Nhân viên điện lực kiểm tra khối lượng vật tư trên Chương trình cấp điện hiện trường sau khi thi công.
Theo đó, sau khi tiếp nhận yêu cầu mua điện của khách hàng qua các kênh: trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc gián tiếp từ dịch vụ điện trực tuyến; nhân viên điện lực sẽ thực hiện bước xác định nhu cầu cấp điện của khách hàng. Các thông tin này bao gồm địa điểm sử dụng điện; mục đích, công suất sử dụng, thời gian bắt đầu sử dụng điện và các thông tin khác phát sinh nếu cần. Trên cơ sở đó, nhân viên sẽ hướng dẫn khách hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ theo quy định, trao đổi thống nhất thời gian lắp công tơ cấp điện. Căn cứ số lượng yêu cầu cấp điện của khách hàng, nhân viên dự toán sẽ ước lượng số lượng vật tư cần thiết bằng cách khai thác các dữ liệu hiện có từ các chương trình Thu thập hiện trường, PMIS, CMIS, GoogleMap,... để chuyển sang bộ phận thi công trước khi ra hiện trường. Cùng với đó, nhân viên thi công căn cứ vào lưới điện hiện trạng để xác định phương án thi công cấp điện cho khách hàng. Ngay sau khi hoàn thành thi công, nhân viên điện lực sẽ chủ động liên hệ với khách hàng để ký hợp đồng mua bán điện, ưu tiên hình thức ký hợp đồng giao dịch điện tử.
Sau gần nửa tháng triển khai, PC Đà Nẵng đã thực hiện được 395 công trình cấp điện hạ áp 1 pha sinh hoạt ngoài trụ không khảo sát hiện trường. Thời gian cấp điện được rút ngắn trung bình từ 2 ngày xuống còn 1,5 ngày, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng sử dụng điện.
Dự kiến, bắt đầu từ tháng 4/2020, PC Đà Nẵng sẽ mở rộng áp dụng hình thức cấp điện không khảo sát hiện trường đến tất cả các trường hợp cấp điện hạ áp.
Anh Minh – Văn Nghĩa