Sự kiện

Phong điện - Khởi đầu nguồn năng lượng sạch

Thứ năm, 19/4/2012 | 11:14 GMT+7
Công trình phong điện 1- Bình Thuận là dự án phong điện gió nối lưới quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Đây là dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, biến gió trời thành nguồn năng lượng sạch.

Dự án được đặt tại xã Bình Thạnh và Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây là vị trí đắc địa để xây dựng phong điện bởi lượng gió khá dồi dào, dù rằng việc đầu tư mất khá nhiều công sức…

Nằm bên quốc lộ 1A, cách bờ biển khoảng 500m, Nhà máy điện gió Tuy Phong do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư xây dựng giai đoạn 1, với tổng vốn 1.450 tỉ đồng, tổng công suất 30 MW (hoàn thành tháng 3 năm 2011), giai đoạn mở rộng nâng lên 120 MW. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật, điều kiện tiên quyết để có thể triển khai thực hiện các dự án điện gió là phải có nguồn gió dồi dào và quỹ đất tương đối lớn. Gió ở Bình Thuận có quanh năm, với tốc độ trung bình khoảng 6 m/giây, hơn nữa tần suất bão lại thấp.

Chủ tịch HĐQT REVN Phạm Văn Minh cho biết, toàn bộ 20 tua-bin gió loại FL MD-77 (của hãng Fuhrlaender- CHLB Đức) công suất 1,5 MW, đường kính cánh quạt 77 m. Theo thiết kế, với tốc độ gió 3m/giây thì cánh quạt khởi động, tua-bin sẽ phát điện. Trong khi đó, tốc độ gió trung bình ở khu vực Tuy Phong lên đến hơn 6,5m/giây. Đây là điều kiện vô cùng lý tưởng để phát triển điện gió. Riêng cột tháp bằng thép, hình trụ tròn cao 85m được sản xuất tại Việt Nam (Công ty UBI-TOWER tại Hải Dương gia công chế tạo với thiết bị và công nghệ nhập khẩu và chuyển giao từ các nước tiên tiến trên thế giới). Chất lượng của các trụ tháp đã được các chuyên gia của Tập đoàn Fuhrlaender xác nhận và sử dụng cho toàn dự án, giảm 30% chi phí so với cột tháp nhập khẩu từ nước ngoài.

Hiện nay, dự án đang vận hành phát điện ổn định và an toàn, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 85 triệu kWh. Con số vô cùng ý nghĩa, mở đầu cho ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam. Qua tính toán, mỗi năm, giảm phát thải khoảng 50.000 tấn CO2, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Dự án đi vào hoạt động đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như du lịch cho địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Minh đánh giá, việc xây dựng lắp đặt và vận hành thành công dự án Phong điện 1 Bình Thuận, nối lưới đầu tiên tại Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, vốn có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Dự án này cũng là sự khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực tự thực hiện các dự án phong điện.

Tuy nhiên, theo ông Minh, việc phát triển điện gió ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do vốn đầu tư dự án lớn, giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn thấp, gây khó khăn về tài chính và khả năng hoàn vốn cho chủ đầu tư.

Mục tiêu phát triển điện gió ở Việt Nam là 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Vì vậy, việc khuyến khích phát triển năng lượng điện gió là rất cần thiết. Quyết định số 37/2011QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió là khung pháp lý đầu tiên về ngành năng lượng tái tạo. Theo đó, sẽ mua toàn bộ điện năng thông qua hợp đồng mẫu (20 năm); ưu đãi vốn đầu tư, thuế, phí hạ tầng đất đai; áp dụng cơ chế phát triển sạch; hỗ trợ giá điện nối lưới... Hy vọng, trong tương lai, năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng phát triển năng lượng sạch, bền vững cho Việt Nam.
ST