Phố Wall mất điểm khi hiệu ứng lãi suất USD đã hết

Thứ năm, 18/12/2008 | 16:35 GMT+7

Ngày 17/12, hiệu ứng tăng điểm sau khi cắt giảm lãi suất đã hết, kéo theo sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ.

Hôm thứ Ba, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Paulson đã cho biết, trước khi rời nhiệm sở, ông không có kế hoạch đề nghị Quốc hội nước này thông qua việc duyệt chi khoản tiền còn lại (350 tỷ USD) trong gói giải cứu khối tài chính trị giá 700 tỷ USD.

Tuy nhiên ông cũng cho biết, trong trường hợp có những nguy cơ đổ vỡ bất ngờ xảy ra gây nguy hại tới thị trường tài chính, thì ông mới yêu cầu rót tiền để ứng cứu thị trường.

Theo giới phân tích nhận định, với tuyên bố sẽ hành động để cứu ngành công nghiệp ôtô thì rất có thể Nhà Trắng sẽ sớm cần tới tiền từ gói 700 tỷ USD để cứu ngành này.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến ngành ôtô, hãng Chrysler vừa công bố ngừng tất cả các hoạt động sản xuất trong vòng một tháng kể từ ngày 19/12. Tuyên bố này được cho là một cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1%

Một ngày sau khi Tập đoàn Goldman Sachs công bố thua lỗ kỷ lục trong quý 4/2008, Ngân hàng Morgan Stanley cũng đã gây thất vọng lớn khi công bố mức thua lỗ lớn hơn Goldman Sachs.

Theo đó, trong quý 4/2008, Ngân hàng Morgan Stanley đã thua lỗ 2,2 tỷ USD, tương đương 2,24 USD/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức lỗ 33 cent/cổ phiếu mà giới phân tích đã dự báo.

Cũng trong quý 4, Morgan Stanley đã nhận khoản đầu tư trị giá 9 tỷ USD từ ngân hàng hàng đầu của Nhật là Mitsubishi UFJ Financial Group, đồng thời đã chuyển đổi từ môi hình ngân hàng đầu tư sang mô hình ngân hàng tổng hợp (universal bank) với sự kết hợp giữa hoạt động ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.

Trái ngược với mức thua lỗ kỷ lục của Morgan Stanley, Tập đoàn Nike lại công bố lãi ròng 391 triệu USD, tương đương 80 cent/cổ phiếu trong quý 2, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu của Nike (NKE) đã tăng 2,01% trong ngày giao dịch.

Liên quan đến thị trường tiền tệ, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất về 0-0,25%, đồng USD đã mất 2,6% giá trị so với đồng Euro – xuống mức 1,4412 USD “ăn” 1 Euro và USD cũng mất 1,8% giá trị so với đồng Yên Nhật, xuống mức 1 USD đổi được 87,37 Yên.

Chứng khoán Mỹ đã có ngày điều chỉnh giảm sau khi tăng mạnh phiên trước đó nhờ hiệu ứng cắt giảm lãi suất của FED.

Giá dầu có lúc đã xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2004, nên đã đẩy cổ phiếu khối năng lượng đồng loạt giảm điểm, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil giảm 2,5%, cổ phiếu Chevron mất 2,8%.

Cổ phiếu khối tài chính trong ngày giao dịch cũng giảm mạnh sau một ngày thành công trước đó, với chỉ số S&P Tài chính hạ 1,25%, trong đó cổ phiếu Citigroup giảm 4,86%, cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 1,51%...
Kết thúc ngày giao dịch: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 99,8 điểm, tương đương -1,12%, đóng cửa ở mức 8.824,34.

Chỉ số Nasdaq phiên này mất 10,58 điểm, tương đương -0,67%, chốt ở mức 1.579,31.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 8,76 điểm, tương đương -0,96%, đóng cửa ở mức 904,42.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,33 tỷ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,12 tỷ cổ phiếu. Trên cả hai sàn giao dịch, thị trường cứ có 3 cổ phiếu mất điểm thì có 2 cổ phiếu lên điểm.
Theo VnEconomy
Theo: VnEconomy