Điện lực Nam Đông hỗ trợ người dân khai thác keo, tràm trước bão Noru.
Hỗ trợ người dân khai thác keo, tràm
Là địa bàn có 56km đường dây trung thế đi qua khu vực rừng trồng, để ứng phó với bão Noru sắp đổ bộ, từ chỉ đạo của PCTTH, Điện lực Nam Đông đã tiến hành phát quang hành lang tuyến, gia cố cột điện, kiểm tra an toàn toàn bộ hệ thống đường dây điện do đơn vị quản lý; chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư dự phòng, thành lập lực lượng xung kích ứng trực 24/24 và hỗ trợ người dân khai thác keo, tràm.
“Từ ngày 23/9 đến nay, chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ khai thác keo tràm dưới khu vực đường dây trung thế. Việc hỗ trợ khai thác một mặt hạn chế tối đa sự cố khi bão làm keo, tràm ngã đổ vào đường dây, mặt khác còn cho thấy ý thức của bà con trong việc chung tay cùng đơn vị đảm bảo an toàn lưới điện”, lãnh đạo Điện lực Nam Đông thông tin
Cũng là địa bàn có nhiều diện tích rừng trồng, tuy nhiên, do chưa đến kỳ thu hoạch nên Điện lực A Lưới tiến hành kéo dây nhôm, chằng néo hơn 3km keo, tràm cách xa vị trí đường dây điện nhằm ngăn ngừa gió bão khiến keo tràm đổ ngã vào đường dây.
“Hiện, đơn vị đã tiến hành kiểm tra các điểm xung yếu trên lưới điện, nhất là những điểm cạnh sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lỡ, như ở khu vực sông A Sáp, Lâm Đớt… cũng như đã sẵn sàng phương án ứng phó với bão Noru”, ông Hồ Đăng Phi Toàn – Phó Giám đốc Điện lực A Lưới cho hay.
Nếu như Phú Lộc là nơi có nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp nằm ở vùng đồi núi cao, thấp trũng, vùng nhiễm mặn và vượt qua nhiều rừng keo tràm nên thường xuyên chịu ảnh hưởng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, thì Phong Điền là địa bàn chịu nhiều tác động của các đợt lốc xoáy và lũ ống gây ngập lụt nhiều ngày.
Với việc thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nên điện lực Phú Lộc và Phong Điền có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với bão lũ. Minh chứng là trước đó, các đơn vị này đã đầu tư cải tạo nguồn lưới điện, tăng cường cơ khí đường dây, gia cố móng cột, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, kiện toàn đội xung kích, huy động lực lượng phát quang hành lang tuyến, phối hợp với người dân chặt tỉa các cây có nguy cơ gãy đỗ vào đường dây điện, kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây điện...
Sẵn sàng chi viện cho điện lực các tỉnh, thành bạn
Ông Hoàng Ngọc Hoài Quang – Phó Giám đốc PCTTH thông tin, hiện đơn vị đang quản lý 1.740,62 km đường dây 22kV và 132,44 km đường dây 35kV. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), hiện PCTTH đã triển khai nhiều phương án để chủ động ứng phó với bão Noru cũng như khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Bên cạnh tổ chức kiểm tra nguồn lưới điện, những ngày này, PCTTH đã phối hợp với Trung tâm công viên cây xanh Huế, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã… triển khai chặt tỉa cây xanh nhằm; huy động lực lượng kiểm tra, xử lý khắc phục các vị trí xung yếu, vị trí ngập úng và các vị trí có nguy cơ sạt lở; chỉ đạo nhà thầu đang thi công các công trình điện có phương án bảo vệ, che chắn công trình xây dựng, phương tiện, thiết bị vật tư thi công và nhất là phải đảm bảo an toàn về người.
Ngoài sẵn sàng triển khai các phương án PCTT&TKCN đã được phê duyệt phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, PCTTH cũng yêu cầu lãnh đạo đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải tham gia điều hành khắc phục sự cố lưới trung áp, lưới 110kV, đồng thời, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động trong quá trình ứng phó, khắc phục, di chuyển tại các địa bàn nguy cơ sạt lở, ngập lụt; tăng cường công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân.
Cũng trong thời gian này, PCTTH đã tổ chức các đoàn kiểm tra những vị trí xung yếu, tuyến đường dây vượt sông, nhất là các khu vực dễ bị sạt lở vùng ven sông, suối, những khu vực bị ngập sâu, vùng có khả năng bị xói lở, như: thị trấn Khe Tre, sông Thượng Nhật (Nam Đông); khu vực đèo Phú Gia (Phú Lộc); sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng (TP. Huế); sông Bồ đoạn qua xã Phong An, thôn Cổ Bi xã Phong Sơn (Phong Điền); P. Hương Vân, P. Hương Văn (Hương Trà)…
Theo ông Hoàng Ngọc Hoài Quang, đến nay, PCTTH đã xây dựng phương thức vận hành khi xảy ra sự cố thiên tai và phương án sa thải phụ tải khi có lũ lớn, đảm bảo nguồn điện đầy đủ cho các cơ quan trọng yếu như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP. Huế, bệnh viện, nhà máy nước, cơ quan phát thanh, truyền hình… trong đó, lập phương thức đảm bảo cung cấp điện, nguồn dự phòng cho các hồ chứa và đập thủy điện, trạm thủy lợi, như các thủy điện: A Lưới, A Roàng, Bình Điền, Hương Điền, Thượng Lộ, A Lin Thượng, các nhà máy thủy điện Sông Bồ, A Lin B1, A Lin B2; các hồ chứa nước Tả Trạch, Truồi, Thủy Yên…
“Ngoài đội hotline thường xuyên ứng trực xử lý sự cố theo quy trình, Công ty cũng đã thành lập 2 đội xung kích, địa bàn hoạt động toàn tỉnh để bổ sung, tăng cường cho lực lượng các Điện lực trực thuộc để sẵn sàng ứng phó, khắc phục nhanh sự cố do thiên tai gây ra và cấp điện trở lại. Ngoài ra, nếu EVNCPC huy động, lực lượng này cũng sẵn sàng lên đường chi viện cho điện lực các tỉnh, thành bạn”, ông Hoàng Ngọc Hoài Quang cho hay.