Lãnh đạo EVNNPT kiểm tra thực tế dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống.
Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống là dự án cấp bách, được đầu tư xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc. Dự án nhằm cụ thể hóa cam kết giữa Đảng và Chính phủ 2 nước trong tăng cường hợp tác năng lượng.
Đường dây 220kV này dài khoảng 130 km, gồm 2 mạch, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam – Lào) đến TBA 220kV Nông Cống (thuộc tỉnhThanh Hoá) gồm 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo hành lang tuyến. Tiến độ đóng điện theo kế hoạch ban đầu được giao là tháng 06/2023, đến nay dự án đã chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến có đến 234/299 vị trí móng cột bị ảnh hưởng bởi rừng, vì vậy, để hoàn thành được Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống trong tháng 5/2024, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của tất cả các bên liên quan.
Xác định việc có được thêm nguồn điện bổ sung kịp thời cấp điện miền Bắc càng sớm càng tốt nên tại các cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (BCĐ) về kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, các dự án đường dây 500kV và 220kV nhập khẩu điện từ Lào về (như đường dây 500kV Mô-Sun - Thạnh Mỹ và đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (Thanh Hoá) cũng được Ban chỉ đạo liên tục đốc thúc khẩn trương đảm bảo tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh "Đẩy mạnh việc triển khai giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công các hố móng còn lại thuộc dự án đường dây 220kV từ Nậm Sum về Nông Cống để bảo đảm có thể nhập khẩu điện từ Lào về và xem đó là nhiệm vụ mới được bổ sung cho chủ đầu tư cũng như các nhà thầu. Việc tiếp theo là đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500 kV Mô Sun - Thạch Mỹ cũng là để nhập khẩu điện từ Lào - đường dây cao áp này được triển khai từ tháng 9/2003 và theo dự kiến là trong năm nay là phải hoàn thành".
Tính đến thời điểm kiểm tra thực tế chiều 16/4, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã bàn giao mặt bằng 116/125 vị trí, còn lại 09 vị trí vướng rừng tự nhiên, chưa được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, các chủ rừng chưa thực hiện phương án thiết kế khai thác tận thu lâm sản. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bàn giao mặt bằng 140/174 vị trí, còn lại 34 vị trí gồm 31 vị trí vướng rừng tự nhiên và 03 vị trí ngoài rừng tự nhiên (vị trí 99 đã có quyết định phê duyệt giá đất, đang thẩm định phương án; vị trí 98, 100 đã trả tiền theo phương án bồi thường những hộ dân chưa nhận tiền với lý do đơn giá thấp, đang tiếp tục vận động). Về hành lang tuyến đến nay mới bàn giao 35/99 khoảng néo, trong đó tỉnh Thanh Hóa 18 khoảng néo, Nghệ An 17 khoảng néo.
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đề nghị các nhà thầu cần tăng cường lực lượng để đáp ứng thi công các vị trí móng bàn giao trong thời gian tới cũng như dựng cột kéo dây, đồng thời kiến nghị: Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống trong thời gian vừa qua được sự hỗ trợ của Nghệ An, Thanh Hóa. Tuy nhiên hiện đang gặp vướng mắc. Sau khi có Nghị định 27 tháo gỡ việc tác động vào rừng thì chúng tôi mới được phép triển khai làm và hiện tại đang làm, mong rằng các địa phương giống như đường dây 500kV mạch 3 cố gắng song song cho chúng tôi vừa làm thủ tục tác động vào rừng, vừa cho phép triển khai thi công. Tiếp nữa là một số vị trí móng đến thời điểm này cũng chưa xong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc tỉnh Nghệ An có vài hộ dân là họ không chấp thuận với phương án bồi thường nên cũng chưa bàn giao móng và khó khăn vướng mắc nhiều nữa là các hành lang tuyến, kể cả Nghệ An, Thanh Hóa đến bây giờ cũng đang đối mặt rất nhiều về hành lang tuyến để bàn giao. Nếu như bàn giao được sớm, chúng tôi sẽ phấn đấu 220 kV Nậm Sum - Nông Cống sẽ hoàn thành xong theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.