PC Quảng Nam bảo trì, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành: Giải pháp mới trong công tác vận hành lưới điện

Thứ bảy, 27/1/2024 | 13:12 GMT+7
Kể từ năm 2021, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã triển khai chương trình bảo trì, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành (Condition Based Maintenance - CBM) trên các thiết bị lưới điện trên địa bàn tỉnh.

PC Quảng Nam đã triển khai chương trình bảo trì, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành (CBM) trên các thiết bị lưới điện. Ảnh: T.L

Đây là giải pháp mới trong công tác vận hành thiết bị lưới trên địa bàn tỉnh nhằm tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện cũng như nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu

Hiện PC Quảng Nam đang quản lý 13 trạm biến áp (TBA) 110kV, 350km đường dây 110kV, 4.000km đường dây trung áp, 3.128 TBA phân phối. Các thiết bị chính trên lưới điện 110kV và trung hạ áp đang được số hóa trên chương trình quản lý kỹ thuật EVN PMIS. Tất cả TBA 110kV ở Quảng Nam hiện vận hành không người trực, được điều khiển từ xa.

Nếu như trước đây, hệ thống nguồn, lưới điện được quản lý “trên giấy” - là các hồ sơ, sổ sách công trình hoặc những phần mềm chuyên dụng phân tán tại các đơn vị, thì khi thực hiện chuyển đổi số, PC Quảng Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về hệ thống thiết bị nguồn lưới điện cho phần mềm PMIS dùng chung của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các TBA, máy biến áp, hay từng thiết bị trên lưới điện như máy cắt, Recloser, LBS, DCL, ... đều được cập nhật chính xác thông tin, “hồ sơ lý lịch”, lịch sử các thiết bị đang vận hành đều có trong phần mềm PMIS. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong chuyển đổi số công tác quản lý vận hành lưới điện đưa lưới điện từ không gian thực vào không gian số.

Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, PC Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành số hóa thông tin khách hàng trên nền tảng google maps. Theo đó, thông tin lưới điện, tọa độ cột, tọa độ công tơ khách hàng… được số hóa trên ứng dụng, hiển thị chi tiết trên các thiết bị di động, giúp nhân viên điện lực nhanh chóng tới hiện trường thực hiện các thao tác nghiệp vụ khi có yêu cầu dịch vụ hay sự cố phát sinh, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Việc hoàn thành số hóa dữ liệu thiết bị trên lưới, với khối lượng đường dây và TBA hiện có là nền tảng để hoàn thiện mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh ở Quảng Nam. Khi số hóa được toàn bộ thiết bị trên lưới điện, PC Quảng Nam đã triển khai giải pháp CBM để sửa chữa, bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị, tối ưu hóa chi phí, hạn chế được thời gian cắt điện của khách hàng.

Giải pháp mới trong bảo trì, bảo dưỡng

Kể từ đầu năm 2021 trở đi, PC Quảng Nam đã chính thức ứng dụng phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành của thiết bị (CBM) cho hệ thống nguồn lưới điện trên địa bàn tỉnh. Phương pháp CBM là việc áp dụng các công nghệ chẩn đoán, thử nghiệm thiết bị tiên tiến để đưa ra giá trị chỉ số sức khỏe của thiết bị, từ đó quyết định hướng sửa chữa và thời điểm thực hiện một cách phù hợp.

Trước đây việc thực hiện thí nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng cho thiết bị điện thường được thực hiện theo nguyên tắc định kỳ (TBM) với chu kỳ thời gian từ một đến ba năm.

Do tuổi thọ thiết bị thực tế phụ thuộc vào môi trường và điều kiện vận hành nên việc thí nghiệm, sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp định kỳ có thể dẫn đến những rủi ro, như thiết bị gặp sự cố khi chưa đến hạn bảo dưỡng, hoặc lãng phí chi phí và nguồn lực khi phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ trong khi thiết bị vẫn đang vận hành tốt.

Với phương pháp CBM, việc bảo trì được dựa trên tình trạng, điều kiện thực tế của thiết bị, hệ thống phân phối điện, dựa trên các số liệu như nhật ký vận hành, dữ liệu về hao mòn trong quá trình sử dụng… được thu thập qua các thiết bị giám sát.

Việc đánh giá tình trạng thiết bị theo phương pháp CBM được chia thành 3 cấp độ để kiểm tra/thử nghiệm. Trong đó, cấp độ 1 là các hạng mục được thực hiện online mà không cần phải gián đoạn cung cấp điện khách hàng; cấp độ 2 thực hiện offline, phải sử dụng các giải pháp cấp điện bổ sung, hỗ trợ thay thế hoặc ngưng cung cấp điện để thực hiện; và cấp độ 3 là các hạng mục phân tích và chẩn đoán chuyên sâu hơn khi cần thiết.

Cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên qua chương trình quản lý kỹ thuật PMIS đang áp dụng trong toàn EVN. Các thiết bị được chấm điểm chỉ số sức khỏe của thiết bị (CHI) và phân tích tình trạng vận hành để “chẩn đoán bệnh” trong thời gian thực. Trên cơ sở đó, đơn vị quản lý vận hành có biện pháp tăng cường theo dõi, kịp thời điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm và có biện pháp bảo dưỡng, xử lý kịp thời.

Tính đến nay, PC Quảng Nam đã thực hiện mỗi năm hàng chục nghìn lượt kiểm tra định kỳ lưới điện trên chương trình khai thác hiện trường. Riêng tại Điện lực Quế Sơn, ngay từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ kỹ thuật đã thực hiện 8.600 lượt CBM thiết bị trên lưới điện, trong đó thực hiện cấp độ 1 với 7.750 lượt, CBM cấp độ 2 với 840 lượt; kịp thời phát hiện và thay thế 27 thiết bị không đảm bảo vận hành, trong đó đã thay thế 7 máy biến áp có chỉ số sức khỏe thiết bị xấu, lập kế hoạch bảo dưỡng hơn 45 máy biến áp tại hiện trường, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm sự cố trên lưới điện.

Có thể nói, việc áp dụng phương pháp CBM giúp hợp lý hóa công tác sửa chữa bảo dưỡng cả về mặt kỹ thuật và kinh tế và giúp ngăn ngừa được các sự cố để đảm bảo vận hành an toàn. Đồng thời giúp PC Quảng Nam tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện cũng như cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Link gốc

 

Theo: Báo Quảng Nam