Những người thợ truyền tải điện 500 kV trên dãy Trường Sơn

Thứ hai, 4/2/2008 | 09:43 GMT+7

Một đêm cùng với công nhân trong đợt đi chống lũ trên đỉnh đèo  Hải Vân, bên ánh lửa bập bùng của lán trại, trời rét căm căm, mưa rừng xối xả không ngớt, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện thường nhật của thợ "đường dây 500".

                   

  Cán bộ, kỹ sư Công ty truyền tải điện 2 bảo dưỡng Trạm 500kV Đà Nẵng.

Hôm nay, đến với nhiều đơn vị truyền tải điện dọc dÃy Trường Sơn, những người thợ "đường dây" trong những ngày giáp Tết này vẫn đang ngày đêm vượt qua bao vất vả, khó khăn, bảo đảm an toàn, thông suốt cho việc truyền tải điện 500 KV bắc - nam.

Những "ngôi làng truyền tải"

Cách đây 14 năm, khi đường dây 500 kV bắc - nam được đưa vào vận hành, các đội quản lý, vận hành nằm dọc theo đường dây cũng được hình thành. Các kỹ sư, công nhân trẻ hầu hết là người thành phố tự nguyện lên vùng sâu, vùng xa ở lại với đường dây tải điện. Lúc bấy giờ, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2 rất quan tâm vấn đề ổn định nơi ăn chốn ở cho công nhân, bởi có an cư mới lạc nghiệp. Những năm đầu trong khó khăn, bỡ ngỡ ở nơi rừng thiêng nước lạ, xác định gắn bó lâu dài với đường dây, phong trào góp vốn ở các đơn vị hình thành, mỗi tháng anh em tập trung tiền cho một người mua  một lô đất, cứ thế những lô đất của công nhân truyền tải cứ nối tiếp nhau. Sau khi có đất, người nào lập gia đình trước ưu tiên dùng vốn góp để dựng nhà. Năm tháng trôi qua, những ngôi nhà nhỏ dần mọc lên và những  "ngôi làng truyền tải" cũng xuất hiện. Trải dài theo đường Hồ Chí Minh, tỉnh Kon Tum có "làng truyền tải điện Ðác Glây" định cư tại xã Ðác Pét, "làng truyền tải điện Ðác Tô" ở ngay đồi Tân Cảnh, một di tích lịch sử đầy hào hùng của nhân dân Tây Nguyên trong thời chống Mỹ, cứu nước. Ở tỉnh Quảng Nam có "làng truyền tải Phước Sơn" gần sân bay dã chiến của Mỹ trước đây. Ðêm về, cuộc sống ở rừng Trường Sơn dẫu còn khó khăn, vất vả, thiếu thốn nhưng những gia đình công nhân ở đây sống gắn bó tình đồng nghiệp trong công việc, ấm áp tình làng nghĩa xóm trong sinh hoạt hằng ngày. Ở gần nhau, đỡ đần nhau trong cuộc sống, tạm quên đi nỗi nhớ xa quê, để yên tâm công tác. Anh Phạm Văn Tuyên, Ðội trưởng Ðội Truyền tải điện Ðác Glây (Kon Tum), quê ở Thanh Hóa, cho biết: Ðội có 18 công nhân, đã có bảy người lập gia đình định cư ở quê mới, phần lớn anh em quê ở các tỉnh phía bắc, nhưng Tết này anh em ở lại ăn Tết ở đội để bảo đảm vận hành, truyền tải đường dây an toàn, thông suốt.

Lưới điện truyền tải 500 kV trải dọc theo chiều dài của đất nước, cung đoạn qua miền trung, Tây Nguyên do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý, vận hành dọc theo rừng Trường Sơn là khó khăn nhất, không chỉ về địa hình mà còn về khí hậu,  thời tiết, môi trường khắc nghiệt... Ai đã từng qua đây, không thể nào quên những đợt gió Lào, những ngày mưa dầm, những cơn lũ quét, những trận bão dữ... tình trạng các địa phương ngập lụt, giao thông bị chia cắt, cô lập xảy ra thường xuyên. Ðường dây 500 kV phải vượt qua những đèo Lò Xo, đèo Kon Plong (Kon Tum), đèo Vi-ô-lắc (Quảng Ngãi), Ngầm Xơi (Quảng Nam)... ở phía bắc là những đèo Ngang (Quảng  Bình), đèo Phú Gia, Phước Tượng (Thừa Thiên-Huế); đèo Hải Vân (Ðà Nẵng). Lê Hữu Linh, công nhân Ðội Truyền tải điện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), bộc bạch: Em đã có nhiều năm ở Ðội truyền tải điện Ðác Glây (Kon Tum), đây là đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa của núi rừng Tây Nguyên. Khi được công ty điều về Ðội Phú Lộc, cứ ngỡ được về tỉnh đồng bằng là hết khó khăn, gian khổ rồi! Nhưng ở đây, đội phải quản lý đường dây vượt qua bốn đèo là Mũi Né, Phước Tượng, Phú Gia và Bắc Hải Vân. Ðể đến được từng vị trí, công nhân phải mất hàng giờ đi bộ. Cả tập thể đơn vị luôn nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, vất vả mới hoàn thành công việc được giao. Anh Nguyễn Khánh Thành, công nhân Ðội truyền tải điện Ðà Nẵng, cho biết thêm: Ðường dây từ đỉnh đèo Hải Vân trở vào do Ðội truyền tải điện Ðà Nẵng quản lý và từ đỉnh đèo Hải Vân trở ra do Ðội truyền tải điện Phú Lộc quản lý. Kiểm tra tuyến hay sửa chữa cung đoạn độc đạo này, để bảo đảm chất lượng công việc, sáng thứ hai đầu tuần anh em công nhân vận chuyển phương tiện, dụng cụ lên làm việc và ở lại trên đèo Hải Vân đến cuối tuần, khi xong việc mới rút quân về.

Thợ "nhiều nghề"

Thợ điện đường dây 500 kV đã và đang làm rất nhiều nghề. Khi phát dọn hành lang tuyến bảo vệ đường dây thì gọi là "thợ lâm nghiệp"; khi sửa chữa kè, móng cột thì gọi là "thợ xây dựng"; khi làm mương thoát nước thì gọi là "thợ thủy lợi"; khi sửa chữa đường công vụ vào tuyến thì gọi là "thợ cầu đường"... Trong một tuần, đơn vị đều triển khai công việc khác nhau, nhiều khi không dính dáng gì đến kỹ thuật chuyên môn, nhưng anh em công nhân không vì thế mà nản lòng và dù bận thế nào, buổi cuối tuần hay ngày trời mưa không làm việc trên tuyến được, thì họ lại trở thành những "học sinh" với những bài học quy trình an toàn, quy phạm kỹ thuật, chế độ vận hành... Nói về công việc thầm  lặng của mình, các công nhân Ðinh Phú Long, Trần Quốc Phi ở Ðội Sửa chữa thí nghiệm, đều bày tỏ niềm vui và cảm xúc hồi hộp của mình, khi lần đầu được "đi" trên máy bay trực thăng để vá dây cáp quang hay ngồi trên "ghế" nóng sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện. Ðây cũng là những người thợ đầu tiên không chỉ của Công ty Truyền tải điện 2 mà cả của ngành điện hoàn thành xuất sắc những công việc đặc biệt này.

Trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng anh em vẫn gặp một vài sự cố và chính đó là những kỷ niệm trong đời của mỗi người thợ truyền tải. Anh Hoàng Quốc Tuấn, công nhân Ðội truyền tải điện Huế kể: Tháng 11-1995, khi còn ở Ðội Ðác Glây (Kon Tum), Ðội tổ chức kiểm tra đêm, khi "rải quân" đến đèo Lò Xo, giáp ranh với huyện Phước Sơn (Quảng Nam), thì gặp "Ông Ba  mươi" đang lững thững đi bộ giữa đường. Trên xe lúc này chỉ còn lái xe và hai công nhân. Lái xe cho xe dừng lại pha đèn về phía trước, đồng thời dùng máy bộ đàm thông báo cho các nhóm công nhân trèo hết lên trụ điện. Sau khi nhìn ánh đèn pha ô-tô "Ông Ba mươi" lững thững xuống đường mòn rồi biến mất vào rừng. Sau một hồi định tâm, lái xe xin ý kiến lãnh đạo đội cho xe đón các nhóm công nhân đã rải trên đường về để hôm khác đi kiểm tra đoạn này! Gặp hổ, gấu, rắn, rết... thì ai cũng sợ, tuy nhiên bỏ tuyến là một điều không thể được. Ðơn vị phải trao đổi kinh nghiệm với bà con địa phương để tiện bố trí công việc và phòng tránh nguy hiểm. Mùa mưa lũ ở miền trung là nỗi lo của thợ đường dây, đã có nhiều vị trí móng cột trong cung đoạn của Ðội truyền tải điện Phước Sơn (Quảng Nam) và Ðội truyền tải điện Ðác Glây (Kon Tum) quản lý bị sạt lở nghiêm trọng, đường đi bị tắc do sạt lở ô-tô không đến được. Ðể bảo đảm an toàn thông suốt cho đường dây 500 kV Bắc - Nam, lãnh đạo công ty và các lực lượng ứng cứu từ các đội truyền tải điện khác thuộc công ty, phải đi bộ hơn 50 km đường rừng, kịp thời có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố.

Vui,  buồn, kỷ niệm của thợ đường dây 500 kV còn nhiều. Vừa rồi Chính phủ quy định mọi người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Các cơ quan chức năng không chấp nhận mũ bảo  hộ lao động thay cho mũ bảo hiểm gây thêm một khó khăn cho thợ đường dây. Vì để bảo đảm các quy định của Nhà nước cũng như của ngành điện, mỗi công nhân bắt buộc phải sử dụng đồng thời hai loại mũ nói trên. Nên chăng, cần nghiên cứu có một loại mũ có thể vừa bảo hiểm giao thông vừa bảo hộ cho công nhân khi làm việc thuận tiện hơn. Tuổi nghề, của thợ "đường dây" cũng có nhiều trăn trở, hiện nay tuổi đời bình quân phần lớn của công nhân là 30-40 tuổi. Họ là lực lượng chính trực tiếp làm việc trên cao, nhưng 10 năm sau họ đã ở lứa tuổi 40-50 tuổi, liệu sức khỏe có còn cho phép họ làm việc trên cao được hay không. Nhiều công nhân đã tự đi học những nghề khác như lái xe, tin học... hay học đại học để nâng cao trình độ và mong tìm được công việc phù hợp. Việc chuyển đổi công việc phù hợp với sức khỏe, giải quyết đồng loạt cho hàng trăm công nhân là một việc không đơn giản cũng cần đặt ra và quan tâm ngay từ lúc này.

Theo Nhân dân