Tin thế giới

Philippines trong tay Trung Quốc: Chìm vào đêm tối với một cú sập cầu dao?

Thứ hai, 4/5/2020 | 08:48 GMT+7
Mạng lưới điện lực của Phillippines đang nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của Chính phủ Trung Quốc và Philippines có thể ngay lập tức “chìm trong bóng đêm” nếu hai nước xảy ra xung đột bất ngờ.

Các công nhân dựng lưới gia cố thanh sắt cho bức tường bê tông của một trạm biến áp ở Manila. 
 
Các nghị sĩ Philippines lo lắng, kêu gọi điều tra khẩn
 
Thông tin trên được trích dẫn từ một báo cáo nội bộ được chuẩn bị cho các nghị sĩ Philippines.
 
Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Trung Quốc (State Grid Corporation of China) nắm giữ 40% cổ phần tại Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Philippines (NGCP) gồm nhiều công ty tư nhân chuyên vận hành các lưới điện của Philippines.
 
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, các nghị sĩ Philippines đã kêu gọi Chính phủ tiến hành một điều tra về những nguy cơ an ninh có thể xảy đến sau khi có báo cáo cho rằng chỉ các kỹ sư Trung Quốc mới có quyền tiếp cận các bộ phận quan trọng thuộc hệ thống năng lượng của Philippines và về lý thuyết, nguồn điện có thể bị vô hiệu hóa từ xa theo lệnh của Trung Quốc.
 
Chủ tịch Công ty truyền tải điện quốc gia (TransCo), ông Melvin Matibag, đã khẳng định "có khả năng" xảy ra một viễn cảnh như vậy trong quá trình tiến hành những bàn thảo chi tiết về kế hoạch ngân sách của chính phủ năm 2020 tại Thượng viện Philippines hôm 19-11 năm ngoái.
 
Trước đây TransCo vận hành hệ thống lưới điện này và nắm quyền giám sát với NGCP, tuy nhiên theo những gì ông Matibag thông báo với các thượng nghị sĩ, trên thực tế quyền được tiếp cận của TransCo với hệ thống đó "bị giới hạn".
 
Quyền lực to lớn của các kỹ sư Trung Quốc
 

Thượng nghị sĩ đảng Tự do đối lập của Philippines- Risa Hontiveros. 
 
Bà Risa Hontiveros, thượng nghị sĩ Đảng Tự do đối lập ở Philippines, đã nêu lên những chất vấn về quy mô kiểm soát của Bắc Kinh trong bối cảnh những xung đột về chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước vẫn tiếp diễn trên Biển Đông.
 
Bà Risa Hontiveros cho rằng Trung Quốc “đang là một phần trong đời sống hằng ngày của chúng ta từng phút, từng giờ, từng khoảnh khắc chừng nào việc vận hành hệ thống vẫn đang do các kỹ sư Trung Quốc vận hành, kiểm soát… Thực sự là một quyền lực rất to lớn”.
 
Bà Risa Hontiveros hỏi các quan chức năng lượng trong phiên thảo luận phê chuẩn ngân sách kéo dài 10 tiếng của thượng viện. “Nếu có một ai đó ở Bắc Kinh ngắt mạch điện thì sao?”.
 
Ông Sherwin Gatchalian, chủ tịch ủy ban năng lượng của Thượng viện Philippines và cũng là người được giao nhiệm vụ bảo vệ kế hoạch dự toán ngân sách chính phủ cho bộ năng lượng, đáp: “Tôi được chủ tịch của TransCo cho biết họ đã nghiên cứu về khả năng này. Tôi được biết việc vận hành thủ công của các tuyến đường dây tải điện có thể thực hiện.
 
Việc chiếm quyền kiểm soát (của Bắc Kinh) có thể xảy ra, nhưng TransCo, với năng lực kỹ thuật của họ, có thể giành lại quyền kiểm soát bằng cách thủ công”.
 
Theo Thượng nghị sỹ Sherwin Gatchalian, “với một cú ngắt mạch, điện sẽ không được truyền tải tới bất kỳ ngôi nhà nào, doanh nghiệp nào hay bất cứ cơ sở quân sự nào của Philippines”. Trong trường hợp như vậy, sẽ mất khoảng 24-48 giờ để lưới điện hoạt động trở lại.
 
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ phe đối lập Philippines Risa Hontiveros nói, việc Trung Quốc đồng sở hữu NGCP tạo ra “những lo ngại sâu sắc về an ninh quốc gia, nhất là với tham vọng và lối hành xử gần đây của Trung Quốc”.
 
“Chừng nào các kỹ sư Trung Quốc còn kiểm soát và quản lý hoạt động của hệ thống lưới điện, họ còn có quyền lực lớn đối với nguồn cung cấp năng lượng của Philippines. Nếu có ai đó ở Bắc Kinh ngắt mạch điện thì sao?” - bà Risa Hontiveros nêu ra rủi ro lớn đối với cơ sở hạ tầng công cộng và an ninh quốc gia.
 
Ông Gatchalian đồng chia sẻ sự lo lắng của bà Hontiveros. “Lưới điện có lẽ là một trong những cơ sở hạ tầng sống còn nhất ở đất nước chúng ta”, Thượng nghị sĩ Gatchalian nói và đồng thời hứa hẹn rằng Chính phủ sẽ cải thiện việc giám sát và quản lý lưới điện để đảm bảo sự kiểm soát “nằm trong tay người Philippines”.
 
“Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia an ninh quốc gia và Hội đồng An ninh Quốc gia để đảm bảo họ có kế hoạch dự phòng” - ông Gatchalian nói thêm.
 
“Chỉ với một cú sập cầu dao”
 
Truyền thông Philippines thời gian qua phát đi những thông tin cho rằng chỉ các kỹ sư của Trung Quốc mới có khả năng xử lý sự cố, vận hành và kiểm soát mạng lưới truyền tải điện của NGCP vì hệ thống theo dõi và kiểm soát từ xa của nó từ nhà máy của Tập đoàn Nari đặt tại Nam Kinh, Trung Quốc.
 
Cũng lại có những thông tin khác trên truyền thông nói rằng các tài liệu hướng dẫn vận hành, kiểm soát hệ thống đều được in bằng tiếng Trung Quốc và các kỹ sư Philippines không thể vận hành hệ thống này.
 
Hontiveros thừa nhận về tính xác thực của các báo cáo này và yêu cầu các quan chức TransCo xác minh xem liệu thiết lập từ xa có cho phép Bắc Kinh tắt điện lưới hay không.
 

Hệ thống của Tập đoàn Nari cũng cung cấp các hệ thống điều khiển từ xa cho các lưới điện ở Kenya, Indonesia và Thái Lan. 
 
Gatchalian đã trao đổi với các quan chức năng lượng trong phiên họp Thượng viện và sau đó trao đổi với Hontiveros: “Tôi đã được chủ tịch TransCo khuyên rằng lưới điện quốc gia đang được vận hành bởi Scada và có khả năng được vận hành từ xa.”
 
Scada là viết tắt của kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu, một hệ thống máy tính được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau để theo dõi và kiểm soát thời gian thực.
 
Ông Gatchalian nói thêm rằng theo các quan chức, hướng dẫn sử dụng tiếng Trung đã được dịch sang tiếng Anh. "Tôi được thông báo rằng các kỹ sư người Philippines đang vận hành lưới điện", ông nói.
 
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Richard Gordon khẳng định vấn đề cần được xác minh thêm. Ông nói rằng nếu một thượng nghị sĩ chuẩn bị đến thăm NGCP và các giám đốc điều hành người Philippines ở đó không cho phép các nghị sĩ tiếp cận vì sợ bị sa thải thì Philippines không thực sự nắm quyền kiểm soát".
 
Lo ngại về an ninh quốc gia được đặt ra khi các thượng nghị sĩ chờ quyết định từ Bộ Quốc phòng về việc cho phép Tập đoàn Dito Telecommunity do Trung Quốc hậu thuẫn, trước đây gọi là Mislatel - doanh nghiệp viễn thông thứ ba và mới nhất của Philippines - lắp đặt các tháp truyền thông trong các trại quân sự.
 


Tổng thống Rodrigo Duterte (phải) hôm 29/11 khẳng định sẽ không cho phép Trung Quốc can thiệp vào lưới điện của Philippines. 
 
Trước đó, Chủ tịch đảng Tự do đối lập Francis Pangilinan nhắc lại những lo ngại của Thượng viện trong những tuần gần đây về những rủi ro an ninh quốc gia có thể xảy ra trong đề xuất này, mà ông cho rằng sẽ cho phép Trung Quốc nghe lén quân đội Philippines.
 
Ông tiết lộ một đánh giá rủi ro do Lực lượng Vũ trang Philippines thực hiện đã kết luận rằng hệ thống liên lạc cố định hiện tại được sử dụng để liên kết tất cả các trại và căn cứ quân sự trên toàn quốc "dễ bị nghe lén điện tử và cắt đứt".
 
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu sĩ quan quân đội, chủ tịch ủy ban quốc phòng Thượng viện, cho biết các quan chức quốc phòng và quân sự đã đảm bảo với ông rằng chính phủ sẽ có thể đơn phương chấm dứt mọi thỏa thuận với Dito bất cứ lúc nào.
 
Bộ Quốc phòng hứa sẽ đệ trình lên Thượng viện trước cuối tháng 11 bất kỳ bản ghi nhớ thỏa thuận nào được ký với hãng này.

Link gốc
Theo: Báo Dân trí