Chuyển đổi số trong EVN

PC Cao Bằng: Tăng cường ứng dụng công nghệ số để hướng tới phục vụ khách hàng ngày một hoàn hảo hơn

Thứ ba, 2/4/2024 | 10:34 GMT+7
Từ năm 2020 đến nay, Công ty Điện lực (PC) Cao Bằng đã tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng.

Công nhân Điện lực Cao Bằng tuyên truyền tới khách hàng về những tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt.

Giờ đây, 100% các dịch vụ điện đã được Công ty triển khai ứng dụng số hoá và chỉ cần thông qua internet kết nối trực tuyến, khách hàng đã có thể sử dụng các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi.

Thanh toán tiền điện trực tuyến, không cần sử dụng tiền mặt

Với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm”, những năm qua, PC Cao Bằng đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật phải đề cập tới lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hiện nay, khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đã có thể dễ dàng thanh toán tiền điện trực tuyến mà không cần phải đến nộp trực tiếp tại các điểm thu hoặc phòng giao dịch khách hàng. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, PC Cao Bằng đã ký kết hợp đồng ủy quyền thu tiền điện qua các ngân hàng có chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh gồm: Vietinbank, BIDV, Agribank… Đồng thời, Công ty cũng đã ký kết với nhiều đơn vị trung gian để thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện. Nhờ vậy mà tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đã đạt 78,89%. Qua đó, vượt 1,09% so với kế hoạch được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao.

Anh Dương Văn Khuyên (xóm Bản Chu, xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa) nhận xét: “Trước đây, để có thể thanh toán tiền điện, tôi phải ra tận bưu điện xã hoặc lên trực tiếp trụ sở Điện lực Quảng Hoà. Việc này mất nhiều thời gian vì từ nhà tôi tới các địa điểm thu tiền điện rất xa, trong khi đường xá đi lại khó khăn, chưa kể những hôm trời mưa, rét. Nhưng kể từ khi ngành Điện Cao Bằng tích hợp đa dạng hoá các hình thức thanh toán tiền điện, gia đình tôi đã lựa chọn phương thức thanh toán qua ứng dụng ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động. Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn của Điện lực thông báo chỉ số công tơ và số tiền phải thanh toán thì bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể mở điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ internet banking. Sử dụng hình thức thanh toán này, gia đình tôi không phải mất công đi lại và thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây, mà lại không hề mất một đồng chi phí dịch vụ nào”.

Còn đối với chị Triệu Thị Khé (xã Quý Quân, huyện Hà Quảng) cho biết: “Tôi đã nghe nói đến hình thức thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt từ cách đây vài năm nhưng vì ngại tiếp cận với công nghệ, cũng như sợ chuyển nhầm tiền vào tài khoản khác… nên cứ đến kỳ nộp tiền điện hàng tháng, tôi thường đến trực tiếp các điểm thu nộp tiền điện để nộp tiền. Nhưng kể từ khi được cán bộ Điện lực tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng internet banking để thanh toán tiền điện, tôi nhận thấy dễ sử dụng, lại tiện lợi, thanh toán được ở mọi lúc, mọi nơi và không phải mất thời gian, công sức đi nộp tiền điện nữa”.

Chuyển đổi số toàn diện các dịch vụ theo hướng trực tuyến

Nếu như trước đây, PC Cao Bằng cung cấp nền tảng số đầu tiên trong chăm sóc khách hàng thông qua website cskh.npc.com.vn, thì giờ đây khách hàng đã có thể sử dụng các dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và liên tục 24/24h qua các kênh giao dịch trực tuyến như: App EVNNPC.CSKH; Cổng dịch vụ công Quốc gia (http://dichvucong.gov.vn); Trang Tổng công ty Điện lực miền Bắc – EVNNPC trên ứng dụng Zalo; Fanpage của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trên Facebook… Đặc biệt, chỉ với “một chạm” ngay trên thiết bị di động hoặc máy vi tính là khách hàng đã có thể dễ dàng tra cứu, nắm biết mọi thông tin về điện (từ lịch ghi chỉ số công tơ, lịch tạm ngưng cung cấp điện, hóa đơn tiền điện, dịch vụ cấp điện mới…). Hay cũng vẫn chỉ với một vài thao tác trên nền tảng không gian số, khách hàng sẽ thực hiện được toàn bộ các dịch vụ điện năng do ngành Điện cung cấp như: Đăng ký cấp điện mới; Thanh toán tiền điện; Thay đổi chủ thể, hoặc gia hạn hợp đồng mua bán điện; Thay đổi công suất sử dụng điện; Thay đổi mục đích sử dụng điện…

Ông Lý Phương Sinh – người dân tộc Mông (xóm Xà Pèng, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình) cho biết: “Kể từ ngày ngành Điện Cao Bằng đổi mới, chủ động áp dụng công nghệ vào các hoạt động điện lực đã tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện rất nhiều. Điểm mới đầu tiên phải kể đến đó là nếu như trước đây, khi khu vực tôi sinh sống bị mất điện, người dân hầu như không nắm được thông tin đầy đủ nguyên nhân do đâu. Nhưng giờ đã khác rồi, mọi người dân đều nhận được thông báo từ sớm, chi tiết về ngày, giờ cắt và ngày, giờ cấp lại thông qua tin nhắn Zalo. Điều này đã giúp chúng tôi chủ động trong sinh hoạt. Tiếp theo phải kể đến là những tiện ích từ dịch vụ điện trực tuyến. Khác so với trước đây, giờ tôi chỉ cần sử dụng điện thoại di động và cài đặt ứng dụng EVNNPC.CSKH là đã có thể dễ dàng thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, cũng như theo dõi được sản lượng điện tiêu thụ theo ngày…. Phải khẳng định, dịch vụ trực tuyến thực sự rất hữu ích đối với người dân chúng tôi”.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phục vụ khách hàng hoàn hảo hơn

Ông Nguyễn Văn Nguyễn – Phó Giám đốc PC Cao Bằng cho biết: Thời gian qua, mặc dù công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng tại đơn vị đã có nhiều cải tiến đáng kể, nhưng đứng trước xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội, PC Cao Bằng sẽ tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa để số hoá mọi mặt hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện đúng các quy trình, quy định của Ngành, Công ty sẽ đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại để gia tăng các trải nghiệm tiện ích về các dịch vụ điện đến với khách hàng.

CBCNV phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin kiểm tra hệ thống phục vụ số hóa.

“Lộ trình từ nay đến năm 2025, PC Cao Bằng vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Ban lãnh đạo Công ty đã xác định lấy con người làm trung tâm và tập trung xây dựng nguồn nhân lực chuyển đổi số thông qua công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người lao động, cũng như phổ hiến nhận thức đảm bảo an toàn thông tin cho CBCNV trong toàn PC Cao Bằng. Mặt khác, bên cạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, PC Cao Bằng cũng sẽ tiếp tục ứng dụng các phần mềm, cùng các thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của lưới điện thông minh. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lưới điện 110kV và lưới điện phân phối; Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng; Nâng cao năng lực quản lý dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; Áp dụng chức năng giám sát dữ liệu mất điện thu thập từ hệ thống công tơ đo xa và trên phần mềm OMS; Triển khai phần mềm quản lý máy biến áp; Quản lý thông tin khách hàng (CMIS3.0)…”, ông Nguyễn Văn Nguyễn – Phó Giám đốc PC Cao Bằng cho biết thêm.

Có thể khẳng định, với bước đi bài bản, kết hợp với sự quyết liệt chỉ đạo từ Ban Lãnh đạo, sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm của mỗi CBCNV-NLĐ trong toàn Công ty, chắc chắn rằng, quá trình chuyển đổi số tại PC Cao Bằng sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện trong mọi mặt hoạt động. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, cũng như quảng bá và in đậm hình ảnh người thợ điện thân thiện, chuyên nghiệp trong lòng khách hàng.

Link gốc

Theo: CN&TD