Trạm biến áp số: Đột phá trong thời kỷ nguyên số

Thứ tư, 7/8/2024 | 13:44 GMT+7
Trạm biến áp truyền thống thì từ tủ thiết bị chạy vào hệ thống điều khiển đều bằng cáp đồng nhưng riêng Trạm số 220kv Thủy Nguyên tất cả được thiết kế bằng cáp quang.

TBA số 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Được nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành từ năm 2021, Trạm biến áp số 220kV Thủy Nguyên là trạm biến áp số đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng như trên toàn hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Việc vận hành trạm biến áp này đã đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và khu vực lân cận. Từ đó, giảm tổn thất điện năng, tăng cường liên kết, an toàn, ổn định và linh hoạt trong vận hành hệ thống điện.

Anh Phạm Văn Hảo, Tổ trưởng Tổ Thao tác lưu động Thủy Nguyên cho biết, “Vì là Trạm số đầu tiên nên cả đội ngũ kỹ thuật của công ty truyền tải điện 1 lẫn đội ngũ kỹ thuật của Truyền tải điện Đông Bắc 2 lúc đấy thời điểm nghiệm thu gặp rất nhiều khó khăn vì nó chưa có một quy trình, quy định nào về nghiệm thu trạm số này cả. Với một trạm bình thường thời gian nghiệm thu để đóng điện chỉ khoảng một tháng hoặc tháng rưỡi nhưng trạm số này kéo dài đến 4,5 tháng”, anh Hảo chia sẻ.

Anh Phạm Văn Hảo, Tổ trưởng Tổ Thao tác lưu động Thủy Nguyên cùng đồng nghiệp giới thiệu về tủ thiết bị được lắp đặt toàn bộ cáp quang.

Cũng theo anh Phạm Văn Hảo, với một trạm biến áp truyền thống thì từ tủ thiết bị chạy vào hệ thống điều khiển đều bằng cáp đồng nhưng riêng Trạm số Thủy Nguyên tất cả được thiết kế bằng cáp quang. Việc sử dụng cáp quang thay cáp đồng giúp hạn chế chạm chập do cáp đồng gây ra. Ngoài ra, trạm biến áp số có ưu điểm giúp cảnh báo sớm nguy cơ sự cố tiềm ẩn, giúp người vận hành có hướng xem xét, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó với thiết kế mạch nhị thứ đơn giản, do vậy công tác quản lý vận hành thuận tiện hơn, hạn chế tối đa việc sử dụng các dữ liệu đầu vào và đầu ra của rơ le, các tiếp điểm phụ của dao cách ly và máy cắt cũng được giảm nhiều. Và như chia sẻ của anh Phạm Văn Hảo, toàn bộ các thiết bị nhất thứ, nhị thứ, thiết bị bảo vệ, giám sát…đều được thiết kế, lắp đặt đồng bộ. 

“Trạm này là đồng bộ nhất từ trước tới nay, riêng thiết bị bảo vệ là toàn bộ của hãng Simens nên anh em cũng không bị mất quá nhiều thời gian vào việc nghiên cứu mà vẫn nắm rất tốt các thiết bị giơ le bảo vệ. Còn lại các phần duy tu bảo vệ trong các tủ bảng thiết bị thì giảm công sức đến 60% thậm chí là 70-80%”. Từ những ưu điểm vượt trội này nên theo anh Hảo việc xây dựng và đưa vào vận hành Trạm biến áp số là một xu hướng tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số.

Là người đồng hành với dự án từ ngày khởi công xây dựng đến khi nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành, với anh Hảo đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ không chỉ cho riêng bản thân anh mà với hầu hết đội ngũ nhân viên vận hành. Bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, không ai bảo ai, anh và công nhân của trạm đều dành thời gian tham gia các lớp đào tạo, rồi tự học tập, nghiên cứu, làm chủ công nghệ, khắc phục những hạn chế để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

Gắn bó với lĩnh vực truyền tải điện hàng chục năm, từ “lính” đường dây đến công nhân vận hành trạm biến áp, ở bất cứ vị trí nào, anh Phạm Văn Mạnh, Trưởng kíp Tổ thao tác lưu động Thủy Nguyên đều được anh em đồng nghiệp biết đến không chỉ ở sự tận tâm, nhiệt huyết, mà còn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Năm 2020 khi được điều động phân công về Trạm biến áp số 220kv Thủy Nguyên, anh Mạnh đã lường trước được sẽ có nhiều khó khăn, thử thách đặt ra nhưng anh vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bởi với anh mọi trải nghiệm mới trong công việc sẽ giúp rèn luyện và nâng cao năng lực chuyên môn.

Anh Phạm Văn Mạnh, Trưởng kíp Tổ thao tác lưu động Thủy Nguyên trong một ca trực.

“Ngày xưa mình làm đường dây ở trên Hòa Bình 3 năm sau đó về Hải Phòng cũng làm đường dây, đến 2015 lại được chuyển vận hành trạm ở Đình Vũ 2 năm, đúng thời điểm khởi công xây dựng trạm Thủy Nguyên thì lại được điều động về truyền tải để học hỏi tìm hiểu thiết bị sau đó về giám sát thi công cho đến khi nghiệm thu vận hành, mỗi vị trí công việc đều có những đặc thù riêng”. Nói về Trạm biến áp số Thủy Nguyên, anh Mạnh tự hào khoe, đây là trạm biến áp số đầu tiên ở nước ta, đội ngũ công nhân khi nhận nhiệm vụ còn nhiều bỡ ngỡ nhưng hơn 3 năm đi vào vận hành, chưa khi nào trạm để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

“Trạm truyền thống kiến khác. Bây giờ trạm số rất mới, lần đầu tiên mình được tiếp cận nên lúc đầu nhiều bỡ ngỡ. Cũng may mắn là được lãnh đạo công ty, truyền tải và trạm quan tâm tập huấn ngay từ ngày đầu, rồi bản thân cũng tự mày mò nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nên giờ tự tin hơn”. Anh Mạnh trải lòng và cũng khẳng định luôn, so với trạm truyền thống thì trạm số có nhiều ưu điểm hơn, thiết bị vận hành an toàn, ít xảy ra sự cố chạm chập hay các sự cố do chủ quan. Trạm số hoàn toàn do thiết bị làm việc hết, con người không phải can thiệp nhiều nên đỡ cho người vận hành.

Trạm biến áp số không chỉ là công nghệ mới với Việt Nam mà còn với cả các nước tiên tiến trên thế giới. Bởi vậy những bỡ ngỡ khó khăn ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng trong thời đại kỷ nguyên số thì đó xu hướng tất yếu và là niềm tự hào của ngành truyền tải điện, cùng những con người đầu tiên tham gia vận hành trạm biến áp số 220kv Thủy Nguyên…

Link gốc

 

Theo: VOV