Diễn đàn năng lượng

Nội dung chính cần chú ý khi phân tích cổ phiếu

Thứ tư, 13/5/2009 | 17:10 GMT+7
Khi phân tích cổ phiếu, nhà đầu tư cần chú ý phân tích các nội dung chính như lĩnh vực kinh doanh; vốn và cơ cấu vốn; HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát; chỉ số tài chính; thương hiệu, sản phẩm và hệ thống phân phối - dịch vụ; và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

1. Lĩnh vực kinh doanh
DN đó đang sản xuất - kinh doanh sản phẩm nào là chủ yếu, thể hiện qua tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của sản phẩm đó trên doanh thu và lợi nhuận của DN. Biết được lĩnh vực kinh doanh chính của DN sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về những ảnh hưởng có thể có tới DN như môi trường kinh tế vĩ mô, luật pháp, thiên tai, đối thủ cạnh tranh...
 
2. Vốn và cơ cấu vốn
- Cơ cấu sở hữu vốn: Nhà nước nắm bao nhiêu phần trăm; cổ đông chiến lược, cổ đông tổ chức, cá nhân nắm số lượng lớn; cổ phiếu lưu hành, số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Thông thường, một cổ phiếu có nhiều cổ đông chiến lược thì tốt trong dài hạn và kỳ vọng của NĐT tăng cao. Ngoài ra, khi DN có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước và cổ đông chiến lược lớn thì số cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường ít hơn nhiều so với tổng số cổ phiếu, điều này thường có lợi cho giá cổ phiếu vì lượng cung bị hạn chế.

- Vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn, lợi nhuận: nếu một DN có lợi nhuận lớn và tỷ lệ vay nợ hiện tại cao thì nhiều khả năng DN sẽ tăng vốn để giảm bớt chi phí vay. Hơn nữa, nếu DN có vốn chủ sở hữu lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ thì điều đó dễ dàng làm cho EPS của cổ phiếu tăng cao.

- Quá trình tăng vốn của DN: cần tìm hiểu vốn hiện tại cũng như nhu cầu tăng vốn trong thời gian tới, vì trước và sau khi DN tăng vốn, giá cổ phiếu thường biến động khá mạnh.
 
3. HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát
- HĐQT bao gồm những ai, tỷ lệ vốn góp của họ; chiến lược đề ra có vì quyền lợi của cổ đông, liệu có sự phân biệt đối xử giữa cổ đông tổ chức và cổ đông nhỏ lẻ?

- Số lượng cổ phiếu nắm giữ của thành viên HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát và những người liên quan: nếu số lượng nắm giữ cổ phiếu càng lớn thì rõ ràng là họ đều đặt niềm tin vào khả năng tăng trưởng của cổ phiếu và đó là tín hiệu tốt. Còn khi họ bán ra với số lượng lớn thì thường đó là tín hiệu xấu.
 
4. Chỉ số tài chính
Doanh thu thuần, lợi nhuận, ROA, ROE, EPS, P/E, cơ cấu nợ và đòn bẩy tài chính, cổ tức và chính sách cổ tức... Cần so sánh các chỉ số đó với các DN khác cùng ngành và mức bình quân của ngành để thấy rõ được ưu - nhược điểm của DN. NĐT nên xây dựng cho mình bảng chỉ số tài chính cho các nhóm ngành để từ đó có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn, so sánh chỉ số của các nhóm ngành đó với mức bình quân toàn thị trường.
 
5. Thương hiệu, sản phẩm và hệ thống phân phối - dịch vụ
Thực tế cho thấy, DN có thương hiệu và sản phẩm uy tín trên thị trường cùng với hệ thống phân phối và dịch vụ tốt thì giá cổ phiếu của DN thường ở mức cao hơn so với mặt bằng chung. Một số DN tạo dựng được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, có những đối tác chiến lược thì giá cổ phiếu ổn định và tăng trưởng bền vững hơn những DN nhỏ chưa gây dựng được thương hiệu, uy tín cho riêng mình.
 
6. Giao dịch của NĐT nước ngoài và các tổ chức lớn
NĐT nước ngoài và các tổ chức lớn có ảnh hưởng nhất định đến biến động giá cổ phiếu, nhất là khi họ mua hay bán một khối lượng lớn cổ phiếu. Vì vậy, ngoài việc phân tích các chỉ số cơ bản, NĐT cũng nên quan sát động thái giao dịch của khối này để có quyết định đầu tư chính xác hơn.

Theo: ĐTCKO