PC An Giang nỗ lực đảm bảo cung cấp điện cho sự phát triển của địa phương

Thứ hai, 17/10/2022 | 09:56 GMT+7
Ngoài đáp ứng đủ, ổn định nhu cầu sử dụng điện của toàn tỉnh An Giang, ngành điện lực được kỳ vọng phát triển mạnh hơn nữa, đủ công suất phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đặc biệt là khi tỉnh mở cửa mời gọi đầu tư nhiều công trình, dự án lớn.

PC An Giang nỗ lực đảm bảo cung cấp điện cho sự phát triển của địa phương.

 
Vận hành ổn định
 
Toàn tỉnh có 99,9% hộ dân có điện. Theo Công ty Điện lực An Giang (PC An Giang), năm 2022, đơn vị tiếp tục cung ứng điện theo phương thức không điều hóa tiết giảm điện (trừ trường hợp buộc phải cắt điện khi công tác trên lưới điện). Trường hợp cắt điện từng khu vực theo kế hoạch, PC An Giang thông báo theo quy định. Đối với khách hàng quan trọng mà khi mất điện ảnh hưởng đến sản phẩm, đơn vị thông báo trực tiếp cho khách hàng.
 
Đồng thời, thời gian tiếp cận điện năng ngày càng được rút ngắn, đảm bảo khách hàng được cấp điện trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, đơn vị lắp đặt điện kế (miễn phí) cho khách hàng mới trong vòng 5 ngày (đối với cấp điện hạ áp) hoặc dưới 3 ngày (đối với trung áp). Sự cố mất điện của khách hàng được giải quyết nhanh chóng trong vòng 2 giờ kể từ khi nhận được thông báo của khách hàng…
 
Trên địa bàn An Giang, Truyền tải điện miền Tây 3 (Công ty Truyền tải điện 4) quản lý vận hành 5 tuyến đường dây 220kV, tổng chiều dài hơn 214km, đi qua 31 phường, xã, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố (huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên). Sản lượng điện truyền tải 8 tháng đầu năm 2022 cung cấp cho tỉnh hơn 1,2 tỷ kWh, tăng hơn 30% so cùng kỳ 2021. Quá trình vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh đến nay an toàn và ổn định.
 
“Nhận thức rõ nhiệm vụ và tầm quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh An Giang nói riêng, các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung, chúng tôi nỗ lực hết sức, tích cực phối hợp ban ngành, chính quyền địa phương, hoàn thành nhiệm vụ vận hành lưới điện an toàn, ổn định, liên tục” - Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 Lê Xuân Thụ khẳng định.
 
Đầu tư, cải tạo lưới điện
 
Đối với lưới điện 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang triển khai đầu tư xây dựng mới đường dây 110kV, trạm 110kV Hòa Bình (huyện Chợ Mới, tổng mức đầu tư trên 94,1 tỷ đồng); đấu nối trạm 110kV Tịnh Biên (đường dây 110kV mạch 2 trạm 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên, trên 62 tỷ đồng); đường dây 110kV Tri Tôn - Thoại Sơn (gần 145 tỷ đồng); đường dây 110kV Long Xuyên 2 - An Châu - Cái Dầu (gần 134 tỷ đồng)…
 
Cũng trong năm nay, PC An Giang được Tổng Công ty giao đầu tư 36 công trình lưới điện trung hạ thế, giá trị 106,5 tỷ đồng. Trong 15 công trình khởi công mới (khoảng 85 tỷ đồng), có công trình xóa hộ câu phụ cho khoảng 800 hộ dân (5 tỷ đồng), nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân. Đồng thời, PCAG tiếp tục vay vốn thương mại khoảng 76,3 tỷ đồng để đầu tư lưới điện phục vụ cấp điện cho địa phương.
 
“Không chỉ vậy, để chủ động và thực hiện ngày càng tốt hơn công tác cấp điện trong thời gian tới, nhằm phục vụ phát triển KTXH, đặc biệt cấp điện khu vực nông thôn theo nghị quyết của tỉnh, PC An Giang tiếp tục phối hợp, đề xuất Sở Công Thương (chủ đầu tư dự án 2081) thực hiện một số công trình cấp thiết ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới giai đoạn 2021-2025” - Giám đốc PC An Giang Thái Minh Cương thông tin.
 
Trên địa bàn tỉnh, hiện Công ty Điện lực An Giang quản lý 11 trạm nguồn 110kV (công suất 816MVA). Ngoài ra, trạm 220/110kV Long Xuyên 2 (do Truyền tải điện miền Tây 3 quản lý), trạm 110kV Thạnh Hưng (do Công ty Điện lực Đồng Tháp quản lý) cùng cấp điện cho tỉnh. Hầu hết trạm vận hành ổn định, đủ khả năng cấp điện cho địa phương.

Link gốc
Theo: Báo An Giang