Giới thiệu đơn vị

PC Lạng Sơn: Văn hóa doanh nghiệp làm nên giá trị cốt lõi của thương hiệu

Thứ hai, 31/7/2023 | 13:50 GMT+7
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) luôn được Công ty Điện lực (PC) Lạng Sơn xem là giá trị cốt lõi, là tài sản quý giá vô hình và là nền tảng của sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, là chất keo gắn kết con người với con người, con người với xã hội.


Đến với PC Lạng Sơn hôm nay, mọi người sẽ cảm nhận được phong cách làm việc mẫu mực về sự nghiêm túc, thân thiện giữa người với người và sự đồng thuận, hứng khởi từ lãnh đạo tới công nhân trong Công ty.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, trong suốt những năm qua, PC Lạng Sơn đã luôn chú trọng tới công tác xây dựng VHDN để lan tỏa những hình ảnh đẹp của người thợ điện xứ Lạng đến với khách hàng.

Trên chặng đường 57 năm xây dựng và phát triển, PC Lạng Sơn đã trải qua biết bao gian nan và thử thách, nhưng với sự đồng tâm hợp lực của toàn thể công nhân viên, người lao động (CNV-NLĐ) qua các thời kỳ, Công ty đã khẳng định được vai trò cũng như tầm quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương, đồng thời có đóng góp tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đặc biệt, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, việc xây dựng và duy trì nền nếp VHDN càng được PC Lạng Sơn coi trọng hơn. Các tiêu chí ứng xử bằng nụ cười, sự chu đáo và tinh thần trách nhiệm với đồng nghiệp, với khách hàng luôn được các CNV-NLĐ trong Công ty đặt lên hàng đầu.

Chia sẻ về nội dung xây dựng giá trị cốt lõi của thương hiệu trong dòng chảy VHDN tại PC Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty cho rằng: “Muốn xây dựng VHDN theo hướng phát triển bền vững thì phải lấy việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi CNV-NLĐ làm thước đo giá trị cốt lõi cho văn hóa thương hiệu, chỉ có kết quả công việc mới phản ánh trung thực được năng lực, phẩm chất và lối sống của mỗi cá nhân. Muốn có được giá trị cốt lõi của thương hiệu thì phải xây dựng văn hóa trong cơ quan, mà cụ thể nhất, thiết thực nhất là xây dựng tính tự giác trong thực thi nhiệm vụ; trong việc ứng xử, quan hệ công tác giữa cấp trên, cấp dưới; với đồng nghiệp và khách hàng. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi có khó khăn và biến cố trong cuộc sống. Tại PC Lạng Sơn, tôi cảm thấy hài lòng về nội dung xây dựng VHDN khi được các CNV-NLĐ thực hiện và triển khai tốt. Bởi, là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện năng, có quan hệ giao tiếp với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, sản phẩm của Công ty lại rất thiết yếu, nhạy cảm với cuộc sống thường nhật của con người, nếu có sự sai sót một chút là xảy ra vấn đề khôn lường. Vì vậy, việc làm tốt nhất được PC Lạng Sơn thực hiện là đã xây dựng thành công tinh thần tự giác, tự chủ, yêu nghề của mọi người, đồng thời coi Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình".

CNV-NLĐ trong Công ty luôn đoàn kết, cùng nhau nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Giám đốc Phạm Ngọc Minh bày tỏ thêm: “Thật ra vấn đề gì cũng phải nhận diện cho thật chính xác; người lãnh đạo đơn vị muốn cấp dưới làm việc với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao, thì chính bản thân người lãnh đạo phải xây dựng được phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Trước hết phải chăm lo đến đời sống của CNV-NLĐ, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia những nguyện vọng, băn khoăn lo lắng khi họ thực hiện nhiệm vụ. Ngay cả trong cuộc sống đời thường cũng nên tạo ra mối quan hệ gắn bó, chan hòa giữa cấp trên với cấp dưới, kịp thời phối hợp với công đoàn và các phòng ban chức năng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, trở ngại một cách có hiệu quả nhằm tạo ra niềm tin vững chắc trong mỗi CNV-NLĐ. Khi đã có niềm tin, mọi người sẽ nêu cao tinh thần tự giác ở mọi lúc, mọi nơi và thể hiện trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, kể cả lúc lãnh đạo cơ quan không có mặt tại nhiệm sở thì công việc vẫn cứ trôi chảy theo đúng kế hoạch đề ra”.

Đúng như lời bày tỏ của Giám đốc Phạm Ngọc Minh, thông qua xây dựng thành công đội ngũ các cán bộ yêu nghề, giàu trình độ chuyên môn, năng động và bản lĩnh, kết hợp với tinh thần làm việc hăng say, đoàn kết, một lòng phấn đấu xây dựng PC Lạng Sơn phát triển nên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mà Tổng công ty giao luôn được đơn vị hoàn thành xuất sắc. Đơn cử như kết thúc năm 2022 vừa qua, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty đạt 820,19 triệu kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng lưới điện hạ thế thực hiện đạt 4,09%, giảm 0,38% so với năm 2021 và thấp hơn kế hoạch Tổng công ty giao là 0,22%; Giá bán điện bình quân đạt 1.911,2 đồng/kWh, tăng 23,4 đồng/kWh so với cùng kỳ và cao hơn so với kế hoạch là 6,4 đồng/kWh; Tỷ lệ thu nộp tiền điện đạt 99,99%; Các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao rõ rệt; Qua đánh giá, tổng kết công tác năm 2022, Công ty đã được Tổng công ty đã tặng cờ thi đua, khen thưởng toàn diện ở mức Khuyến khích. Đặc biệt, bên cạnh hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PC Lạng Sơn còn không ngừng “chủ động đem tiện ích đến cho khách hàng” với tiêu chí “Tin cậy - Hiệu quả” nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Những hình ảnh đẹp của người thợ điện Lạng Sơn đang được lan tỏa rộng khắp trong lòng cộng đồng.

Coi trọng về lĩnh vực VHDN, năm 2023 này, lãnh đạo PC Lạng Sơn đã tiếp tục tập trung xây dựng VHDN theo chỉ đạo của Tổng công ty. Đặc biệt, xác định năm 2023 là năm “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nên toàn Công ty đang tập trung triển khai bằng những chương trình, hành động cụ thể như: Áp dụng mạnh mẽ các giải pháp kỹ thuật và quản lý để giảm tổn thất điện năng, giảm thiểu sự cố lưới điện trung - hạ áp; Tuyệt đối không để xảy ra sự cố do chủ quan và tìm nhiều biện pháp ngăn ngừa sự cố khách quan; Có phương án xử lý nhanh các sự cố; Xây dựng quy trình vận hành an toàn; Thực hiện mua sắm các vật tư thiết bị cần thiết, đúng mục đích, phục vụ hiệu quả cho công tác sản xuất kinh doanh; Tiếp tục tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng đội ngũ CNV-NLĐ chất lượng cao, mang trong mình khát vọng đổi mới, áp dụng thành thạo công nghệ, đồng thời chủ động cải tiến quy trình nội bộ để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả, cũng như hiệu suất công việc; Thực hiện tiết kiệm triệt để, sử dụng hiệu quả các khoản chi tiêu nội bộ; Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để ngăn chặn kịp thời các hành vi gây lãng phí đối với tài sản chung.

Giám đốc Phạm Ngọc Minh khẳng định: “Khách hàng là sự trường tồn của ngành Điện. Do vậy, nội dung trong giao tiếp với khách hàng luôn được PC Lạng Sơn quan tâm hàng đầu, nhằm hướng tới mục tiêu khách hàng là người bạn đồng hành, thân thiết với mình, cùng nhau quan tâm, giải quyết mọi thắc mắc và sự cố; tạo ra sự gần gũi, thân thiện, gắn bó, cùng chia sẻ, tập trung giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ với khách hàng, xóa bỏ dư luận độc quyền của ngành Điện. Muốn vậy, từ cán bộ đến người lao động trong Công ty phải tự giác trong việc làm đến sinh hoạt đời thường, luôn lắng nghe ý kiến của người dân, lấy khách hàng là trung tâm để phục vụ, loại bỏ thói quen độc đoán, thay vào đó là sự cầu thị, thân thiện, luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, chủ động đi đầu trong thực hiện chương trình “Hành trình văn hóa EVNNPC”.

Những năm qua, PC Lạng Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện với chất lượng tốt nhất phục vụ khách hàng.

Trong thời gian tới, để VHDN tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, PC Lạng Sơn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về an toàn điện, quy trình kinh doanh, quy định chăm sóc khách hàng và đánh giá sự hài lòng khách hàng của EVNNPC; Nâng cao trách nhiệm và kỹ năng quản lý, kiểm soát công việc để đảm bảo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh; Tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa mọi hành vi vi phạm quy trình khi thực hiện nhiệm vụ; Nghiêm túc tuân thủ các nội quy, quy định của ngành, các quy định nơi làm việc; Không ngừng đoàn kết, xây dựng môi trường làm việc tích cực, phối hợp giải quyết công việc đạt hiệu quả cao, nâng cao năng suất lao động; Đẩy mạnh văn hóa học tập không ngừng và tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Tổng công ty, cũng như của Công ty quy định. Trong đó, mỗi CNV-NLĐ cần phải tự nghiên cứu, học tập kiến thức chuyên môn, các chuẩn mực văn hóa của EVN, EVNNPC khi thực thi nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả; Thường xuyên tuyên truyền các tài liệu về văn hóa gồm: Tài liệu văn hóa EVN; Bộ quy tắc ứng xử của EVN; Quy định thực thi văn hóa doanh nghiệp EVNNPC đến CBCNV trong đơn vị.

Thông qua những việc đã làm và chính từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng, PC Lạng Sơn đã thực sự trở thành điểm sáng về xây dựng VHDN. Người dân “xứ Lạng” rất tự hào và trân trọng hình ảnh người công nhân điện áo cam dầm mình trong mưa bão, nắng nóng, hễ cứ nơi nào có sự cố, dù là đêm hay ngày, dù là Tết hay lễ hội, bất chấp mọi điều kiện thời tiết để nhanh chóng khắc phục sự cố. Giờ đây, hình ảnh màu áo cam đã trở nên gần gũi, thân thương, trìu mến trong lòng mỗi người. Đặc biệt, đối với mỗi người thợ điện Lạng Sơn, họ đã thấm nhuần và ý thức sâu sắc về VHDN, đồng thời coi đó là lẽ sống nhân văn cao đẹp để phục vụ khách hàng, như những người chiến sĩ biên thùy, thắp sáng cả trời đêm, mang đến niềm vui, hạnh phúc và sự bình yên cho cuộc sống thường nhật của mọi người. Sắc màu áo cam đó thật sự là niềm tin trong lòng nhân dân xứ Lạng.

Theo: NPC