Kiểm tra đường dây TBA bằng thiết bị bay flycam.
Kết thúc 7 tháng đầu năm 2022, PC Hòa Bình đã hoàn thành được một khối lượng lớn các công việc, trong đó: Đảm bảo cung cấp an toàn với tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 675,128 triệu kWh, tăng 5.85% so với cùng kỳ năm 2021; Tỷ lệ tổn thất điện năng (theo cấp điện áp) thực hiện 6.95%, giảm 0.36% so với cùng kỳ năm 2021; Giá bán điện bình quân đạt 1863.1 đồng/kWh, tăng 11.2 đồng/kWh so với cùng kỳ; Các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện đang không ngừng được cải thiện…
Có được những kết quả ấn tượng đó, cũng là nhờ PC Hòa Bình đã bám sát chủ đề năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đề ra là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Theo đó, Công ty đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, kỹ thuật như: Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lại hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ flycam, khắc phục những khiếm khuyết của đường dây; Thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành trạm biến áp (TBA) nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp san tải, cân, đảo pha; Thực hiện phương án hoán đổi các máy biến áp non tải và quá tải, cũng như nâng công suất và hạ công suất cho các TBA phân phối; Thường xuyên tính toán, đảm bảo khai thác hiệu quả các tụ bù cao, hạ thế.
Cùng với đó, PC Hòa Bình còn đẩy mạnh công tác ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác quản lý vận hành như: Ứng dụng có hiệu quả Trung tâm Điều khiển xa; Xây dựng lưới điện thông minh; Sử dụng camera ảnh nhiệt, thiết bị đo phóng điện cục bộ trong công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nguy cơ sự cố; Lắp đặt công tơ điện tử kết hợp hệ thống lo xa. Ngoài ra, Công ty cũng tăng cường thực hiện công tác hotline trên lưới điện và thực hiện sửa chữa, đấu nối, vệ sinh cách điện trong tình trạng đường đây vẫn mang điện.
Bên cạnh các giải pháp về quản lý kỹ thuật vận hành, công tác đầu tư xây dựng cũng đã được PC Hòa Bình đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã thực hiện tổng số 12 công trình với mức đầu tư là 131,209 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 01 công trình lưới điện 110kV (nâng công suất máy biến áp T1 TBA 110kV Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) từ 40 MVA lên thành 63 MVA và dự kiến sẽ đóng điện trong tháng 8 năm 2022; 10 công trình lưới điện trung hạ áp và 01 công trình thuộc lĩnh vực đầu tư khác với quy mô xây dựng mới 11,553 km đường dây trung áp, 14,563 km đường dây hạ áp; Nâng công suất 54 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm là 63.000kVA…
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc nhằm rút ngắn thời gian giao dịch, tạo sự tin tưởng và hài lòng đối với khách hàng cũng đã được PC Hòa Bình quan tâm, tích cực triển khai. Theo đó, Công ty đã tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi các quy trình, quy định theo hướng công khai về thủ tục, số hóa mọi mặt hoạt động nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi có yêu cầu. Nhờ vậy, chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm, PC Hòa Bình đã cấp điện mới cho 4.203 khách hàng với thời gian bình quân là 2.79 ngày. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, Công ty đã và đang không ngừng đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ, cũng như ký kết hợp đồng với các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank… và các tổ chức trung gian đóng trên địa bàn để thực hiện công tác thu hộ tiền điện. Qua đó, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã đạt 64.53%.
Trên cơ sở nhận diện kịp thời những thuận lợi, khó khăn, trong đó đặc biệt là những tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, thời gian từ nay đến hết năm 2022, ngoài mục tiêu tiếp tục bám sát để thực hiện thành công chủ đề năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đề ra là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”; Phấn đấu đưa tổng sản lượng điện thương phẩm đạt1.198 tỷ kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng phấn đấu đạt kế hoạch Tổng công ty giao; Giá bán điện bình quân đạt 1860.6đồng/kWh; Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao… PC Hòa Bình còn không ngừng nỗ lực phấn đấu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp điện. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ các thủ tục theo hướng số hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo phương châm 03 dễ: “Dễ tiếp cận – Dễ tham gia – Dễ giám sát”. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tập trung tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân cho người lao động; Ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng mất an toàn lao động.
Công nhân Điện lực Mai Châu hướng dẫn khách hàng đăng ký Zalo và cài nhập App EVNNPC.CSKH.
Để thực hiện được các chỉ tiêu nhiệm vụ trên, PC Hòa Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Theo đó, Công ty kiên quyết giảm thiểu sự cố, giảm tối đa thời gian mất điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, tin cậy, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó là tạo bước đột phá trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng tuân thủ nghiêm pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong đầu tư, cũng như khai thác tối đa hiệu quả các công trình lưới điện sau đầu tư; Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là chủ động cung cấp thông tin và phục vụ khách hàng. Mặt khác, PC Hòa Bình sẽ tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số, hợp lý hóa công tác tổ chức sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chi phí, tăng cường phân cấp quản lý, tạo động lực thực sự cho các đơn vị nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng…
Có thể nói, trong xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, ngành Điện nói chung và PC Hòa Bình nói riêng đang có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà. Thời gian tới, PC Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy mọi thành quả, năng lực, trí tuệ, tinh thần đoàn kết để hoàn thành toàn diện chủ đề năm 2022 mà Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đề ra. Qua đó, góp phần cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, đưa Hòa Bình trở thành điểm sáng trong công tác mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư.
Link gốc