Đập tràn xả lũ- Thủy điện Buôn Tua Srah
Theo Ban quản lý dự án, nhà máy nằm ở khu vực giáp ranh 3 vùng khí hậu Tây Nguyên – Tây Nam Bộ - Nam Bộ nên hay có mưa bất thường. Đặc biệt, năm nay mưa đến sớm (sau tết âm lịch) và có những trận mưa liên tục kéo dài nên rất khó khăn cho việc đắp đập– một trong những hạng mục quan trọng nhất của công trình này.
Vì vậy, các nhà thầu đã tập trung cao độ thiết bị, bố trí lực lượng làm 3 ca liên tục, tranh thủ ngày nắng để sớm hoàn thành đập và đạt cao độ thiết kế 482m (cao độ chống lũ) ngay từ trung tuần tháng 7. Hiện nay, các nhà thầu đang tiếp tục hoàn thành đắp đến cao trình 492,3m vào cuối tháng 8 tới. Cùng đó, một số hạng mục khác như đập tràn, cửa nhận nước, trạm phân phối điện 220kV, hầm dẫn kiệt, hồ chứa… sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 7 này. Riêng nhà máy, khu vực nhà điều khiển trung tâm đã bàn giao cho đơn vị lắp máy để lắp đặt thiết bị, hoàn thành thả Rotor tổ máy 1 vào giếng máy phát.
Nằm trên sông Sêrêpôk, vì vậy, ngoài nhiệm vụ tích nước phục vụ cho phát điện, hồ chứa nước dung tích 430 m3 của công trình này còn có nhiệm vụ tích nước cho các nhà máy thủy điện khác trên dòng Sêrêpôk là Buôn Kuốp, Sêrêpôk 3….; đồng thời cấp nước tưới cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thời tiết khô cằn và bất thường của khu vực Tây Nguyên.
Thủy điện Buôn Tua Srah có 2 tổ máy với tổng công suất 86 MW, hàng năm sẽ cung cấp khoảng 360 triệu kWh điện. Đây là một trong những công trình thủy điện quan trọng thuộc cụm các nhà máy thủy điện tại Tây Nguyên. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2010. Được biết, cùng với thủy điện Buôn Tua Srah, đến năm 2010 tất cả 6 công trình thủy điện thuộc hệ thống sông Sêrêpôk đều được đưa vào vận hành./.
Xuân Mai