Quản lý năng lượng

Phát triển công trình xanh: Thiếu quy chuẩn pháp lý

Thứ năm, 12/12/2019 | 15:10 GMT+7
Trước các yếu tố về môi trường như sự gia tăng hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí... thì các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm sức khỏe nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. 
Chung cư Ecolife Capitol (quận Nam Từ Liêm) được cấp chứng chỉ xanh quốc tế. Ảnh: Phương Nguyên
 
Vấn đề đặt ra là, để thu hút các chủ đầu tư tham gia vào phát triển các công trình, dự án bất động sản xanh, phải sớm xây dựng hành lang pháp lý với những quy chuẩn chung...
 
“Kiến tạo cuộc sống xanh” là khẩu hiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thủ đô - Capital House, chủ đầu tư dự án Ecolife Capitol.
 
Kiến tạo cuộc sống xanh
 
Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam, công trình xanh được hiểu là công trình ít gây hại đến môi trường, bao gồm môi trường bên trong công trình, môi trường lòng đất, môi trường trên mặt đất, môi trường nước và khí quyển.
 
Đây là những công trình có thiết kế xây dựng bảo tồn hệ sinh thái, kết nối cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm nước, tận dụng nước thải và bảo tồn nước ngầm; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; rác thải được quản lý chặt chẽ; nội thất bảo đảm an toàn sức khỏe đối với người sử dụng.
 
Tại nước ta, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã triển khai các dự án, công trình theo xu hướng này. Về ở tại chung cư Ecolife Capitol (số 58, đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm), bà Nguyễn Thị Thanh (phòng P1703A1) chia sẻ: "Gia đình tôi rất ưng ý khi về sống tại đây vì căn hộ được bố trí các khoảng cách, tỷ lệ kiến trúc hợp lý để thu ánh nắng mặt trời, gió tự nhiên vào hầu hết căn hộ. Chủ đầu tư cũng sử dụng các vật liệu xây dựng (sơn, kính) thông minh, tiết kiệm năng lượng... nên tiền điện hằng tháng của gia đình vào mùa đông thường chỉ hơn 300.000 đồng, mùa hè cũng chỉ khoảng hơn 500.000 đồng...".
 
Giám đốc Ban Nghiên cứu và phát triển Capital House Trịnh Tùng Bách cho biết: "Việc thiết kế theo xu hướng xanh tại dự án không chỉ góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị vào môi trường xung quanh, đồng thời còn giúp tiết kiệm điện năng, cư dân cũng được sống trong môi trường xanh, chất lượng sống tốt hơn...".
 
Phát triển công trình xanh cũng là định hướng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. Theo Tiến sĩ Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển - Công ty Phúc Khang, đến nay, đơn vị đã đưa ra thị trường 10 dự án lớn và luôn kiên định đi theo con đường phát triển dự án sinh thái - xanh. Tại các dự án này, để tăng mảng xanh, cây xanh, công viên được bố trí giữa các tòa nhà, trên mái...
 
Tuy nhiên, số lượng các công trình xanh còn chưa nhiều và để sở hữu cũng không dễ. Anh Phạm Anh Minh (ở số 23, phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm) là người đang có nhu cầu tìm mua nhà cho biết, anh rất chú ý đến những dự án xây dựng theo xu hướng xanh nhưng với nhà ở xã hội thì nguồn cung rất hạn chế, còn nhà ở thương mại thì giá thành thường cao hơn so với những dự án cùng loại nên với khả năng tài chính không dư dả rất khó tiếp cận.
 
Về phía các doanh nghiệp, đại diện của Capital House, Phúc Khang đều thừa nhận, việc phát triển còn khó khăn do chưa có chính sách rõ ràng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao, nhiều khách hàng cũng chưa quan tâm đến yếu tố này...
 
Xu hướng phát triển của thị trường bất động sản
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, bất động sản xanh sẽ là xu hướng phát triển bất động sản trong thời gian tới tại Việt Nam khi đời sống người dân tăng lên. Báo cáo về xu hướng công trình xanh năm 2018 do Tập đoàn Dữ liệu và phân tích Dodge của Mỹ (Dodge Data & Analytics) cũng đưa ra những nhận định khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam.
 
Cụ thể, các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.
 
PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam cho biết, trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá công trình xanh nhưng đều có 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.
 
Tại Việt Nam, hiện có các hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến gồm: LEED của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; GREEN MARK của Hội đồng công trình xanh Singapore; LOTUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; EDGE của Tổ chức Tài chính ngân hàng thế giới (IFC). Bốn hệ thống tiêu chí đánh giá trên được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới, đều đề cập đến 5 tiêu chí cơ bản như trên.
 
Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho rằng, hiện công trình xanh, hay các tiêu chí công trình xanh như: Lotus, Leed là do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó cần phải xây dựng quy chuẩn chung, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo.
 
"Tôi nghĩ nên có hành lang pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, đem đến cho cư dân môi trường sống tốt hơn", ông Đỗ Thanh Tùng nêu ý kiến.
 
Về giải pháp tạo hành lang pháp lý phát triển công trình xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: "Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và Vụ đã đưa vào dự thảo luật để trình cấp có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng hành lang pháp lý đối với công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện. Qua đó có chính sách ưu đãi để thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản tham gia, phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường".

Link gốc
Theo: Hà Nội mới