Điện lực Lý Nhân kiểm tra điện NLMT tại một trường học của huyện Lý Nhân.
Tại Hà Nam, phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà là một trong những nội dung nằm trong chương trình “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, PC Hà Nam được UBND tỉnh giao là đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp có thể giúp tiết kiệm tối đa nhất mức tiêu hao điện năng trên địa bàn toàn tỉnh và mô hình ĐNLMT mái nhà từ đó đã được triển khai tích cực.
Việc lắp đặt ĐNLMT mái nhà có nhiều ưu điểm, ngoài việc tiết kiệm và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch, công trình ĐNLMT còn giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình nhà ở, phân xưởng. Hơn nữa, các công trình ĐNLMT còn lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống.
Mô hình ĐNLMT mái nhà hiện đang được nhiều khách hàng áp dụng. Bởi thực tế, vốn đầu tư cho việc lắp đặt không quá lớn (khoảng 17-20 triệu đồng/kWp), thời gian sử dụng lâu dài. Khách hàng sử dụng ĐNLMT đấu với điện lưới thông qua một bộ phận hộp kỹ thuật. Nếu như công suất ĐNLMT không sử dụng hết, truyền tải bán lại cho ngành điện có thêm thu nhập. Vào ngày râm mát, công suất sử dụng ĐNLMT thiếu, điện lưới sẽ cấp bù bảo đảm nhu cầu sử dụng cho bà con và các đơn vị. Nếu như một hộ gia đình sử dụng khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng thì chỉ mất khoảng 5-6 năm là thu đủ vốn, trong khi đó một công trình ĐNLMT sẽ sử dụng được ít nhất 20 năm hoặc có thể lâu hơn, như vậy chi phí cho việc lắp đặt và sử dụng ĐNLMT là tương đối rẻ.
Từ thực tế đó, cuối năm 2019, Công ty Điện lực Hà Nam đã tặng 07 công trình ĐNLMT mái nhà cho các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn TP Phủ Lý và một số huyện như Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng... Điều này đã góp phần tiết kiệm điện năng, đồng thời còn mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ học sinh tiếp cận với nguồn năng lượng xanh, hướng tới bảo vệ môi trường và phục vụ điện giảng dạy, học tập cho các nhà trường. Những công trình này sẽ được bảo hành 10 năm và có thời gian sử dụng 20 năm.
Hiện nay các công trình ĐNLMT mái nhà được triển khai mạnh mẽ ở các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Dự kiến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ hòa lưới nguồn ĐNLMT mái nhà khoảng 2.150 kWp, điều này vừa giúp giảm chi phí tiền điện, vừa tạo niềm tin cho khách hàng trong việc tạo ra nguồn điện dư bán lại cho ngành điện. Hiệu quả đầu tư không chỉ mang lại lợi ích kép cho khách hàng, mà còn góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững.
Link gốc
Theo: Báo Công Thương