Phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho tương lai

Thứ hai, 20/7/2020 | 10:20 GMT+7
Với hiện trạng nguồn năng lượng từ thủy lợi và than đá đang dần cạn kiệt, phát triển năng lượng từ mặt trời, gió, rác thải được xem là giải pháp bền vững cho tương lai. 
Mô hình điện mặt trời mái nhà, một trong những nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển. Ảnh: Hoàng Lộc
Mô hình điện mặt trời mái nhà, một trong những nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển. Ảnh: Hoàng Lộc

Không chỉ tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, giảm hiệu ứng nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) còn mang lại giá trị lớn về kinh tế cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
 
Đồng Nai được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn NLTT. Tỉnh và ngành điện đang có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phát triển NLTT từ mặt trời, rác thải.
 
Đồng Nai là tỉnh có sản lượng tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, khoảng 14 tỷ kWh/năm, (chiếm 6% sản lượng điện toàn quốc). Trung bình mỗi năm, nhu cầu sử dụng điện của Đồng Nai tăng hơn 7%, trong đó, khoảng 30% khách hàng và khoảng 75% sản lượng điện cung ứng cho công nghiệp - xây dựng.
 
Thực hiện chủ trương phát triển NLTT của Nhà nước, đến cuối tháng 6-2020, Đồng Nai có trên 2,1 ngàn khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 43,8 ngàn kWp, trong đó có 1,8 ngàn khách hàng hộ gia đình. Tổng sản lượng điện mặt trời phát lên lưới là gần 12 triệu kWh. Đồng Nai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển NLTT, đặc biệt là năng lượng từ mặt trời và rác thải, tuy nhiên, chưa có nhiều DN, nhà đầu tư tham gia.
 
Việc phát triển NLTT để giải quyết bài toán nguồn cung của ngành điện, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tương lai là cần thiết. Ngoài ra, việc phát triển NLTT vừa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành năng lượng vừa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do phát triển công nghiệp.
 
Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Trần Văn Vĩnh cho rằng, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất 10,2 ngàn ha, trong đó, diện tích xây dựng nhà xưởng gần 7ha, là diện tích rất lớn để phát triển điện mặt trời. Thực tiễn hiện nay, có DN đã đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng với công suất khá lớn phục vụ cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện nhưng chưa nhiều.
 
Bên cạnh đó, trong quy hoạch, Đồng Nai có nhiều dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, các dự án này hoàn toàn có thể đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.
 
Một nguồn NLTT tiềm năng khác đó là nhiệt điện từ rác thải. Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 thực hiện thu gom 100% chất thải công nghiệp, 100% rác thải sinh hoạt, đây sẽ là nguồn phát triển nhiệt tại các khu xử lý rác tập trung.
 
Ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM), đơn vị đang có 2 dự án điện mặt trời tại TP.Biên Hòa và H.Long Thành cho rằng, Đồng Nai có tiềm năng lớn khai thác điện mặt trời mái nhà. Theo bản đồ bức xạ và đo đếm thực tế, điện năng sản sinh tại Đồng Nai là rất tốt, tốt hơn tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Mặt khác Đồng Nai có nhiều KCN, khu phát triển nông nghiệp có diện tích mái nhà lớn.
 
“Chúng tôi đang tìm thuê các mái nhà xưởng trong KCN hoặc dự án nông nghiệp công nghệ cao có diện tích mái lớn tại Đồng Nai để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, sau đó bán điện cho chủ cơ sở với giá thấp hơn giá bán cho ngành điện. Đây là mô hình mới mẻ và đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường cho cả đôi bên. Chủ cơ sở cho thuê không phải bỏ ra chi phí lớn ban đầu mà vẫn được sử dụng nguồn năng lượng sạch tại chỗ với giá thấp. Còn công ty có sẵn mái nhà để lắp đầu tư. Công ty chúng tôi dự kiến lắp đặt khoảng 20MWp tại Đồng Nai trong 6 tháng cuối năm 2020” - ông Quân cho hay.
 
Nhận thấy tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà, từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Năng lượng xanh OnEnergy (TP.Biên Hòa) đã đầu tư và khai thác nhiều dự án điện mặt trời tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Đại diện công ty này cho biết, đã đầu tư trên 60 tỷ đồng lắp đặt 2 hệ thống điện mặt trời tổng công suất hơn 4,2 MWp tại KCN Tam Phước.
 
Với hệ thống này, công ty giảm được gần 800 triệu đồng tiền điện hằng tháng và bán ngược lại cho ngành điện tổng trên 3,2 triệu kWh với số tiền thu về hơn 6 tỷ đồng; hoàn thành lắp đặt dự án điện mặt trời 2MWp tại KCN Nhơn Trạch 5 (Huyện Nhơn Trạch), bán điện lại cho các DN trong KCN. 2 công trình điện mặt trời khác tại Đồng Nai dự kiến đưa vào vận hàng trong tháng 8 tới là dự án công suất 2,5MWp tại KCN Nhơn Trạch 3 (H.Nhơn Trạch) và dự án công suất 3,2MWp tại KCN An Phước (H.Long Thành).
 
“Trong tương lai, chúng tôi còn có nhiều dự án điện mặt trời mái nhà khác tại các khu, cụm công nghiệp ở Đồng Nai. Điều này sẽ giúp DN chủ động nguồn điện, giảm chi phí sản xuất, có thêm nguồn thu” - đại diện Công ty CP Năng lượng xanh OnEnergy cho hay.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho rằng, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng “sạch”, tái tạo, thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt. Việc phát triển điện mặt trời đem lại lợp ích kép về kinh tế, năng lượng và môi trường, do đó, ngành điện đang nỗ lực tuyên truyền người dân, DN phát triển điện mặt trời mái nhà. “Công ty đã sẵn sàng tiếp nhận nguồn NLTT từ các khách hàng, xây dựng phương án thanh toán tiền linh hoạt, do đó, các hộ gia đình, DN, nhà đầu tư yên tâm lắp đặt” - ông Thành nói.

Link gốc
Theo: Báo Đồng Nai