Công nhân EVNHCMC luôn làm việc trên cao với nhiệt độ trên 40 độ C để đảm bảo nguồn cung cho người dân trong mùa khô.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung đang bước vào đợt cao điểm mùa khô. Nắng nóng tiếp tục kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân và các doanh nghiệp tăng cao đột biến. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý cũng như vận hành hệ thống điện. Với nền nhiệt nhiều thời điểm vượt quá 40 độ C, trời càng nóng thì nhu cầu sử dụng điện càng cao. Và trong thời tiết khắc nhiệt ấy, tần suất người thợ điện bám cột, leo thang lắp đặt, sửa chữa điện phục vụ người dân lại càng nhiều hơn. Thời điểm này, khối lượng công việc của họ có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Thành Phong - Tổ trưởng tổ live line 11, Công ty Dịch vụ điện lực TP. Hồ Chí Minh (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh) lau vội những giọt mồ hôi trên mặt bộc bạch: "Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào 16h30, có thể có tăng ca thứ 7 và Chủ nhật, tăng ca đột xuất đi xử lý sự cố". Cũng theo anh Phong, dù thường xuyên tăng ca vào thứ 7 và Chủ nhật nhưng anh em công nhân vẫn luôn vui vẻ bởi họ cho rằng bớt chút thời gian đi làm thay vì ở nhà cùng gia đình là đã góp chút công sức giúp nhân dân.
Thường xuyên phải làm việc ở độ cao hàng chục mét so với mặt đất, mang trên mình bộ quần áo bảo hộ dày cộp với chiếc mũ nhựa, làm việc giữa trưa nắng, những người thợ điện không chỉ đối mặt với cái nóng cháy da cháy thịt của thời tiết mà còn cả sức nóng từ các thiết bị trên cột điện, trạm biến áp, hơi nóng từ mặt đường phả lên. Theo họ, nhiệt độ thực sự cơ thể phải chịu khi làm việc lâu dưới nắng những ngày này có thể lên tới hơn 50 độ C.
Anh Võ Quốc Nam, công nhân tổ live line 11, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Công việc này đòi hỏi phải mang đồ bảo hộ, găng tay. Trời nắng, đổ mồ hôi nhiều quá là phải thay người, làm chừng nửa tiếng đến 1 tiếng là phải thay, không làm liên tục được 2-3 giờ".
Đặc thù công việc là sửa chữa trên đường dây đang mang điện với công suất lên tới 22kV. Việc này đòi hỏi những công nhân điện phải tỉnh táo và chính xác 100%, bởi với họ sẽ không có cơ hội để rút kinh nghiệm nếu sai sót xảy ra. Công việc đầy thử thách và cả áp lực nhưng không phải lúc nào cũng được người dân thông cảm.
"Mình làm thì kẹt xe đông quá, người dân nhiều khi bức xúc với mình luôn. Những lúc như vậy thì mình cũng cười trừ rồi xin lỗi. Kẹt xe trưa nắng người ta cũng bực bội", anh Nam đượm buồn nói.
Mưa không biết chạy, nắng chẳng biết từ, bởi ngày này điện và nước là hai thứ thiết yếu không thể thiếu của người dân. Theo những người thợ điện này, cùng với cái nắng biến TP. Hồ Chí Minh như chảo lửa, hơn 1 tháng nay, họ hầu như không có thời gian nghỉ, có ngày phải căng mình tăng ca lên tới 16 - 17 tiếng làm việc để phục vụ người dân đủ điện sinh hoạt. "Nhu cầu tăng cao nên lúc nào cũng tăng ca thứ 7, Chủ nhật để đấu nối cho các trạm đảm bảo công suất mà mỗi tuần có 2 ngày thứ chủ nhật ở với gia đình. Thôi thì mình ráng bớt chút để mình đi làm", anh Nam cười hiền.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Điện lực, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đơn vị đã luôn đáp ứng được yêu cầu chuyển tải điện và xử lý nhanh nhất khi có sự cố xảy ra. Công ty Dịch vụ Điện lực luôn đảm bảo đủ công số điện chuyển tải trong toàn thành phố. Ghi nhận số liệu trong năm 2019, đơn vị đã xử lý hơn 9.000 lượt. "Với lực lượng hiện nay, công ty dịch vụ cũng đã đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện và hạn chế sự cố trên đường dây đang mang điện", ông Vũ cũng khuyến cáo người dân cần sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện và nếu có điều kiện nên lắp đặt pin từ năng lượng mặt trời để giảm tải sức ép.
Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, những người thợ điện vẫn treo mình trên ngọn cột đảm bảo cấp điện ổn định cho người dân. Những ngày qua, hệ thống điện của Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận những số liệu tiêu thụ cao nhất trong lịch sử, đạt ngưỡng gần 2 triệu kWh. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, tình hình nắng nóng tại Nam bộ sẽ còn kéo dài. Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng điện tiết kiệm, tắt hết những thiết bị không cần thiết, tránh quá tải.
Link gốc