Đợt điều tra giá điện giờ cao điểm của Bộ Công Thương cho thấy việc áp dụng quy định về giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng.
Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về giá điện giờ cao điểm sáng nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1 giữ nguyên quy định về giờ cao điểm sáng, chỉ xem xét để giảm mức giá điện giờ cao điểm sáng đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ mua điện từ cấp điện áp 35/22KV trở xuống.
Phương án 2 giữ nguyên quy định giờ cao điểm sáng và mức giá điện cho giờ cao điểm như hiện hành.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, số các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm dưới 10% chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát (trên 70%). Mức tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất hoặc tổng doanh thu của doanh nghiệp khi áp dụng cơ chế giờ cao điểm sáng rất nhỏ, trong khoảng từ 0,08% - 0,57% (tháng 4) và 0,04% - 0,69% (tháng 5).
Các doanh nghiệp có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm trên 20% chỉ chiếm khoảng 13,28% - 15,17%. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất 1 ca, tập trung vào giờ cao điểm sáng.
Đợt điều tra giá điện giờ cao điểm của Bộ Công Thương cũng cho thấy việc áp dụng quy định về giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng.
Cơ chế áp dụng giờ cao điểm mới từ 1/3:
Giờ bình thường:
a) Từ thứ 2 đến thứ 7:
- Từ 4h đến 9h30
- Từ 11h30 đến 17h
- Từ 20h đến 22h
b) Ngày Chủ nhật:
- Từ 4h đến 22h
Giờ cao điểm:
a) Gồm các ngày từ thứ 2 đến thứ 7:
- Từ 9h30 đến 11h30
- Từ 17h đến 20h
b) Ngày Chủ nhật: Không có giờ cao điểm
Giờ thấp điểm: Tất cả các ngày trong tuần, từ 22h đến 4h sáng ngày hôm sau.
Trước đây, giờ cao điểm được quy định vào 4 tiếng buổi tối từ 18h - 22h, giờ bình thường từ 4h- 18h.
|
(Nguồn: Công văn 4945/VPCP-KTTH)