Công nhân Điện lực TP Hạ Long kiểm tra tín hiệu nghiệm thu thiết bị giám sát điều khiển từ xa tủ RMU.
Việc đưa lưới điện vào “không gian số” được đánh giá là giải pháp tối ưu để Công ty nâng cao công tác quản lý, vận hành lưới điện.
Trước yêu cầu về công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện ngày càng lớn, tháng 12/2019, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chính thức đưa hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu) vào vận hành lưới điện. Công nghệ này đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức vận hành lưới điện truyền thống, giúp người vận hành có thể giám sát, điều khiển và thu thập dữ liệu trên toàn hệ thống điện một cách kịp thời, nhanh chóng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Phát huy hiệu quả của hệ thống này, từ năm 2020 đến nay, Công ty đã tiếp tục đưa mô hình trạm biến áp 110kV (TBA) không người trực vào triển khai. Theo đó, các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật tại những trạm này đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa.
Công ty Điện lực Quảng Ninh lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển đồng bộ kết nối trạm biến áp 110 kV Móng Cái về Trung tâm điều khiển xa Quảng Ninh.
Kết hợp cùng với hệ thống điều hành SCADA, việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm điều khiển xa, các TBA 110kV không người trực đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như hệ thống này giúp giảm 50% nhân lực vận hành, giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp...
Nhất là trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA đã rút ngắn thời gian thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
Không dừng lại ở đó, tháng 9/2021, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tiếp tục phối hợp với Công ty Thí nghiệm điện miền Bắc triển khai và đưa vào vận hành 2 mạch vòng tự động hóa lưới điện trung áp - DMS. Các thiết bị đóng cắt trên 2 mạch vòng gồm 17 Reclosers/LBS được trang bị modem công nghiệp, kết nối gửi tín hiệu đo lường, trạng thái, bảo vệ về phần mềm tại Trung tâm Điều khiển xa Quảng Ninh.
Khi hệ thống DMS hoạt động sẽ ngay lập tức phát hiện và đánh dấu khu vực có sự cố, khu vực mất điện trên sơ đồ được hiển thị trực quan trên màn hình Trung tâm. Đồng thời tự động đưa ra các kịch bản cô lập, phân đoạn, chuyển phương thức cấp điện kèm theo danh sách các thao tác thiết bị tương ứng, trên nguyên tắc tính toán lựa chuyển nguồn cung cấp điện hợp lý với khả năng mang tải đường dây, giảm số lượng Khách hàng mất điện tối đa. Tùy theo mức độ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên SCADA/DMS sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, thời gian nhanh chóng, chính xác. Thực tiễn cho thấy, hệ thống DMS đã giúp nhân viên vận hành lựa chọn phương án xử lý một cách nhanh nhất, giảm 80% thời gian tiền xử lý sự cố.
Toàn bộ hệ thống điều khiển, giám sát trên đường dây và trạm biến áp sẽ được truyền tín hiệu trực tiếp về Trung tâm điều khiển xa của Công ty.
Mới đây nhất, ngày 28/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh phối hợp cùng Công ty CP Thiết bị điện MBT liên danh với Công ty CP Xây lắp Điện và Công nghệ Viễn thông, hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát, điều khiển từ xa 20 tủ RMU trên địa bàn TP Hạ Long. Đây là Dự án tự động hóa lưới điện ngầm trung áp được triển khai thí điểm đầu tiên về triển khai tự động hóa lưới điện ngầm trung áp của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Với chiều dài trên 530km đường dây trung thế, TP Hạ Long đang quản lý 306 tủ RMU các loại, trong đó 301 tủ RMU 24kV và 5 tủ RMU 35kV.
Việc xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển từ xa một phần hệ thống tủ RMU của TP Hạ Long sẽ giúp giảm thời gian mất điện, tăng cường độ linh hoạt của lưới điện, mặt khác làm tăng năng suất lao động, giảm cường độ làm việc cho công nhân quản lý vận hành. Dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có, giai đoạn 1, Công ty đã xây dựng tự động hóa mạch vòng đường dây 22kV 472-477 E5.10 cấp điện cho các phụ tải quan trọng thuộc các phường Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục triển khai tại các đường dây trung áp còn lại, đảm bảo nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) đánh giá: Việc Công ty Điện lực Quảng Ninh đưa những hệ thống điều khiển, giám sát hiện đại nhất hiện nay vào hoạt động và chuyển các TBA sang mô hình vận hành không người trực là sự chuyển đổi số rất lớn trên lưới điện toàn tỉnh. Điều này, đã góp phần nâng cao năng suất và độ tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện. Đây cũng là tiêu chí rất lớn được các nhà đầu tư quan tâm và đánh giá cao khi lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến để đầu tư.
Link gốc