Chuyển đổi số trong EVN

PC Ninh Bình: Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ ba, 1/11/2022 | 08:56 GMT+7
Cùng với nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho người dân và doanh nghiệp, PC Ninh Bình còn tích cực áp dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động các trạm điện, từ đó góp phần đảm bảo an toàn lưới điện, bảo vệ môi trường và cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
 
Phòng điều hành nhiệt dư tại Nhà máy xi măng The Vissai Ninh Bình.
 
Anh Nguyễn Huy Hoàn, Trung tâm điều khiển từ xa, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cho biết: Trước đây, với những tình huống xảy ra ở hiện trường như mất điện, quá tải điện tại các trạm biến áp, những cán bộ của Trung tâm Điều hành, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình phải trực tiếp xuống hiện trường để xử lý. Phải mất thời gian, nguy cơ mất an toàn lao động, nhất là trong thời điểm mưa bão, đêm khuya khiến cho công việc thêm vất vả và nguy hiểm. 
 
Tuy nhiên, từ khi thành lập Trung tâm Điều khiển từ xa, với trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các phần mềm chuyên dụng, công việc đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần vài người, với thao tác đơn giản là click chuột, đã có thể trực tiếp xử lý sự cố phát sinh ở các trạm biến áp trên toàn bộ hệ thống lưới điện trong tỉnh, dù cách xa bao nhiêu km. Với việc nhanh chóng xử lý sự cố, giúp đơn vị giảm xảy ra các vụ việc cháy nổ, gây thất thoát điện.
 
Cũng theo anh Nguyễn Huy Hoàn, đối với Trung tâm điều khiển từ xa, việc giảm tổn thất điện năng được thực hiện 2 góc độ. Thứ nhất là vận hành lưới điện thì người vận hành kết dây cơ bản đã được công ty phê duyệt, tính toán làm sao đảm bảo mức tổn thất thấp nhất. Đồng thời kiểm soát san tải các máy biến áp 110, có bộ theo dõi điện áp, điều chỉnh trên từng đoạn dây một, đưa ra giải pháp giảm tổn thất cho công ty. Cũng từ Trung tâm điều khiển từ xa, có thể điều chỉnh cân đối tải ở các đường dây với nhau, đưa ra phương án vận hành tối ưu, giúp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn điện năng đã đưa lên lưới điện, từ đó giảm đáng kể các vụ việc như trộm điện, giảm thất thoát, lãng phí nguồn điện. 
 
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã đẩy mạnh đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện, áp dụng chuyển đổi số để giảm tổn thất điện năng, như vận hành lưới điện thông minh kiểm soát lượng điện hàng ngày, tiến đến kiểm soát tổn thất online, sử dụng sơ đồ lưới điện trực tuyến, theo dõi vận hành tối ưu lưới điện, áp dụng bản đồ số quản lý đường dây, thay thế bằng công tơ điện tử, kết quả giảm tổn thất năm sau cao hơn năm trước và thấp hơn mức Tổng công ty giao. Ngành điện cũng khuyến khích thanh toán hóa đơn điện tử, triển khai phần mềm theo dõi công tơ điện tử từ xa. Với những kết quả tích cực trong chuyển đổi số đã mang lại nhiều tiện ích, sự hài lòng cho khách hàng.
 
Việc đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị máy móc, đường dây truyền tải điện là cách hữu hiệu để giảm tổn thất điện năng. Đặc biệt, với mục tiêu số hóa toàn bộ các dữ liệu, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã chú trọng, áp dụng triệt để các chức năng, phần mềm dùng chung, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ điều hành. Bên cạnh đó, khuyến khích cán bộ, công nhân viên áp dụng các nền tảng số, có những sáng kiến cải tiến phần mềm kỹ thuật.
 
Nhờ đó, chuyển đổi số trong ngành Điện lực Ninh Bình đã mang lại lợi ích nhất định, góp phần tiết kiệm năng lượng quốc gia. Tính riêng năm 2021, số lượng điện tổn thất chỉ còn trên 122 nghìn kWh, tương đương với 4,5%, giảm 0,55% so với năm 2020, tức là hơn 2,2 triệu kWh điện năng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.
     
Theo tính toán, lượng điện tiêu thụ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chiếm tới 80% lượng điện năng tiêu thụ. Việc các doanh nghiệp chủ động các phương án tiết kiệm điện có ý nghĩa to lớn, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm… Hưởng ứng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất xi măng của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần xi măng Vissai Ninh Bình là 1 trong những đơn vị tiên phong của Tập đoàn xi măng The Vissai sớm đầu tư công nghệ tận dụng nhiệt dư trong quá trình sản xuất xi măng để làm ra điện. 
 
Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Nhà máy xi măng The Vissai Ninh Bình cho biết: Tại Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất nhiệt dư, với công suất 9kwh. Trung bình 1 năm, sản lượng điện nhà máy sản xuất được là trên 70 triệu kw, đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng điện của toàn nhà máy, tiết kiệm được hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Sau 1 thời gian đầu tư, nguồn vốn đã được thu hồi và quan trọng hơn là không gây lãng phí nguồn nhiệt thải dồi dào. Công nghệ thu hồi và tận dụng nhiệt dư còn giúp thu gom bụi mịn phát ra ngoài môi trường. Chỉ số quan trắc lượng bụi thải đã giảm ấn tượng từ 8 đến 10 lần so với trước kia. Đến nay, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, công nghệ tận dụng nhiệt dư đã chứng minh đây là giải pháp vô cùng hữu hiệu trong việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.
 
Không chỉ riêng ngành điện lực hay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mà từ chính ý thức của mỗi người dân, bằng việc áp dụng các thiết bị hiện đại cũng đã và đang chung tay tiết kiệm điện. Anh Trịnh Chính Tâm, phố Khánh Ninh, phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình), công chức làm việc tại Sở Công thương, nên anh hiểu rất rõ lợi ích khi sử dụng năng lượng điện mặt trời. 
 
Gia đình có nhiều thành viên, nên lượng điện hàng tháng tiêu thụ rất cao, có tháng phải chi phí trên 10 triệu đồng tiền điện. Với 24 tấm pin năng lượng mặt trời có công suất 440W/tấm được lắp đặt trên diện tích 60 mét vuông, cùng các thiết bị phụ trợ, anh Tâm đầu tư hết gần 200 triệu đồng. Từ nguồn năng lượng này đã giúp gia đình anh giảm được từ 50-70% chi phí tiền điện hàng tháng. Tính ra từ 3-4 năm là thu hồi nguồn vốn đã đầu tư ban đầu. Vào thời điểm không có nhu cầu sử dụng hoặc dư thừa, lượng điện này được đấu nối hòa lưới điện quốc gia.
 
Với việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, PC Ninh Bình cũng quan tâm đến việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp truyền thông về những thay đổi, số hóa trong các hợp đồng điện, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng... đến người dân và doanh nghiệp. Từ đó không ngừng nâng cao công tác quản lý, vận hành, giúp phục vụ khách hàng liên tục, xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu dịch vụ về điện ngày càng cao, tối ưu hóa lợi ích của khách hàng, tạo sự tin cậy trong cung cấp điện cho nhân dân.
 
Theo: Báo Ninh Bình