vị trí của PTC3 đều nằm sâu giữa cánh đồng lúa đã hanh hao vàng, công việc vận chuyển thủ công bằng sức người, với trọng lượng trên dưới 60 tấn cho mỗi vị trí mà không có thiết bị hỗ trợ đã rất vất vả, nhưng khó khăn hơn là phải lựa đường đi để không làm hỏng lúa của người dân.

Anh Nguyễn Văn Anh – Đội trưởng Đội xung kích Truyền tải điện Lâm Đồng nói, nắng nóng đến mấy anh em cũng chịu được, nhưng mưa thì rất lo, cái lo không phải do phải lắp ráp các vách cột trong bùn lầy mà là do phải tạm ngừng thi công vì không thể leo cao do trơn trượt. 

Tôi hiểu nỗi lòng của người Đội trưởng. Trong cơn mưa, nỗi buồn của cảnh và vật là nỗi buồn vô tri, nỗi lo của cảnh và vật là nỗi lo bất lực. Chỉ có những người lính xung kích mới buồn nỗi buồn trăn trở, chỉ có những người lính xung kích mới lo cái lo của những cản trở chực chờ phía trước. Mưa càng lớn, nỗi lo càng dâng cao.

Anh Nguyễn Tấn Lý, 39 tuổi đời nhưng đã có 18 năm tuổi nghề. Anh quê ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi anh sống và lớn lên là vùng có địa hình núi cao và khí hậu mát mẻ. Lần đầu tiên ra Bắc, lần đầu tiên cảm nhận được sự biến đổi đột ngột của khí hậu vùng Bắc bộ, sự choáng ngợp ngào ngạt hương lúa và sắc vàng của bông lúa chín rộ. 

- Anh cảm thấy thế nào khi được chọn tham gia hỗ trợ thi công Đường dây 500kV?

- Cảm thấy tự hào như đi giữa ba quân.

Thật kỳ lạ, những người lính PTC3 như thân lúa rỗng mềm, suốt tháng ròng vẫn luôn vững chãi cho bông lúa ngày một nặng thêm không bị đổ gục, khiêm nhường nhã nhặn mà kiên cường, chẳng dễ gì bị ngã gục trước khó khăn, gian khổ.

Nhìn 24 con người trong bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem bùn đất, ướt đẫm mồ hôi lại càng hiểu rõ hơn, nỗi lo này đã trở thành động lực để các anh phấn đấu rút ngắn thời gian thi công.

Tại vị trí 39, cột cao 67m với trọng lượng 68 tấn cũng đã được Đội xung kích Truyền tải điện Bình Thuận hoàn thành công việc lắp dựng cột. 

Đội trưởng Phan Đăng Hùng nói, ngày 22-5-2024, Đội Truyền tải điện Bình Thuận mới bắt đầu thi công và sau 17 ngày thì hoàn thành thi công phần dựng cột. Đội Truyền tải điện Bình Thuận đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trong ngày 9-6-2024 để sáng sớm hôm sau di chuyển sang vị trí 174 là huyện Đông Hưng Thái Bình, vị trí 178 là huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Vậy đó, người lính truyền tải chân chất, dễ dàng lo âu trước nhiệm vụ lớn lao, dễ dàng hân hoan trước những kết quả mong đợi đang dần đi tới thắng lợi.  

Mỗi vị trí cột được hoàn thành, lòng dạ lại xốn xang như từng làn sóng lúa vàng xô nhau theo cơn gió chiều thổi tới, hết lớp này đến lớp khác. Rồi đây, công trình hoàn thành, dòng điện sẽ mang lại sự phồn vinh cho đất nước, và còn có thể vượt biên giới để trao đổi điện với các nước láng giềng.

Tính đến thời điểm này, PTC3 đã hoàn thành dựng cột tại 05 vị trí thuộc cung đoạn NMNĐ Nam Định I – Phố Nối, gồm: Vị trí 166, 167 tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình và vị trí 37, 38, 39 tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Nhân sự của PTC3 tiếp tục được điều động hỗ trợ thi công kéo dây 02 khoảng néo từ vị trí 01 – vị trí 02 và vị trí 10 – vị trí 12 thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đồng thời dựng cột tại 06 vị trí, gồm: vị trí 168, 174 tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; 175, 178, 179 tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; vị trí 52 tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Mỗi vị trí thi công, anh em công nhân truyền tải PTC3 cắm lá cờ đỏ sao vàng và lá cờ lên cao theo độ cao của thân cột. Lá cờ chiến thắng đó đã được cắm trên đỉnh cột 5 vị trí. 

Quốc kỳ của mỗi quốc gia luôn mang ý nghĩa đặc biệt và là câu chuyện lịch sử đầy giá trị. Với mỗi người Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng luôn là biểu tượng thiêng liêng, đầy tự hào. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh các vị trí cột đã hoàn thành khiến tôi nhớ đến dấu ấn không thể nào quên đối với dân tộc Việt Nam đó là ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trên lễ đài làm không khí ngày hôm đó càng thêm ý nghĩa, thiêng liêng hơn. Phần nền màu đỏ của quốc kỳ tượng trưng cho dòng máu của các thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh cho cách mạng. Ngôi sao vàng năm cánh mang biểu trưng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của năm tầng lớp Nhân dân: Sĩ, công, nông, thương, binh đã luôn đồng hành, đoàn kết bên nhau, giành độc lập tự do cho đất nước.

Hay cứ dịp lễ 30 - 4, lễ Thượng cờ thống nhất non sông tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là một niềm vinh dự, tự hào. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên, mang lại nhiều cảm xúc đối với ai có dịp tham dự. Trong không khí hào hùng của ngày lễ thống nhất đất nước, giữa tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc rộng 108 mét được kéo lên từ ngọn kỳ đài bên bờ bắc cầu Hiền Lương tung bay mạnh mẽ trong nắng, gió của đất trời Quảng Trị...

Hình ảnh lá cờ tung bay hãnh diện trên đỉnh các vị trí cột đã hoàn thành lắp dựng đã neo vào lòng tôi như một dấu mốc khẳng định ý chí  của những người lính xung kích xây dựng Đường dây 500kV và khát vọng được cống hiến.

Không biết đã có một nghiên cứu nào cụ thể để xem xét tính cách nổi trội nhất của người Việt Nam chưa. Theo tôi, tính cố kết cộng đồng, tương thân tương ái là một trong những đặc tính đáng tự hào nhất của dân tộc Việt Nam. Trên công trường mạch 3 đường dây 500kV có tới 1500 nhân lực của EVN tham gia tiếp sức xây dựng đường dây, những con người nhỏ bé, bình dị góp phần làm cho đất nước tươi đẹp, làm nên màu sắc cho Tổ quốc.

Như vậy đó, tình yêu quê hương đất nước đôi khi chẳng cần lớn lao to tát gì, chỉ cần mỗi người làm tốt nghĩa vụ trách nhiệm công nhân của mình, biết chia sẻ trước những khó khăn thách thức như thời điểm công trình Đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quảng Trạch – Phố Nối cần phải sớm hoàn thành để góp phần đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế.

Ảnh trong bài: Đội Truyền tải điện Lâm Đồng và Đội Truyền tải điện Bình Thuận (Công ty Truyền tải điện 3) đang hoàn tất công đoạn cuối 2 vị trí cột 38 và 39 trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.

Thanh Mai. Ảnh: Ngọc Hà