Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành và lãnh đạo EVN, EVNNPC nghe giới thiệu về sản phẩm kỹ thuật số của NPCETC tại Hội nghị Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
NPCETC cũng coi chuyển đổi số là sự thay đổi về văn hóa của doanh nghiệp, đòi hỏi phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới.
Xây dựng nền móng
Từ năm 2014, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành “Chiến lược phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin, Viễn thông nội bộ và Tự động hóa” với mục tiêu phát triển, xây dựng và triển khai các hệ thống điều khiển, tự động hóa, thì NPCETC đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động quản lý kỹ thuật. Năm 2017, NPCETC đã xây dựng “Phần mềm hệ thống điều khiển tích hợp tự động hóa trạm biến áp - NES” được áp dụng rộng rãi trên lưới điện do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) quản lý và nhiều đối tác khách hàng trong và ngoài ngành Điện tin cậy sử dụng. NPCETC cũng ứng dụng thiết bị hiện đại để thí nghiệm các hạng mục chuyên sâu đánh giá chất lượng các thiết bị, như: Thí nghiệm cao áp GIS đến cấp điện áp 500kV; đo phóng điện cục bộ cáp ngầm và máy biến áp có điện áp đến 220kV; đo tổn hao không tải và ngắn mạch máy biến áp; thí nghiệm đáp ứng tần số máy biến áp, đánh giá chất lượng cáp điện lực; đo hiệu suất các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; chủ động thực hiện đưa vào vận hành thành công các Trung tâm điều khiển xa và Trạm biến áp không người trực, theo đó, đã đưa vào vận hành 27/27 Trung tâm điều khiển xa lưới điện phân phối tại 27 Công ty Điện lực; cải tạo các Trạm biến áp (TBA) 110kV điều khiển truyền thống thành TBA tiêu chí không người trực theo kế hoạch EVNNPC phê duyệt.; kết nối các TBA điều khiển máy tính vào Trung tâm điều khiển; kết nối tích hợp Recloser, LBS vào Trung tâm điều khiển.
NPCETC đang nghiên cứu mở rộng khai thác tối đa các tính năng nâng cao của Trung tâm điều khiển, như: Tích hợp hệ thống thu thập tín hiệu công tơ điện tử, khai thác các chức năng nâng cao của hệ thống SCADA và các lớp ứng dụng DMS, bổ sung thêm tính năng mới.
Lãnh đạo EVNNPC nghe giới thiệu về sản phẩm kỹ thuật số của NPCETC tại Hội nghị Tự động hóa ngành điện trong xu thế chuyển đổi số. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngoài việc ứng dụng các phần mềm chung của EVNNPC, như: Eoffice 3.0, HRMS, ERP (phần mềm báo cáo công tác kế hoạch tài chính), IMIS (phần mền quản lý đầu tư xây dựng), NPCETC đã chủ động xây dựng phần mềm quản lý hợp đồng để số hóa xuyên suốt toàn bộ quá trình từ khâu lập - duyệt kế hoạch, ban hành quyết định, triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát, điều chỉnh bổ sung và nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu thí nghiệm cùng nhiều phần mềm liên quan công tác quản lý tài chính kế toán.
Hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng được NPCETC thúc đẩy mạnh dưới tác động chuyển đổi số, trong đó chú trọng vào khách hàng với những phân tích nhu cầu tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới làm gia tăng giá trị của NPCETC.
Làm chủ công nghệ
Các kỹ sư NPCETC lắp đặt, thí nghiệm thiết bị điều khiển theo công nghệ kỹ thuật số tại trạm biến áp 110kV Quế Võ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong năm 2021, NPCETC đã xem xét và thực hiện góp ý kiến đối với 04 Dự án Trạm biến áp kỹ thuật số bao gồm: Lắp MBA T2 TBA 110kV Cái Lân, TBA110kV Quang Châu 2, Phú Hà, Bắc TP Thanh Hoá. Toàn bộ các ý kiến góp ý đã được bên tư vấn thiết kế và các Ban Quản lý dự án tiếp thu để hoàn thiện lại đối với thiết kế của các dự án; tham gia thí nghiệm Dự án Trạm biến áp theo công nghệ kỹ thuật số tại dự án lắp MBA T2 Hưng Nguyên. Đã hoàn thành và đóng điện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án; hoàn thiện xây dựng dựng 04 quy trình thí nghiệm trạm biến áp kỹ thuật số: Thí nghiệm IEDs, thí nghiệm thiết bị Merging Unit (MU), thí nghiệm mạng Process Bus, thí nghiệm cáp quang và đang trình EVNNPC xem xét ban hành.
NPCETC thường xuyên bố trí CBCNV tại Trung tâm giám sát và thu thập dữ liệu 20 Trần Nguyên Hãn để phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối thu thập dữ liệu. Đến 30-9-2021, thực hiện thu thập tín hiệu về Trung tâm là 203/278 TBA (73%) trong đó 24 Công ty Điện lực đã thu thập được 194/235 TBA (82,5%) bao gồm: 136 TBA không người trực đã đưa vào vận hành trước năm 2020; 38 TBA không người trực theo dự án năm 2020; 9 TBA không người trực của Hải Phòng; 19 TBA thuộc dự án cải tạo không người trực năm 2021 (đến tháng 9-2021); đóng điện mới TBA 110kV Thành Phố 2 (Thái Bình).
Các kỹ sư NPCETC lắp đặt, thí nghiệm thiết bị điều khiển theo công nghệ kỹ thuật số tại trạm biến áp 110kV Quế Võ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Xây dựng các Báo cáo vận hành, gồm: Báo cáo theo dõi thông số vận hành toàn tỉnh, theo từng từng trạm, từng MBA cho 24 Công ty Điện lực (trừ Công ty Điện lực Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình) bao gồm công suất hiệu dụng, công suất phản kháng, công suất định mức, hệ số mang tải; Báo cáo giám sát theo dõi thông số vận hành của toàn bộ EVNNPC, theo từng tỉnh và tổng toàn bộ EVNNPC, bao gồm công suất hiệu dụng, công suất phản kháng; Báo cáo excel thông số vận hành 24h của 24 PC (trừ Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình) bao gồm công suất hiệu dụng, công suất phản kháng, hệ số mang tải của từng MBA, công suất hiệu dụng tổng, công suất phản kháng tổng của tỉnh, công suất min, max trong ngày, đồ thị phụ tải trong ngày; kết nối phần mềm Quản lý dữ liệu lưới điện của NPCETC với cơ sở dữ liệu Historian của hệ thống SCADA tại Trung tâm Gíam sát để thực hiện các báo cáo chuyên sâu; bổ sung các chức năng cảnh báo trực quan trên màn hình HMI về quá tải đường dây, TBA, cảnh báo thấp áp/quá áp thanh cái 110kV và bất thường thông số vận hành.
Đến nay, NPCETC đã cơ bản hoàn thành thu thập dữ liệu các TBA đủ điều kiện kết nối lên 20 Trần Nguyên Hãn cũng như hoàn thành xây dựng các báo cáo vận hành theo yêu cầu của Ban kỹ thuật NPC. Việc thu thập dữ liệu và xây dựng báo cáo vận hành giúp EVNNPC tổng quan được tình trạng vận hành lưới điện từ đó đưa ra các quyết định chính xác nhất trong vận hành lưới điện đặc biệt trong các giai đoạn căng thẳng về nguồn lưới cũng như góp phần rất lớn trong công tác quản lý kỹ thuật của Tổng công ty.
Thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị trạm biến áp nhà máy điện mặt trời Sê San 4A. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo Báo cáo của NPCETC đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: Từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với NPCETC đó là cắt giảm chi phí sản xuất, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh được nâng cao.
NPCETC đã đưa vào vận hành 27/27 Trung tâm điều khiển xa lưới điện phân phối tại 27 Công ty Điện lực. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Chuyển đổi số ở NPCETC đã góp phần gia tăng năng suất lao động, tăng tốc độ ra thị trường, tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Là doanh nghiệp phụ trợ cho một ngành có 96 triệu khách hàng với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì nền kinh tế, có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, NPCETC có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để NPCETC tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.