Tin trong nước

PC Thanh Hoá: Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp

Thứ năm, 20/7/2023 | 14:45 GMT+7
Với đặc thù hệ thống lưới điện đi qua rất nhiều địa hình phức tạp, do đó, công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp phải không ít khó khăn.


Công trình xây dựng vi phạm hành lang lưới điện cao áp tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương.

Từ năm 2022, Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, với sự huy động trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và toàn dân trong thực thi trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện triệt để công tác này vẫn còn nhiều thách thức.

Là địa phương có sự tăng trưởng mạnh của phụ tải, với đặc thù của hệ thống lưới điện trải dài trên nhiều địa bàn từ đồng bằng, trung du tới miền núi, công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện luôn được Công ty Điện lực Thanh Hóa xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả công tác này, trong nhiều năm qua đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư, sửa chữa, vệ sinh bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống lưới điện; thường xuyên kiểm tra, phúc tra hành lang lưới điện, phát hiện kịp thời các tồn tại và yêu cầu đơn vị trực thuộc kịp thời xử lý. Đối với một số điểm vi phạm, đơn vị đã cùng phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý, can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật như di chuyển đoạn đường dây, nâng cao độ võng dây dẫn, thay dây trần bằng dây bọc, lắp xà lệch...

Trước tình trạng các hành vi ảnh hưởng tới an toàn lưới điện cao áp gia tăng do công tác quản lý đầu tư xây dựng, do ý thức của người dân, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa. Ban chỉ đạo đã tiến hành quyết liệt công tác này với việc khẩn trương giao cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Công ty Điện lực Thanh Hóa, đặc biệt là sự hợp tác từ người dân, công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ tháng 4-2022 đến tháng 4-2023 toàn tỉnh chặt tỉa được 101.463 cây trong/ngoài hành lang lưới điện có nguy cơ gây sự cố lưới điện. Đồng thời, số vụ sự cố lưới điện đã giảm 32 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng gián đoạn cung cấp điện đột xuất do sự cố lưới điện cũng đã cải thiện đáng kể, đảm bảo được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Tuy nhiên, theo thống kê của Công ty Điện lực Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số công trình vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp; 16 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất; 1.909 khoảng cột còn tồn tại cây cối trong và ngoài hành lang, với số lượng khoảng 49.835 cây các loại, đặc biệt là các tuyến đường dây trên địa bàn các huyện: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa...

Bên cạnh những tồn tại trên, việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện vẫn còn phát sinh các mối nguy tiềm ẩn như người dân vẫn tái trồng cây trong hoặc ở gần hành lang lưới điện sau khi đã được đền bù giải phóng; chuyển đổi loại cây trồng từ cây ngắn ngày chiều cao thấp (mía, cây ăn quả...) hiệu quả kinh tế thấp bằng cây có chiều cao lớn (keo, bạch đàn...) có nguy cơ chạm vào dây dẫn gây sự cố và nguy cơ mất an toàn tại một số địa phương, điển hình như các phường Mai Lâm, Trúc Lâm (thị xã Nghi Sơn).

Theo ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, sở dĩ những hành vi nguy cơ trên tái diễn là do một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm hành lang, dẫn đến người dân vẫn trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong hành lang mặc dù đã được đền bù, hỗ trợ hành lang theo quy định. Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý khai thác cây ở gần đường dây điện cao áp nhưng không thông báo cho đơn vị quản lý, vận hành để được hướng dẫn và phối hợp thực hiện các biện pháp an toàn vẫn diễn ra, mặc dù đơn vị điện lực đã thông báo niêm yết số điện thoại liên lạc trên những cây có nguy cơ đổ vào đường dây khi khai thác.

Cùng với đó, tại một số địa phương việc giao đất và cấp phép xây dựng công trình nhà ở tại một số địa phương cho các hộ dân chưa quan tâm đến công trình lưới điện hiện có, nên đã không trừ phần hành lang an toàn lưới điện hoặc không đưa ra điều kiện để hạn chế khả năng sử dụng đất, khoảng không gian giữa dây dẫn và công trình, nhà ở; chưa quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp cố tình xây dựng nhà cửa, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và đào đất gây sạt lở móng cột công trình điện. Điển hình như tại các vị trí xã Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn); khoảng cột 15, lộ 174 từ trạm 220 Bỉm Sơn đến trạm 110kV xi măng Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn) do Đội cao thế Thanh Hóa quản lý. Tình trạng san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng đường giao thông tại một số địa phương cũng đã làm thay đổi, giảm khoảng cách an toàn giữa dây dẫn với mặt đất so với hiện trạng thiết kế ban đầu, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định nhưng chưa được xử lý.

Tiếp tục tạo chuyền biến trong công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp, mới đây Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn hành lang điện. Theo đó, ban chỉ đạo đang yêu cầu Sở Công Thương, Sở Xây dựng nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện do xây dựng và cấp phép công trình; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quy định việc được trồng cây trong hành lang lưới điện và các cây ngoài hành lang gần đường dây điện, để người dân không được trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang lưới điện.

Ban chỉ đạo cũng đang yêu cầu các địa phương, Công ty Điện lực Thanh Hóa sát sao trong việc giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu trước phương án thi công các dự án đường giao thông, san lấp mặt bằng các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, công trình ngầm tại những nơi có các trạm biến áp, đường dây điện, có phương án cải tạo hoặc di dời trạm biến áp, đường dây điện ra khỏi mặt bằng bảo đảm hành lang an toàn lưới điện mới thi công dự án; đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm và xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Link gốc

Theo: Báo Thanh Hóa