Để vận hành một nhà máy ĐHN an toàn và hiệu quả, chúng ta cần khoảng 2.000 nhân lực có trình độ cao.
Quá nhiều khó khăn
Theo kế hoạch, dự án xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận sẽ được khởi công vào năm 2014 và vận hành lần lượt vào các năm 2020-2021 (Ninh Thuận 1) và năm 2021-2022 (Ninh Thuận 2). Dự án này đang nhận được sự đóng góp lớn của một thế hệ đã qua và đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho các thế hệ mới.
Bước khởi đầu của con đường phát triển ĐHN ở Việt Nam được đánh dấu bởi những điểm mốc thời gian quan trọng: Đầu năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” và phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” vào năm 2010. Và trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008 và Nghị quyết vào năm 2009 về “Quyết định cho phép xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020”.
Tuy nhiên, để có được bước phát triển như vậy, trong suốt 30 năm qua, một lớp chuyên gia hạt nhân thuộc các thế hệ đi trước dẫn đầu bởi Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã tiến hành công tác chuẩn bị công phu và kiên trì ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Công nghệ Xạ hiếm ở Hà Nội, ở Phòng Điện nguyên tử (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử quốc gia, sau đó trở thành Trung tâm Năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân), qua các chương trình Nhà nước KC-09 và nối tiếp bởi chương trình KHCN-09…
Trong thời gian sau năm 1975 đến 1990, Việt Nam có một đội ngũ hơn 500 cán bộ khoa học về công nghệ hạt nhân được đào tạo trong và ngoài nước. Nhưng sau cuộc khủng hoảng Chernobyl, mọi kế hoạch nghiên cứu, đào tạo của nước ta hầu như bị chững lại. Và với sự đình trệ kéo dài hơn 20 năm, số chuyên gia nói trên còn không nhiều và chưa có đủ lớp người kế cận thay thế; chính vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho ngành năng lượng hạt nhân rất được chú trọng.
Theo TS Trần Kim Tuấn - Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), dự án xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam sẽ cần khoảng 2.400 nhân lực có trình độ đại học, trong đó, kiểm soát an toàn & bảo vệ bức xạ cần 60 nhân lực; Quản lý dự án: 360; Quản lý & lãnh đạo nhà máy: 10; Vận hành - điều hành lò: 140; Kiểm soát viên đảm bảo chất lượng: 18; Bảo trì & hỗ trợ kỹ thuật: 300; Nhiệm vụ hỗ trợ khác: 160 và dịch vụ bên ngoài: 152 nhân lực.
Hiện nay có 7 đơn vị giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo chuyên ngành phục vụ cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh ngành học trên tại các trường này không mấy khả quan. Số sinh viên đầu quân không nhiều, điểm đầu vào thấp, nhiều trường còn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trường ĐH Điện lực năm 2012 tuyển sinh ngành ĐHN với điểm chuẩn NV1 là 18 điểm, phải tuyển thêm 20 chỉ tiêu NV2 mới đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số này đã là khả quan hơn nhiều so với năm 2010, năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành này: Chỉ tuyển được 14 trên 50 chỉ tiêu dù điểm đầu vào chỉ 15,5 điểm. Năm 2012, Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành kỹ thuật hạt nhân với mức điểm chuẩn chỉ là 16,5, trường cũng chỉ có được 10 thí sinh đạt yêu cầu trên tổng số chỉ tiêu là 30. Là một trường thuộc top đầu, năm 2012, hai chuyên ngành vật lý kỹ thuật và kỹ thuật hạt nhân cũng chỉ lấy 18,5 điểm đầu vào thi đại học…
Cần chính sách đãi ngộ
Về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã cho rằng: “Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo nhân lực cho ngành này. Nguyên nhân là do chính sách đối với người đi học và người sẽ được làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và nhà máy ĐHN nói riêng cho đến giờ phút này vẫn chưa công bố một cách công khai. Thứ hai, việc lựa chọn được người đi học trong lĩnh vực này cũng rất kiện khó khăn. Người đáp ứng được trình độ thì không đáp ứng được sức khỏe và ngược lại”.
Trong tình hình đó, tháng 8/2010 Chính phủ Việt Nam thông qua dự án 10 năm ưu tiên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với kế hoạch đào tạo học viên tại cơ sở giáo dục đã quy định hoặc gửi ra các nước tiên tiến như Nga, Nhật, Pháp, Hungary và Mỹ. Riêng trong 3 năm vừa rồi chúng ta đã gửi 200 người sang Nga và khoảng 300 người tới các nước khác để học tập cả ngắn hạn và dài hạn về năng lượng nguyên tử và ĐHN.
Gần đây, vào đầu tháng 12/2012, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với các sinh viên, học viên học tập trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, kỹ thuật hạt nhân. Theo đó, đối với sinh viên và học viên đào tạo sẽ được miễn học phí, cấp học bổng gấp 10-15 lần học phí/tháng và được gửi sang các nước có nền khoa học kỹ thuật hạt nhân phát triển để tập huấn. Ngoài ra, với những cán bộ hiện đang làm việc trong lĩnh vực nguyên tử, hạt nhân, Chính phủ đã cho phép hưởng phụ cấp 30-70% mức lương được hưởng. Sắp tới sẽ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc trả phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này ở mức hấp dẫn.
Được biết, Chính phủ đã dành khoảng 2.000 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho chương trình đào tạo cán bộ ĐHN. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng dành ra một khoản ngân sách 1.000 tỉ đồng cho đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành của ĐHN. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ có đủ người làm việc trong nhà máy ĐHN cũng như các cơ quan pháp quy về hạt nhân tại Việt Nam.
Các trường đại học được giao đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Điện lực, Trung tâm Đào tạo nhân lực hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.