Lãnh đạo PTC 1 kiểm tra công tác vận hành tại Truyền tải điện Hà Nội.
PV: Thưa ông, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đang bùng phát dịch COVID-19. Đây là khu vực có nhiều nguồn điện quan trọng nhằm đảm bảo điện cho khu vực phía Bắc. Vậy PTC1 đã có chỉ đạo như thế nào đối với các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện?
Ông Nguyễn Phúc An: Ngay sau khi nhận được công điện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc tổ chức thực hiện phòng chống dịch COVID-19, PTC 1 đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID 19, trong đó yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người lao động. Thực hiện kiểm tra thân nhiệt đối với mọi người ra/vào Công ty, đơn vị. Các bộ phận đang có đội công tác yêu cầu kê khai y tế và thực hiện cách ly tại nơi làm việc, hạn chế, tránh tiếp xúc với lực lượng quản lý vận hành, bảo vệ tại bộ phận. Tăng cường tần suất khử trùng nơi làm việc. Người lao động khi đến nơi làm việc phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh như rửa tay khử trùng và đeo khẩu trang, tăng cường tần suất kiểm tra thân nhiệt, hạn chế đi lại.
Trang bị các bộ quần áo bảo hộ y tế cho lực lượng vận hành khi tiếp xúc với đội công tác và đi qua khu vực dịch bệnh. Vệ sinh khử khuẩn các thiết bị thường xuyên sử dụng như điện thoại, bàn phím máy tính, chuột máy tính, thường xuyên lau cồn tay nắm cửa ra vào phòng trực v.v…
Các phương tiện đi qua địa bàn thành phố Chí Linh (Hải Dương, Hạ Long (Quảng Ninh) phải được khử trùng ngay khi về trụ sở đội, trạm. Tăng cường các giải pháp, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu càu giải quyết công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến khi cần thiết.
Nếu người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở, có triệu chứng nhiễm COVID -19 phải lập tức thông báo đến cơ sở y tế gần nhất cũng như thực hiện các bước xét nghiệm, cách ly theo đúng quy trình.
Kỹ sư, công nhân PTC1 tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Đối với khối trạm biến áp, PTC1 yêu cầu nhanh chóng cô lập lực lượng trực ca vận hành tại các trạm biến áp 220kV Tràng Bạch, Hoành Bồ, Hải Hà và trạm 500kV Quảng Ninh (thuộc TTĐ Đông Bắc 1); Trạm biến áp 220 kV Hải Dương, Hải Dương 2 (thuộc TTĐ Đông Bắc 2). Bố trí cố định các kíp trực để hạn chế lây chéo nếu bị nhiễm dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Người không có nhiệm vụ tuyệt đối không vào khu vực vận hành.
Đối với khối đường dây đã cô lập lực lượng quản lý vận hành đường dây cung đoạn đường dây đi qua vùng dịch gồm đội Truyền tải điện thành phố Chí Linh, Uông Bí, Hạ Long, Đầm Hà để đảm bảo tránh lây nhiễm. Đảm bảo đủ nhân lực quản lý vận hành ĐZ truyền tải điện
PV: Đâu là giải pháp quan trọng nhất được PT 1 triển khai nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, đặc biệt đang diễn ra Đại hội Đảng và Tết Nguyên đán đang cận kề?
Ông Nguyễn Phúc An: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị xã hội đặc biệt quan trọng của đất nước do vậy PTC1 xác định việc đảm bảo cung cấp điện tuyệt đối an toàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt của PTC1. Để đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn lưới truyền tải điện, PTC1 đã chủ động rà soát lập phương án đảm bảo cấp điện trong mọi tình huống, đặc biệt phục vụ Đại hội Đảng và Tết Nguyên Đán. Các thiết bị quan trọng đã được thí nghiệm và kiểm tra, sửa chữa xong 100% trước 20/1 phục vụ Đại hội Đảng.
Tổ chức ứng trực 100% quân số sẵn sàng xử lý ngay các các tình huống bất thường. Đã bố trí lực lượng vận hành tại các điểm xung yếu trên đường dây cấp điện cho Hà Nội. Tăng cường kiểm tra thiết bị, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết phát sinh. Lập lịch trực tăng cường tại lãn đạo các cấp và lực lượng quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện ứng trực và kịp thời xử lý các khiếm khuyết phát sinh.
PV: PTC1 có xây dựng phương án trong trường hợp các TBA, đường dây quan trọng có trường hợp bị nhiễm COVID-19 thì hướng xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Phúc An: PTC 1 đã xây dựng và tính toán đến phương án đó. Cụ thể, đối với trạm biến áp, khi quân số lực lượng đi ca đảm bảo ( 3 ca 4 kíp đối với TBA 220kV, 4 ca 5 kíp đối với TBA 500kV). Các công việc tại trạm biến áp vẫn thực hiện như bình thường, bố trí lại lịch đi ca như trên để phù hợp với tình hình lực lượng vận hành hiện có tại trạm.
Khi quân số lực lượng đi ca không đảm bảo, lãnh đạo trạm (trưởng trạm, phó trạm, kỹ thuật viên trạm) bắt buộc phải vào đi ca. Điều động trực lực lượng trực ca từ các trạm biến áp cùng Truyền tải điện hoặc trong Công ty đã từng công tác tại trạm bị cách ly, bồi huấn và kiểm tra để bổ sung cho lực lượng thiếu hụt tại các TBA có nhân viên phải đi cách ly.
Hạn chế các việc cắt điện thi công tại trạm đối với các công việc đầu tư xây dựng, sửa chữa... chưa cần thiết và không ảnh hưởng đến vận hành an toàn, liên tục của hệ thống điện truyền tải.
Đối với đội truyền tải điện hạn chế các việc cắt điện thi công với các công việc ĐTXD, sửa chữa, kiểm tra định kỳ hành lang tuyến... chưa cần thiết và không ảnh hưởng đến vận hành an toàn, liên tục của hệ thống điện truyền tải. Tập trung kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sự cố trong điều kiện nhân lực hiện có. CBCNV của đội truyền tải điện luôn sẵn sàng khi có tình huống khẩn cấp cần huy động.
PV: Việc ứng dụng KHCN giúp giảm thiểu rất nhiều tình trạng lây lan dịch bệnh, vậy PTC 1 đã và sẽ triển khai ứng dụng KHCN như thế nào trong đợt dịch bệnh này?
Ông Nguyễn Phúc An: PTC1 đã và sẽ ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác điều hành sản xuất và quản lý vận hành như sau. Đảm bảo thông tin liên lạc trong điều hành sản xuất, kích hoạt chế độ vận hành khẩn cấp, thực hiện thao tác xa đối với các trạm không người trực. Thiết lập hệ thống thông tin chung từ PTC1 đến tất các các truyền tải điên khu vực, đội , trạm.Vận hành hệ thống thông tin liên lạc đa phương thức: mạng tổng đài nội bộ 5 số, mạng tổng đài nội bộ IP, mạng điện thoại vệ tinh, mạng điều hành sự cố. Vận hành hệ thống hotline từ phòng Điều độ (B01) đến các trạm biến áp. Vận hành hệ thống bộ đàm di động. Phổ biến các đầu mối hỗ trợ thông tin liên lạc với đơn vị ngoài PTC1: EVNICT, Viettel, Bộ tư lệnh thông tin.
PTC 1 triển khai ứng dụng họp qua hội nghị trực tuyết, thiết lập hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến N+2. Kiểm tra, đảm bảo hệ thống hội nghị trực tuyến chung toàn EVNNPT cũng như toàn EVN. Thiết lập hệ thống hội nghị truyền hình Microsoft Team chung toàn EVNNPT. Vận hành hệ thống làm việc theo nhóm Zoom Team. Kiểm soát các biện pháp an toàn và hỗ trợ xử lý kiểm khuyết quan các phần mềm ứng dụng gọi video call...
Bảo trì bảo dưỡng ứng dụng tối đa các phần mềm dùng chung trong EVN, EVNNPT như 11 phần mềm dùng chung EVN, 39 phần mềm phục vụ sản xuất do PTC1 tự triển khai. Thắt chặt kiểm soát an toàn an ninh thông tin theo chuẩn ISO27001 và phân cấp An toàn an ninh thông tin.
Rà soát lại toàn bộ mật khẩu, tài khoản người dùng toàn hệ thống. Vận hành chế độ khẩn cấp mạng riêng ảo VPNs kết nối từ các cá nhân qua mạng Internet phục vụ làm việc từ xa, tại nhà kết nối hệ thống chung…
PV: Đơn vị đã có phương án chuẩn bị như thế nào để ứng phó với các tình huống diễn biến phức tạp khi dịch bệnh có thể kéo dài, thưa ông?
Ông Nguyễn Phúc An: Ngay từ đợt dịch bệnh trước, PTC1 đã triển khai xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, với nhiều phương án, kịch bản chi tiết và chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị lập phương án cụ thể hóa tại đơn vị có tính đến tình huống xấu nhất khi dịch bệnh kéo dài. Trong đó tổ chức cho nghỉ tại nhà nghỉ ca, hoặc nghỉ 01 phòng riêng trong trạm với đầy đủ trang bị vật dụng thiết yếu chăn màn và nhu yếu phẩm. Lập bếp ăn tập thể tại trạm và cung cấp nhu yếu phẩm từ ngoài vào. Mua cấp trang bị bảo hộ phòng dịch phù hợp với tình hình thực tiễn tại các đơn vị bộ phận… Do đó đã chủ động ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thời điểm này.
PV: Xin cảm ơn ông!