Sử dụng UAV trong việc giám sát, kiểm tra các khoảng đường dây gần khu vực tổ chức Lễ hội.
Truyền tải điện Bình Thuận (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) đã chủ động các phương án phối hợp với chính quyền địa phương và ban tổ chức Lễ hội nhằm đảm bảo các biện pháp an toàn để các hoạt động Lễ hội không ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải trên địa bàn.
Được biết, trên địa bàn huyện Bắc Bình, diễn ra Lễ hội có lưới điện do Truyền tải điện Bình Thuận quản lý vận hành, gồm: 01 tuyến đường dây 220kV (Vĩnh Tân – Phan Rí – Thuận Hòa – Hồng Phong – Phan Thiết) và 02 tuyến đường dây 500kV (đường dây 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây và đường dây 500kV Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên), trong đó có tuyến đường dây 220kV cách địa điểm tổ chức khoảng 6,3km. Ngoài ra, cách khu vực tổ chức Lễ hội khoảng 30km về phía Bắc là huyện Tuy Phong có Trạm biến áp 220kV Phan Rí, xa hơn nữa là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải từ lúc chuẩn bị tổ chức Lễ hội.
Xác định tầm quan trọng của Lễ hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngay từ khi biết được kế hoạch tổ chức, Truyền tải điện Bình Thuận đã chủ động triển khai công tác phối hợp và tiến hành khảo sát, kiểm tra địa điểm tổ chức Lễ hội, xác định các nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố lưới điện, vì một khi diều bị đứt dây và bay vào đường dây truyền tải, nguy cơ gây gián đoạn cung cấp điện và các sự cố khác là điều không thể không lo ngại.
Đồng thời, chủ động tổ chức gặp mặt với các bên liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia Lễ hội thả diều để giải thích, tuyên truyền, phổ biến Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014, Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022, yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp an toàn, kiểm tra thật kỹ chất liệu và liên kết diều chắc chắn, các dây buộc thả diều phải đảm bảo chất lượng, không để bị đứt khi thả diều, tránh trường hợp diều bị đứt, mất kiểm soát làm bay vướng vào đường dây truyền tải, gây sự cố lưới điện làm gián đoạn cung cấp điện.
Bố trí nhân sự thường xuyên túc trực giám sát trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ-CP, ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Chính phủ về chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, việc thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện là hành vi bị cấm. Nếu việc thả diều để xảy ra sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022, trong đó phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện.
Bên cạnh đó, đơn vị đã bố trí nhân viên vận hành đường dây túc trực tại hiện trường diễn ra Lễ hội, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các khoảng đường dây tại khu vực diễn ra sự kiện. Đồng thời, chuẩn bị phương án, vật tư thiết bị đầy đủ, sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV) có khả năng phun lửa (Rồng lửa) để sẵn sàng xử lý kịp thời tình huống nếu có diều bị vướng vào đường dây, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn.
Trình diễn con diều có kích thước 23mx38m, tính cả đuôi thì có diện tích khoảng 900m2
Lễ hội Diều và diễu hành siêu xe là sự kiện văn hóa thể thao có tính chất, quy mô toàn quốc và là lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, với mong muốn không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, văn hóa, thể thao của người dân tỉnh Bình Thuận, đồng thời phục vụ du khách, mà còn là dịp giới thiệu và quảng bá những nét đẹp tiêu biểu của vùng đất, con người Bình Thuận. Tham gia Lễ hội Diều có 10 câu lạc bộ diều chuyên nghiệp trong nước, sẽ thả 1.000 con diều lớn nhỏ khác nhau, trong đó khoảng 300 diều có kích thước lớn hơn 5m, đồng thời trình diễn con diều có kích thước 23mx38m, tính cả đuôi thì có diện tích khoảng 900m2.