Chủ động phối hợp với doanh nghiệp
PV: Được biết, Chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hỗ trợ hoàn toàn khâu kiểm toán năng lượng cho các khách hàng công nghiệp trọng điểm và nếu DN có kế hoạch cải tiến kỹ thuật sẽ được hỗ trợ 30% vốn. Tuy nhiên, năm 2007, chỉ có 10 trên tổng số 250 DN thuộc dự án thực hiện kiểm toán năng lượng. ông cho biết, năm 2008 này, EVN có biện pháp gì để cải thiện tình trạng các DN mải tập trung đầu tư sản xuất mà chưa chú trọng đến việc áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Nghị định 102/2003/NĐ -CP ngày 03/9/2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định: Khách hàng công nghiệp trọng điểm là các cơ sở sản xuất có công suất sử dụng điện trung bình từ 500 kW hoặc tiêu thụ điện năng hằng năm từ 3.000.000 kWh trở lên. Năm 2007, toàn quốc có 1.273 khách hàng công nghiệp trọng điểm, tổng điện năng sử dụng hơn 12,4 tỷ kWh. Cùng với sự tăng trưởng về công nghiệp thì số khách hàng này trong năm 2008 và những năm tới sẽ tiếp tục gia tăng.
Căn cứ vào Quyết định số 79/2006/QĐ - TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2006 - 2010 tiết kiệm từ 3 - 5% nhu cầu năng lượng. Vì vậy, trong chương trình tiết kiệm năm 2008, EVN đã giao nhiệm vụ cho các công ty điện lực chủ động phối hợp với các khách hàng công nghiệp trọng điểm phấn đấu thực hiện tiết kiệm 2% nhu cầu sử dụng điện. Trên cơ sở đó, các công ty điện lực xây dựng mối quan hệ cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp tiết kiệm điện. Trong đó, việc đầu tiên là làm việc với khách hàng và ký cam kết xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau đó khuyến khích khách hàng tổ chức kiểm toán năng lượng. Đồng thời, công ty điện lực lựa chọn 1 số cơ sở phối hợp cùng kiểm toán năng lượng, căn cứ kết quả kiểm toán để kiến nghị khách hàng thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện phù hợp đặc thù sản xuất của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc lắp đặt công tơ 3 giá, tăng cường kiểm tra áp giá cao điểm tối, kiểm tra tiết kiệm điện chiếu sáng trong khu công nghiệp; đề nghị khách hàng thực hiện các biện pháp để bố trí ca sản xuất hợp lý, thực hiện chế độ nghỉ luân phiên, hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế tối đa đèn chiếu sáng xung quanh khu vực cơ quan và hành lang về buổi tối, chỉ duy trì đèn bảo vệ ở nơi cần thiết; trong văn phòng, trụ sở các doanh nghiệp đề nghị thực hiện thay thế bóng đèn sợi đốt bằng loại đèn huỳnh quang T8 hoặc đèn compact; hạn chế sử dụng máy lạnh, tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng...
Kích thích thị trường đèn compact
Sản xuất bóng đèn compact - NM Rạng Đông
PV: Cùng với việc chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả TKĐ khối công nghiệp, sang năm 2008, EVN cũng rất quyết liệt khi cho triển khai trên toàn quốc chương trình 1000 điểm mạng phân phối đèn compact điện lực, nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm 1,3% khu vực ánh sáng sinh hoạt. Ông có thể khái quát công tác triển khai và đánh giá hiệu quả của chương trình đến thời điểm này?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: EVN hỗ trợ kinh phí đầu tư các điểm bán đèn của Điện lực với mức bình quân 10 triệu đồng cho một địa điểm, tổng cộng khoảng 10 tỷ đồng cho 1.000 điểm bán đèn của Điện lực (Mạng phân phối EVN). Các công ty điện lực sử dụng kinh phí này để đầu tư trang bị cho các điểm bán của công ty. EVN ban hành mẫu biển hiệu thống nhất cho các điểm bán đèn trong mạng phân phối đèn compact điện lực là: "Đại lý đèn Compact EVN". Thực tế trên toàn quốc hiện đã triển khai 1.095 điểm là mạng phân phối EVN. Tại các tỉnh phía Bắc, bình quân mỗi tỉnh có 13 điểm bán đèn, riêng Hà Nội có 53 điểm, Hải Phòng 35 điểm; các tỉnh phía Nam bình quân 13 điểm/tỉnh, riêng TP.HCM có 58 điểm, Đồng Nai 44 điểm; các tỉnh miền Trung bình quân 24 điểm/tỉnh.
EVN tổ chức, xây dựng mạng phân phối đèn compact điện lực hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời với việc bán đèn, mạng phân phối EVN phải thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá để làm thay đổi thói quen sử dụng điện của mọi người; tư vấn để người sử dụng điện thấy được hiệu quả của việc sử dụng đèn compact sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình và xã hội trong việc tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường của đất nước. Các nhân viên trực tiếp thực hiện bán hàng trong mạng phân phối EVN phải có trách nhiệm thông tin các quyền lợi mà họ được thụ hưởng từ lợi ích của chương trình, cụ thể là: Đèn qua mạng phân phối EVN là loại đèn chất lượng cao của các nhà sản xuất có uy tín, sản phẩm của họ đã được cam kết với EVN về chất lượng và thời gian sử dụng, có tuổi thọ từ 6.000 giờ trở lên; chế độ bảo hành sản phẩm 15 tháng từ ngày sản xuất (ít nhất 12 tháng kể từ ngày bán đèn), việc bảo hành được thực hiện tại tất cả các điểm bán trong mạng của EVN...
Qua triển khai 2 tháng đầu năm 2008, mạng phân phối đèn compact EVN tuy mới bán được hơn 135.000 bóng đèn nhưng mức tiêu thụ đèn compact trên thị trường khá mạnh: Cty Cổ phần Điện Quang bán tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm 2007, Công ty Cổ phần Rạng Đông bán được gần 3 triệu bóng compact trong 2 tháng đầu năm. Điều này minh chứng cho mục đích của chương trình quảng bá sử dụng đèn compact là kích thích thúc đẩy thị trường. Mạng phân phối compact điện lực không cạnh tranh với các mạng phân phối khác, mà chỉ với vai trò kích thích phát triển thị trường compact, đặc biệt ở những khu vực nông thôn. Năm 2008, Tập đoàn đặt mục tiêu bán 3 triệu đèn qua mạng phân phối EVN để góp phần cùng với các nhà sản xuất đưa mức tiêu thụ đèn compact trên thị trường từ 18 - 20 triệu đèn compact trong năm 2008.
PV: Ông đánh giá thế nào về mức cung cầu thị trường đèn compact nội địa cũng như xu hướng về chất lượng và giá cả của thị trường đèn compact trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Hiện có 4 nhà sản xuất chính đối với sản phẩm đèn compact, với năng lực sản xuất như sau: Công ty Bóng đèn Điện Quang: 50 triệu sản phẩm /năm; công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: 25 triệu sản phẩm /năm; công ty Điện tử Philips Việt Nam: 7 triệu sản phẩm /năm; công ty Việt Nhật: 2 triệu sản phẩm /năm. Ngoài ra còn một số công ty khác với dây truyền lắp ráp đơn giản, công suất nhỏ.
Như con số nêu trên, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ trong nước hiện nay (đang ở mức khoảng 15 triệu đèn/năm). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với các nhà sản xuất trên trong việc cung cấp sản phẩm đèn compact cho các công ty điện lực để bán qua mạng phân phối EVN. Các công ty điện lực mới bắt đầu ký hợp đồng mua đèn đợt đầu nên còn đang thăm dò thị trường, số lượng mua vào còn hạn chế. Tuy nhiên, do khách hàng thấy được sự ưu việt của sản phẩm bán qua mạng EVN (đèn có chất lượng cao, chế độ bảo hành hơn hẳn so với thị trường bên ngoài, uy tín của EVN, v.v…) nên ở một vài điểm mạng phân phối EVN có thời điểm thiếu đèn cung cấp cho khách hàng vì số lượng mua nhiều hơn so với dự kiến. Sau khi có những thông tin ban đầu về thị trường, các công ty điện lực thời gian tới sẽ cân đối lượng cầu để điều chỉnh việc mua - bán nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.
Xuất phát từ thực tế cung cầu trên thị trường trong nước và xuất khẩu hiện nay, xét tiềm năng nhu cầu còn cao, thì việc xuất hiện thêm các nhà sản xuất có năng lực tốt để đưa ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường là cần thiết. Đồng thời, càng ngày, do mức thu nhập tăng, giá thành sản xuất sản phẩm giảm đi và do sức ép về bảo vệ môi trường, nhu cầu về những sản phẩm có chất lượng cao ngày càng lớn, những sản phẩm có chất lượng thấp không được xã hội chấp nhận, do vậy cần sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn.
Năm 2008, EVN phấn đấu tiết kiệm 681 triệu kWh, bằng 1% tổng sản lượng điện thương phẩm. Trong đó tập trung ở các khu vực chiếu sáng công cộng (8,8%), cơ quan hành chính sự nghiệp (16,6%), ánh sáng sinh hoạt (1,3%) và công nghiệp xây dựng (0,5%).