|
"Mục tiêu sắp tới của VN là khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước." Ảnh: Ngọc Hà
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ : Phát triển bền vững là xu thế chung của thế giới và cũng là yêu cầu bức xúc của Việt Nam (VN). Mục tiêu sắp tới của VN là khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao; giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đa dạng hóa các phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; từng bước hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; đẩy mạnh nguồn năng lượng mới và tái tạo để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh hiệu quả và bền vững ngành năng lượng; phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Chính phủ VN khuyến khích việc khai thác sử dụng năng lượng mới và tái tạo thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới tái tạo... Phó Thủ tướng hy vọng với kinh nghiệm phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng của Pháp, các chuyên gia Pháp sẽ phối hợp cùng với các chuyên gia Việt nam có được kết quả nghiên cứu bổ ích về năng lượng phát triển bền vững.
Cũng tại Diễn đàn, Đại sứ Pháp tại Việt Nam- ông Hervé Bolot đánh giá, đây là thời khắc hết sức thuận lợi để hai nước tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác, thảo luận các chiến lược dài hạn, xác định được các mục tiêu cơ bản về phát triển năng lượng một cách bền vững, sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, đề xuất những giải pháp phù hợp với VN trong khuôn khổ chiến lược 2010- 2015. VN cần tìm được tiêu chí tốt phù hợp, huy động được nguồn vốn sản xuất năng lượng bảo đảm nhu cầu ngày càng gia tăng của đất nước. Những mục tiêu ưu tiên trong hợp tác giữa hai nước là phát triển bền vững, đào tạo để phát triển, mở rộng kinh tế thương mại.
Diễn đàn đã đi vào thảo luận các vấn đề về: Tác động của chính sách năng lượng đối với vấn đề phát thải CO2; sản xuất điện và phát thải khí CO2; hiệu quả năng lượng và tăng trưởng kinh tế; chính sách điều hành và huy động nguồn tài chính cho các chính sách năng lượng. Các chuyên gia Việt Nam và Pháp đã đưa ra các nghiên cứu về các thách thức trung và dài hạn của chính sách năng lượng , chủ trương kết hợp phát triển kinh tế nhanh với bảo vệ môi trường và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính...
Theo các báo cáo đánh giá, kinh tế Việt Nam trong một vài thập kỷ gần đây có sự phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu năng lượng. Trong gần 20 năm qua, tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam tăng gấp 2,56 lần, tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng khoảng 2,43 lần, tiêu thụ điện năng thương phẩm tăng gấp 10,7 lần (khoảng 66 tỷ kWh năm 2008). Mức tiêu thụ điện năng ở Việt Nam dù vậy vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước phát triển trong khu vực Châu Á và ASEAN. Ngành năng lượng VN giai đoạn qua đã có bước phát triển mạnh trong tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối xuất nhập khẩu năng lượng. Quy mô của các ngành điện than, dầu khí đều vượt hơn hẳn 10 năm trước, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên, về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Tuy tương đối đa dạng, nhưng nguồn cung cấp năng lượng ở VN cho các hoạt động kinh tế - xã hội về cơ bản vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn năng lượng truyền thống như: than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, thủy điện… Sử dụng năng lượng tái tạo tuy ngày càng tăng nhưng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng giảm từ 74,1% năm 1990 xuống còn 36,4% năm 2007. Sự phụ thuộc đó sẽ còn gia tăng trong nhiều thập kỷ tới. Bên cạnh đó, trong khi đó, sử dụng năng lượng ở VN còn chưa tiết kiệm và kém hiệu quả. Mức tiêu thụ điện năng để tạo ra tổng sản phẩm quốc nội cũng khá cao, 1250 kwh/1000 USD. Công nghệ khai thác, chuyển hóa và sử dụng năng lượng ở Việt Nam đã được nâng cấp song còn ở trình độ thấp, hiện nay vẫn còn sử dụng một số thiết bị cũ có hiệu suất thấp, có những lò hơi công nghiệp thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước. Hệ thống truyền tải và phân phối điện đã được phát triển nhanh nhưng vẫn còn những khu vực phải duy trì thiết bị đã xuống cấp, lạc hậu, hao tổn điện năng lớn./.