PC Nam Ðịnh: Mở rộng ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành hệ thống điện

Thứ tư, 21/10/2020 | 14:19 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực (PC) Nam Định luôn nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. 
Công ty Điện lực Nam Định tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, vận hành, cung ứng điện năng trên địa bàn tỉnh.
Công ty Điện lực Nam Định tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, vận hành, cung ứng điện năng trên địa bàn tỉnh.

Đạt được kết quả trên, Công ty đã ứng dụng hiệu quả hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất, kinh doanh và quản lý, vận hành lưới điện.

Trong đó, đã kết hợp tốt giữa việc sử dụng các phần mềm dùng chung trong ngành với một số phần mềm của riêng đơn vị tự xây dựng.
 
Ông Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định khẳng định: Để triển khai, quản lý vận hành tốt hệ thống viễn thông và CNTT thì vai trò của cán bộ, nhân viên chuyên trách lĩnh vực này rất quan trọng. Hiện tại, đội ngũ chuyên trách về viễn thông và CNTT của Công ty còn thiếu. Phòng CNTT có 6 cán bộ, nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ về viễn thông và CNTT; trong số 9 Điện lực trực thuộc mới có 6 đơn vị có nhân viên chuyên môn về viễn thông và CNTT, còn 3 đơn vị vẫn phải bố trí nhân viên kiêm nhiệm. Để khắc phục, Công ty đã động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, nhân viên viễn thông, CNTT phát huy kinh nghiệm, chủ động tự học kết hợp với các khóa đào tạo ngắn về nghiệp vụ nhằm trang bị thêm kiến thức, đáp ứng yêu cầu triển khai, vận hành công nghệ, ứng dụng mới.
 
Đối với việc sử dụng các phần mềm chung, những năm qua, Công ty luôn bám sát chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc triển khai, vận hành và khai thác các phần mềm, ứng dụng CNTT dùng chung. Cụ thể, trên lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, Công ty xác định tầm quan trọng đặc biệt của phần mềm CMIS 3.0; do đó từ năm 2017 đơn vị đã thực hiện chuẩn hóa 605 nghìn mã khách hàng. Nhờ đó, công tác triển khai thu hộ tiền điện với các đối tác, các dịch vụ khách hàng được triển khai thuận lợi. Việc phát hành hóa đơn điện tử, ký số bảng kê, báo cáo và triển khai các phân hệ mới; các chức năng mới như dịch vụ điện cấp độ 4, dịch vụ điện bằng phương thức điện tử... đều được Công ty quán triệt và thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ đề ra.

Cán bộ, nhân viên tham gia vận hành đều thành thạo các thao tác từ cập nhật dữ liệu đến tập hợp thống kê, báo cáo theo nhiệm vụ được phân công. Dữ liệu cập nhật yêu cầu phải chính xác, kịp thời vì đây là dữ liệu gốc phục vụ công tác kinh doanh và cung cấp thông tin cho người quản lý. Việc sử dụng Trang thông tin điện tử chăm sóc khách hàng và nhắn tin văn bản trên SMS, Zalo cũng được Công ty vận hành, khai thác hiệu quả. Trong đó, công tác thu thập kết nối, nhắn tin chăm sóc khách hành qua Zalo được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 153.830 khách hàng kết nối qua Zalo, vượt gần 30% kế hoạch giao; góp phần giảm chi phí, tăng khả năng tương tác với người dùng điện.

Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng; điển hình là thanh toán qua ví điện tử, qua tài khoản các ngân hàng. Số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đến nay chiếm gần 70% tổng số khách hàng toàn tỉnh. Trong lĩnh vực kỹ thuật, an toàn, Công ty đã sử dụng phần mềm PMIS-GIS để cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin thiết bị trên lưới nhằm phục vụ quản lý, theo dõi lý lịch, tình trạng thiết bị, quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ; đồng thời giúp thống kê, quản lý các trạm biến áp, máy biến áp, tụ bù, đường dây hiệu quả. Nhờ vậy, với khối lượng quản lý lớn nhưng Công ty luôn cập nhật, theo dõi, tiếp nhận báo cáo chính xác tới từng vị trí cung ứng điện của khách hàng. Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã triển khai, áp dụng phần mềm ECP với các phiên bản chạy trên thiết bị di động, trên máy tính, trên ti vi để quản lý nhân lực.

Nhằm phát huy hiệu quả quản lý, giám sát an toàn lao động, Công ty trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet cho các nhóm làm việc tại hiện trường. Các hình ảnh trước, trong và kết thúc phiên làm việc đều được cập nhật kịp thời vào phần mềm phục vụ công tác quản lý, giám sát an toàn lao động; nâng cao ý thức kỷ luật, tuân thủ quy trình an toàn từ người trực tiếp làm việc tại hiện trường đến các cấp quản lý. Từ tháng 6-2019, Công ty vận hành chính thức phần mềm OMS EVN với giao diện trực quan trên sơ đồ một sợi giúp cho công tác đóng, cắt, vận hành lưới điện sát mô hình thực tế; quy trình cập nhật chặt chẽ đã giảm sai sót trong quá trình cập nhật và phản ánh đúng độ tin cậy cung cấp điện. Căn cứ số liệu thực tế đó, Công ty đã xây dựng lịch cắt điện tối ưu theo phương châm 3 ít nhất: “Phạm vi mất điện ít nhất, thời gian mất điện ít nhất, số lần cắt điện lặp lại ít nhất” để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong lĩnh vực tài chính, quản trị, từ năm 2016 đến nay, Công ty sử dụng phần mềm ERP thay thế cho phần mềm FMIS theo đúng lộ trình.

Đến nay, Công ty đã triển khai, vận hành 11 phân hệ cho các phòng, ban và 4 phân hệ cho các Điện lực trực thuộc. Việc vận hành phần mềm ERP theo chuẩn quốc tế với quy trình chặt chẽ, minh bạch giúp công tác hạch toán kế toán của đơn vị phản ánh trung thực, cung cấp thông tin báo cáo kịp thời, đầy đủ cho Ban Giám đốc Công ty điều hành tốt hơn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Công ty đã triển khai, áp dụng đầy đủ các phân hệ, tính năng của phần mềm Eoffice 3.0 tới các Điện lực; quán triệt, áp dụng chữ ký số theo Quyết định 599/QĐ-EVN; cấp tài khoản Eoffice, cập nhật đầy đủ số điện thoại, email cho tất cả cán bộ, công nhân viên bảo đảm gửi, nhận, tra cứu văn bản điện tử; lập hồ sơ công việc, lịch công tác hàng tuần trên Eoffice 3.0... Sử dụng phần mềm HRMS 2.0 giúp Công ty tổ chức cập nhật đầy đủ lý lịch cán bộ, công nhân viên và các dữ liệu về quá trình công tác, bậc lương, chức danh, chứng chỉ bằng cấp, khen thưởng, kỷ luật, hồ sơ y tế... Việc áp dụng phần mềm HRMS đã giúp Công ty quản lý tốt lực lượng lao động từ công tác bố trí, điều động, luân chuyển đến công tác bổ nhiệm cán bộ, quản lý nâng lương, quản lý sức khỏe người lao động. Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, Công ty sử dụng phần mềm IMIS để chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban cập nhật đầy đủ các thông tin, tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý dự án đầu tư…
 
Bên cạnh việc triển khai áp dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung, Công ty chủ động xây dựng một số phần mềm đặc thù hoặc phối hợp với các đối tác triển khai thêm các phần mềm, ứng dụng có tính thực tiễn phù hợp với điều kiện của đơn vị. Từ năm 2017, nhận thấy Trang thông tin điện tử của Công ty bộc lộ nhiều hạn chế, đơn vị đã phối hợp với đối tác nâng cấp toàn diện Website về bố cục, hình thức, công nghệ.

Từ năm 2018, Công ty đã triển khai, ứng dụng công nghệ Flycam có thể quay video, chụp ảnh độ nét cao để bay kiểm tra hệ thống lưới điện trên cao cho các tuyến đường dây trung, hạ áp rất hiệu quả; Xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm quản lý, tra cứu, in hóa đơn giá trị gia tăng và lưu trữ hóa đơn điện tử cho Phòng Kế toán và các Điện lực trực thuộc phục vụ công tác quản lý, tra cứu, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch của Bộ Tài chính. Phần mềm đã được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận sáng kiến tiêu biểu năm 2019.

Link gốc
Theo: Báo Nam Định