EVN chủ động phòng, chống dịch COVID-19

Phòng chống COVID 19: 1.547 bệnh viện và cơ sở y tế trong đó có 25 bệnh viện dã chiến đã được lập phương án đảm bảo điện

Thứ năm, 13/2/2020 | 16:42 GMT+7
Với 12/12 dịch vụ điện cấp độ 4 của ngành điện đều đã được Chính phủ cho phép và hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 24/12/2019, EVN đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích và khuyến cáo khách hàng sử dụng điện khi có nhu cầu về dịch vụ điện và thanh toán tiền điện, nên tăng cường sử dụng các công cụ và dịch vụ trực tuyến. 

Các công nhân của Công ty Điện lực Củ Chi (EVNHCMC) khẩn trương thi công lắp đặt thiết bị, kéo đường dây điện tại Trường Quân sự TP.HCM- nơi lập bệnh viện dã chiến phòng chống COVID 19 vào ngày 8-2.
 
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố có 1.547 bệnh viện và cơ sở y tế trong đó có 25 bệnh viện dã chiến đã được lập phương án đảm bảo điện… Đó là những thông tin được ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, qua trả lời phỏng vấn phỏng vấn.
 
PV: Thưa ông, trước tiên xin được hỏi, trước điễn biến phức tạp của dịch COVID 19, EVN đã có giải pháp gì để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình - theo yêu cầu của TTg là không được để thiếu điện, việc đảm bảo điện phải được diễn ra an toàn, liên tục và thông suốt?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus COVID 19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ở thời điểm hiện tại. Công tác này đã, đang được triển khai đúng hướng, chủ động, quyết liệt trong toàn EVN.
 
Cụ thể, ngày 31/1/2020, Chủ tịch HĐTV EVN EVN đã ký ban hành Chỉ thị số 492/CT-EVN về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virus COVID 19. Mục tiêu của Tập đoàn là không có người lao động mắc bệnh dịch để đảm bảo yêu cầu sản xuất, kinh doanh điện năng an toàn, liên tục.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Tổng Giám đốc Tập đoàn làm Trưởng Ban chỉ đạo, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong các đơn vị toàn EVN.
 
Xác định truyền thông là một trong những “mũi nhọn” ngăn chặn dịch, các đơn vị đã nhanh chóng phổ biến thông tin về dịch bệnh tới từng người lao động, tăng cường các biện pháp truyền thông nội bộ về những khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.
 
Đồng thời, chủ động thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như: điều tra dịch tễ học; tổ chức các điểm kiểm soát, giám sát dịch bệnh, đo thân nhiệt cho các CBCNV và khách tới làm việc; thực hiện vệ sinh và khử trùng tại nơi làm việc; trang bị khẩu trang, kính bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, vật tư y tế cho CBCNV đặc biệt là CBCNV làm viecj tại hiện trường và có tiếp xúc với KH. Ngoài ra các đơn vị ĐL cũng đã liên hệ, phối hợp với các tổ chức y tế tại các địa phương để triển khai các giải pháp phòng và chống COVID 19;…
 
Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID 19 theo Chỉ thị số 492/CT-EVN do HĐTV EVN ban hành. Tính trong toàn EVN, chưa ghi nhận trường hợp CBCNV nào có biểu hiện lây nhiễm virus COVID 19.
 
Bên cạnh công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, liên tục cho phục vụ đời sống người dân và các hoạt động kinh tế xã hội, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị ưu tiên việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện, các cơ sở y tế (kể cả các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào hoạt động) có tiếp nhận theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm virus nCoV và các hoạt động lưu kho, bảo quản đông lạnh… cũng như các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho đời sống kinh tế, xã hội. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, thành phố có 1.547 bệnh viện và cơ sở y tế đã được lập phương án đảm bảo điện trong đó có 25 bệnh viện dã chiến được cấp điện gồm: Quảng Ninh (5), Cao Bằng (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (1), Sơn La (2), Hà Tĩnh (3), Lào Cai (1), Hà Giang (1), Vĩnh Phúc (1), Tây Ninh (1), tỉnh Bến Tre (2), Đồng Tháp (1), TP Đà Nẵng (1), Quảng Nam (1), Quảng Ngãi (1), TP Hồ Chí Minh (2).
 
EVN cũng cam kết đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với các cơ sản sản xuất khẩu trang và các trang thiết bị y tế khi các cơ sở này yêu cầu được hỗ trợ các dịch vụ cấp điện với độ ổn định cung cấp điện cao hơn. 
 
PV: Trong bối cảnh ngành Y tế khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan do virus COVID 19, EVN hiện có hàng triệu khách hàng tiêu dùng điện, vậy EVN làm gì để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như người lao động?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID 19 gây ra, rất nhiều đơn vị của EVN đã chung tay cùng cộng đồng kịp thời phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, nhiều đơn vị đã phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí cho người dân tại các địa phương. Các Điện lực cũng đã kịp thời hỗ trợ phòng, chống dịch COVID 19 cho khách hàng đến giao dịch. Nhiều Tổng công ty/Công ty Điện lực trong Tập đoàn đã trang bị khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn phục vụ khách hàng khi đến làm việc.
 
EVN cũng đã chỉ đạo các Công ty Điện lực/Điện lực phải đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện, cơ sở y tế (kể cả các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào hoạt động) có tiếp nhận theo dõi và điều trị cách ly cho bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm virus COVID 19. 
 
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Y tế đang khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, EVN cũng khuyến khích và khuyến cáo khách hàng sử dụng điện khi có nhu cầu về dịch vụ điện và thanh toán tiền điện, nên tăng cường sử dụng các công cụ và dịch vụ trực tuyến.
 
Thực tế, EVN đã chính thức cung cấp hợp đồng điện điện tử từ ngày 12/12/2019. Theo đó, cả quá trình từ đăng kí hồ sơ, triển khai dịch vụ và kí hợp đồng, khách hàng và nhân viên điện lực không phải gặp nhau trực tiếp. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện trên môi trường Internet. Khách hàng sử dụng các thiết bị kết nối Internet để cung cấp hồ sơ, nhận thông tin, xác thực. Việc ký các hồ sơ điện tử được thực hiện theo phương thức mật khẩu một lần (OTP), hoặc chữ ký điện tử (CA) đối với doanh nghiệp.
 
PV: Cụ thể, khách hàng khi có nhu cầu về các dịch vụ điện và thanh toán tiền điện có thể liên hệ đến đâu, thực hiện như thế nào thưa ông?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Khách hàng có thể liên hệ qua các số tổng đài chăm sóc khách hàng dùng điện theo khu vực, tải các ứng dụng chăm sóc khách hàng dùng điện cho thiết bị di động, kết nối tài khoản Zalo và truy cập trang web chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực, truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia http://dichvucong.gov.vn..., truy cập website evn.com.vn - mục “EVN & khách hàng” để được đáp ứng yêu cầu 24/7.
 
Các trung tâm Chăm sóc khách hàng ngành Điện:

Trung tâm CSKH  Tổng đài  Website
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội  1900 1288 http://cskh.evnhanoi.com.vn/
Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh 1900 545454   http://cskh.hcmpc.vn/
Tổng công ty Điện lực miền Bắc 1900 6769   http://cskh.npc.com.vn/
Tổng công ty Điện lực miền Trung 1900 1909  http://cskh.cpc.vn/
Tổng công ty Điện lực miền Nam 1900 1006 / 1900 9000  https://cskh.evnspc.vn/
 
PV: Được biết, hiện tại các dịch vụ điện của EVN đã được kết nối cổng dịch vụ công Quốc gia. Điều này đem lại tiện ích cụ thể như thế nào cho khách hàng của EVN?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Hiện nay toàn bộ các dịch vụ điện của EVN (12/12 dịch vụ điện cấp độ 4) đều đã được Chính phủ cho phép và hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 24/12/2019. Người dân và các tổ chức có thể truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) http://dichvucong.gov.vn để thanh toán tiền tiền điện cũng như đăng ký sử dụng các dịch vụ điện. Khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, mọi hồ sơ, thủ tục dịch vụ điện của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực và định danh. 
 
Nhờ đó sẽ giúp người dân và doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các việc cung cấp dịch vụ của ngành Điện.
 
Trong bối cảnh dịch COVID 19 hiện nay, việc yêu cầu giao dịch các dịch vụ điện, thanh toán tiền điện qua Cổng DVCQG cũng sẽ góp phần tránh việc trao đổi hay tiếp xúc trực tiếp  ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh.
 
PV: Kế hoạch của EVN trong năm 2020 cũng như trong thời gian tới trong việc cung cấp các tiện ích cho khách hàng là gì thưa ông?
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng: Thời gian qua, EVN luôn thực hiện mục tiêu cung cấp điện và dịch vụ điện cho khách hàng với chất lượng ngày càng tốt hơn. 
 
Năm 2020 và thời gian tới, việc đảm bảo cung ứng điện là thách thức rất lớn, với các khó khăn về thiếu hụt nguồn cung điện, năng lượng sơ cấp cho phát điện, huy động vốn cho các dự án… Trước bối cảnh đó, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực tập trung, nỗ lực cùng Tập đoàn đảm bảo mục tiêu không để thiếu điện trong năm 2020, tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng điện, EVN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, tư vấn sử dụng điện hiệu quả. Đồng thời, phát triển các công cụ, nền tảng công nghệ (dự kiến đặt tên EVNSOLAR) để hỗ trợ khách hàng và các bên liên quan, thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái…
 
Cùng đó, trên nền tảng ứng dụng công nghệ đã đạt được, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng "số hóa các hoạt động KD&DVKH" để "điện tử hóa giao dịch giữa EVN và khách hàng"; “cá nhân hóa công tác chăm sóc đến từng khách hàng”  theo hướng tạo ra trải nghiệm khách hàng, tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho khách hàng. Chúng tôi cũng xem xét việc phân tích dữ liệu để cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, nâng cao chất lượng chăm sóc người sử dụng điện.
 
Đặc biệt, hiện nay, EVN cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng Văn phòng Chính phủ để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục dịch vụ điện; tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, tạo nên những thay đổi thực sự, rộng khắp, tạo nên những môi trường thuận lợi hơn cho khách hàng sử dụng điện và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Nguyên Long