Tin trong nước

Ông Sáu Dân với công trình thủy điện đầu tiên ở miền Nam sau ngày thống nhất

Thứ tư, 23/11/2022 | 14:13 GMT+7
Khi còn công tác ở báo Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Châu từng được theo chân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những dịp "lăn lộn" ở công trình Thủy điện Trị An.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi thăm sức khỏe các nhà báo (năm 1999) - Ảnh do tác giả bài viết cung cấp.
 
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà báo Trần Ngọc Châu gửi những dòng hồi ức về cố Thủ tướng với công trình thủy điện Trị An. Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
 
Là nhà báo công tác ở báo Tuổi Trẻ, tôi có nhiều dịp gặp ông Võ Văn Kiệt. Nhưng thời gian mà tôi còn nhớ và muốn nhớ nhất chính là khi tôi được Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ phân công chuyên theo dõi công trình Thủy điện Trị An nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
 
Công trình Thủy điện Trị An trong trí nhớ của tôi là "Công trình Võ Văn Kiệt". Vẫn biết rằng đó là Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM, là đóng góp của hàng chục triệu con người, trong đó có Trưởng Ban Công trình, Thiếu tướng Trần Văn Danh (Ba Trần), Bộ Điện lực, Tổng công trình sư Nga Gaganova… nhưng giả sử không có ông Võ Văn Kiệt thì rất có thể Thủy điện Trị An không hoàn thành vào thời điểm đó, bởi vì mô hình "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là một sáng tạo thành công với thực tiễn Nhà máy Thủy điện Trị An. Thời điểm đó rất "nhạy cảm" với khái niệm "nhân dân cùng làm" khi mà chỉ có Bộ Điện lực mới được quyền đầu tư vào những công trình năng lượng, vì đòi hỏi chuyên môn cao.
 
Tháng 10/1981, tôi đã theo chân đoàn khảo sát đến vùng dự kiến sẽ xây dựng đập thủy điện thuộc xã Cây Gáo, Đồng Nai. Tướng Trần Văn Danh, phụ trách điều hành xây dựng Trị An, trầm ngâm nhìn dòng sông rồi nói: "Hãy chuẩn bị thật kỹ cho chuyến đi của đồng chí Bí thư Thành ủy đến thăm Trị An sắp tới".
 
Chừng một tuần lễ sau, ngày 21/10/1981, tôi lại được tháp tùng đoàn khảo sát thực địa Trị An do Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt dẫn đầu. Bí thư Thành ủy nhanh nhẹn, kể cả khi đi xuyên rừng. Ông tự mình vẹt cây lá để mở lối đi riêng, không phải chờ người bảo vệ. Ông cứ băng băng đi trước mọi người. 
 
Đứng trước dòng sông ào ào chảy, ông thoáng chút lo âu. Ông đòi hỏi phải nghe rất nhiều phía, từ các nhà chuyên môn trong nước, các kỹ sư và chuyên gia nước bạn và kể cả các chuyên gia, giáo sư chuyên môn từng làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, trong đó có GS. Địa chất Trần Kim Thạch.
 
Trở lại lán của Ban Quản lý Dự án, cuộc họp nhanh chóng bắt đầu. Các cán bộ phụ trách báo cáo, nhưng về kỹ thuật công trình thì hầu hết chưa có gì, chỉ duy nhất vấn đề tiền vốn cho công trình là tương đối rõ.
 
Tướng Trần Văn Danh chủ trì chương trình vận động tài chính nói: "Nhân dân các tỉnh đều đồng lòng đóng góp mặc dù còn rất khó khăn. Tất nhiên chỉ mới có "đồng lòng" chứ "đồng tiền" thì chưa có", vị tướng giỏi trận mạc nói đùa để bớt đi nỗi lo quá sức của ông.
 
Như thói quen, không có chuyến đi thực địa nào mà ông Võ Văn Kiệt không gặp dân, chuyến đi lần này ông ghé Trường Tiểu học Cây Gáo. 
 
Gặp một mẹ già ở xã Cây Gáo, ông hỏi "Có buồn khi phải di dời không?", mẹ đã nói thẳng: "Rất buồn. Nghe người ta nói nhà chúng tôi sẽ phải dời đi". Ông quay sang những người tháp tùng: "Đó. Kế hoạch này là đô thị hóa chứ không chỉ làm một nhà máy thủy điện nên phải giải thích cho dân, bao giờ dân hiểu mới làm", ông nói. Trong sổ tay phóng viên, tôi gạch chân cụm từ: "Bao giờ dân hiểu mới làm".
 
Khi xe quay lại thành phố, ông không quên thăm những kỹ sư trẻ đang làm công tác nghiên cứu cho Thủy điện Trị An trong một căn phòng nhỏ khu cư xá chuyên gia Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn.
 
Các kỹ sư trẻ này làm việc ở nhiều nơi, nhiều ngành khác nhau. Trên bàn làm việc của họ lúc nào cũng có một tấm bản đồ vùng thác Trị An. Có thể họ là các chuyên gia năng lượng ở Leningrad hay Moscow (nước Nga), ở sông Đà. Cũng có thể họ là những nhà quản lý chuẩn bị xây những nhà hàng du lịch trên hồ. Những người làm đường, những quân nhân sau chiến tranh đang tham gia gỡ mìn trên những con đường dẫn đến Trị An. Trong mọi ngả của cuộc sống, người ta đang âm thầm làm việc theo lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt, để một ngày không xa, có thể chế ngự dòng sông.
 
"Mọi việc không phải dễ dàng gì", bốn bạn trẻ ở Khoa Địa chất Đại học Tổng hợp đang tham gia nghiên cứu cấu tạo địa chất vùng đập, dưới sự hướng dẫn của GS. Trần Kim Thạch, đã phát biểu như thế với tất cả trách nhiệm đối với công trình.
 
Lưu Đức, Trưởng nhóm, 22 tuổi, đã nghiên cứu địa chất và khai thác vật liệu xây dựng vùng Trị An từ những năm 1977-1978. Lúc đó anh đã mơ ước được góp phần vào việc xây thủy điện trên vùng thác sau này.
 
Giờ đây, anh đã đi được nửa đường mơ ước ấy. Nhưng nửa đường còn lại không phải đã được dọn sẵn. Anh phải làm việc cật lực cùng với thầy giáo, với 3 người bạn thân thiết để đưa ra được những kết luận vững vàng, với nhiều đêm gần như thức trắng để giải đoán ảnh, nghiên cứu bản đồ; nhiều ngày đi thực địa. Bàn chân của "bộ tứ" ấy đã đi khắp chiều dài hai bên bờ sông vùng thác.
 
"Dứt khoát 5 km bờ sông, không bỏ sót một chi tiết nào. Có thể nói chi tiết của từng bước chân một", GS. Thạch đã nhận xét về công việc của học trò mình và báo cáo với nhà lãnh đạo. Kết quả, họ đã chuẩn bị được bản đồ vùng Trị An tỉ lệ 1/5.000 lớn nhất trong các bản đồ tham khảo, đảm bảo độ chính xác cao. 
 
GS. Thạch cũng từng nói với tôi: "Chỉ có ông (tức ông Võ Văn Kiệt) mới đủ quyết tâm xây dựng một nhà máy thủy điện vào lúc này" bởi ở thời điểm đó, chúng ta gần như không có gì: Không có tiền, thiếu công nghệ, thiếu nhân lực và cả sự chuẩn y từ cấp Trung ương.
 
Tạm biệt nhóm khảo sát, Bí thư Thành ủy đến thăm và khích lệ tinh thần nhóm thiết kế. Kỹ sư Nguyễn Chí Nghĩa (28 tuổi, tốt nghiệp Viện Năng lượng Moscow), Nhóm Trưởng, cho biết nhóm của anh gồm những nhà khoa học trẻ, những đoàn viên thanh niên cộng sản, những người đã "thao thức" đề tài này từ lâu. 
 
Bên cạnh Nguyễn Chí Nghĩa là Hồ Tân Sinh (Bí thư Đoàn trường Bách Khoa, Phó Tiến sĩ tốt nghiệp Viện Thủy lợi ở Ba Lan), mỗi người đều có những phương án thiết kế riêng của mình. Họ bàn cãi nhiều đêm, đưa ra tất cả những trường hợp cấu trúc công trình thủy điện, để xét cho hết mọi khả năng với quyết tâm chọn được phương án tốt nhất.
 
Trong phòng làm việc chong đèn thâu đêm suốt sáng của họ là những tấm bản đồ được trải rộng, những máy tính điện tử chạy rè rè. Thế mà, nhiều khi còn bị cắt điện bất ngờ. 
 
… Gần 40 năm đã qua như một giấc mơ. Trong những chuyến công tác nước ngoài sau này, nhiều người hỏi tôi: "Ông có biết ông Sáu Dân không?" Họ tỏ ra thích thú khi được giải thích về nickname: "Tất cả vì dân".
 
Năm 1994, tôi ở Bangkok (Thái Lan) 1 tháng để tường thuật sự kiện Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN phê chuẩn Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tôi gặp anh Paisal, lúc đó là Tổng Biên tập báo Bangkok Post. 
 
Anh nói cho biết đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thực hiện phỏng vấn sau khi "hẹn mất một năm". Tôi mách nước cho anh: "Nhớ hỏi Thủ tướng làm sao có 12 triệu USD để xây công trình thủy điện đầu tiên sau ngày miền Nam Việt Nam giải phóng nhé!"
 
Sau này, Paisal có dịp gặp tôi tại Báo Saigon Times, anh đã cảm ơn tôi vì câu hỏi của anh đã được nhà lãnh đạo khen là câu hỏi hay. "12 triệu đô đó là tất cả đóng góp của nhân dân, dù họ còn nghèo, rất nghèo", ông Võ Văn Kiệt trả lời Paisal khi đó.
 
Hình như những con người "rất nghèo"kia, từng cá nhân nhỏ bé, chính là chỗ dựa và cũng là mối quan tâm thường xuyên của ông và ông cũng vì họ.
 
Theo: VGP News