Năng lượng mặt trời đã được Vinamilk triển khai áp dụng trên tất cả trang trại cả nước, dự kiến hoàn thành vào cuối 2021. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Trang tin Tương lai năng lượng "Energiezukunft" của Đức vừa có bài viết bày tỏ ấn tượng về tốc độ thực hiện chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, đồng thời nhận định Việt Nam có thể sớm đóng vai trò đầu tầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo trên cho biết, quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, trong năm 2020 đã có 11,6 GW điện từ hệ thống năng lượng Mặt Trời được hòa vào mạng lưới điện quốc gia ở Việt Nam.
Nếu trong năm 2018, công suất lắp đặt ở Việt Nam mới chỉ đạt 105 MW thì chỉ sau một năm, con số này đã tăng lên 5 GW và đến năm 2020, công suất lắp đặt đã tăng lên mức 16,5 GW, một sự gia tăng đáng kể nếu so sánh cùng thời kỳ với nhiều nước khác trên thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của điện Mặt Trời ở Việt Nam, quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi với mức bức xạ Mặt Trời cao, sản lượng từ hệ thống năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam cao hơn nhiều những nơi khác trên thế giới.
Trước dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng ở Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, nhiều công ty năng lượng lớn đã chớp thời cơ và đầu tư mạnh vào hệ thống năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam.
Hè năm 2020, cơ sở có công suất 45 MG đã được hòa vào mạng lưới điện ở tỉnh Ninh Thuận, giúp tạo ra khoảng 76 MWh/năm. Dự án này do Tập đoàn Giải pháp Năng lượng Sharp (SESJ) thực hiện và công ty này hiện cũng đã lắp đặt thêm 5 cơ sở điện Mặt Trời với tổng công suất 245 MW tại Việt Nam.
Theo bài báo, câu chuyện thành công về năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam có thể được lý giải nhờ vào một cơ chế thị trường khá đặc biệt, đó là chương trình mua điện với giá cố định.
Theo chương trình này, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo nhận được mức giá cố định và bù đắp được chi phí bỏ ra, do đó cũng giảm được đáng kể nguy cơ khi đầu tư vào năng lượng Mặt Trời.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam cũng đã gia hạn cơ chế này, song với biểu giá thấp hơn. Trong tương lai, Việt Nam có thể thực hiện thêm cơ chế đầu thầu, trong đó tất cả các dự án năng lượng tái tạo không thuộc chương trình mua điện với giá cố định, đều có thể tham gia. Những điều này có thể giúp kiểm soát tốt hơn quá trình chuyển đổi năng lượng, nhất là khi xét tới sự phân vùng khi mở rộng.
Với Kế hoạch phát triển năng lượng mới, Chính phủ Việt Nam dự định tăng gấp đôi tổng công suất điện trong 10 năm tới. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 29% sản lượng điện được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo và 18% là thủy điện.
Công suất năng lượng tái tạo được lên kế hoạch ở mức 45 GW, tăng mạnh so với kế hoạch trước đó là 27 GW, mức có thể đạt được ngay trong năm nay hoặc muộn nhất là năm tới. Mặc dù quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, điện than vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể với 28%.
Tuy nhiên, kế hoạch phát triển năng lượng quy định việc mở rộng năng lượng tái tạo sẽ được đẩy mạnh vào năm 2045, với công suất năng lượng tái tạo tăng lên 127 GW.
Quang điện được cho có tỷ trọng lớn nhất, với 43% (55 GW), tiếp đến là năng lượng gió trên bờ 31% (40 GW) và năng lượng gió ngoài khơi 17% (21 GW). Hiện tại, để đảm bảo nguồn điện, Chính phủ Việt Nam trước mắt vẫn phải tiếp tục duy trì điện than trong những năm tới, hiện chiếm khoảng 35% tổng sản lượng điện.
Việc các nhà đầu tư đẩy mạnh dòng vốn vào năng lượng tái tạo đã thực sự tạo nên sự bùng nổ về năng lượng Mặt Trời ở Việt Nam trong hai năm qua. Việt Nam cần tiếp tục ổn định theo xu hướng này và có thể sớm đóng vai trò đi đầu về năng lượng tái tạo ở khu vực Đông Nam Á.