Nhân viên ngành điện đối soát, cập nhật thông tin chủ thể hợp đồng mua bán điện tại các hộ dân.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đồng thời số hóa hợp đồng mua bán điện với tỷ lệ đạt 100%. Bắt đầu từ tháng 7/2024, ngành điện đã triển khai việc đối soát, cập nhật và chuẩn hóa thông tin chủ thể hợp đồng mua bán điện, gồm: Số căn cước, họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ… trên hệ thống phần mềm quản lý khách hàng CMIS với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này, nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nâng cao độ hài lòng và chất lượng phục vụ của ngành điện. Sau hơn 1 tháng triển khai, điện lực các địa phương đã đối soát được trên 85.000 khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% trên tổng số khách hàng sử dụng điện trên toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo điện lực các địa phương phối hợp chặt chẽ với các phường, xã xuống đến tổ dân khu phố để tuyên truyền về việc chuẩn hóa thông tin của khách hàng với các thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhân viên ngành điện sẽ liên hệ với khách qua nhiều kênh thông tin để thực hiện việc đối soát, cập nhật thông tin của khách hàng. Các thông tin của khách hàng sẽ được bảo mật theo đúng quy định.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06 của Chính phủ), Công ty Điện lực Quảng Ninh đã thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) với 100% dịch vụ điện tiếp nhận qua cổng DVCQG, triển khai việc tích hợp định danh điện tử mức độ 2 của Bộ Công an, để thông qua đó, người dân có thể ký số các giao dịch dịch vụ điện tử qua nền tảng VNeID, cổng DVCQG.
Chị Phùng Thu Quỳnh, khu 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, chia sẻ: Trong thời đại chuyển đổi số toàn diện như hiện nay, việc chuẩn hóa thông tin người sử dụng điện là việc làm rất cần thiết, giúp cho ngành điện có thể quản lý chính xác vị trí cột, hòm công tơ, công tơ của gia đình để giám sát và phản ánh về tình hình sử dụng điện. Đồng thời, khi người dân có sự tương tác với ngành điện để báo cáo hay khắc phục các sự cố cũng sẽ kịp thời, chính xác.
Bên cạnh việc số hóa trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, ngành điện Quảng Ninh cũng tích cực ứng dụng các tiện ích số để người dân tiếp cận. Thông qua quá trình số hoá, đến nay, khách hàng trên địa bàn tỉnh đã có thể dễ dàng thanh toán tiền điện thông qua ứng dụng internet banking được cài đặt trên điện thoại, hoặc có thể áp dụng hình thức thanh toán như: Trích nợ tự động, SMS và Mobile banking, ví điện tử, thẻ ATM, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, VNPay, thanh toán qua website: https://cskh.npc.com.vn... Điều này đã mang lại sự thuận tiện, cũng như góp phần đa dạng hóa kênh thanh toán với khách hàng sử dụng điện. Qua thống kê, hiện có 380.796 khách hàng của ngành điện tham gia thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 91,54% trên tổng số khách hàng.
Công nhân Trung tâm Thí nghiệm Điện Quảng Ninh thực hiện kiểm định phương tiện đo.
Hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ, xây dựng hệ thống mạng lưới điện thông minh, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai, ứng dụng nhiều giải pháp trong chuyển đổi số như hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS tại trạm biến áp 110kV; hệ thống đo đếm thu thập dữ liệu từ xa công-tơ sau các trạm công cộng như HHMRF, IFC, GELEX... Hệ thống giám sát chất lượng lưới điện hạ thế; hệ thống điều khiển tủ tụ bù hạ thế; hệ thống giám sát sự cố trên lưới điện trung thế, hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ quản lý nhu cầu điện (DRMS); chuyển đổi số trong kiểm định phương tiện đo… Cùng với đó, đối với công tơ khách hàng sau trạm biến áp phân phối, đến nay Công ty Điện lực Quảng Ninh đã triển khai lắp đặt được 435.735 công tơ điện tử trong tổng số 459.620 khách hàng mua bán điện, đạt tỷ lệ trên 94,8%; trong đó công tơ điện tử đọc xa đạt được 336.066/459.620 tỷ lệ 73,11%. Hằng tháng đến kỳ ghi chỉ số, sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng được cập nhật trực tiếp trên hệ thống máy chủ của ngành điện, đảm bảo chính xác, giảm sai sót.
Link gốc