Tin trong nước

Phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà ngành Điện: Chú trọng hiệu quả thực tế

Thứ sáu, 28/5/2010 | 14:35 GMT+7

Hưởng ứng phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, trong 5 năm qua, nữ CNVC-LĐ ngành Điện đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.

  

Nữ CNVC-LĐ ngành Điện luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác và xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc  

Bám sát nội dung hướng dẫn chỉ đạo của Tổng liên đoàn về phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Ban nữ công xây dựng nội dung, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện. Hàng năm, căn cứ vào đặc thù, tính chất công việc, các đơn vị đã xây dựng nội dung thi đua phù hợp bằng việc cụ thể hóa tiêu chí Giỏi việc nước và lồng ghép vào các phong trào thi đua lao động giỏi như: Ca vận hành an toàn thuộc khối sản xuất điện; Nữ nhân viên thanh lịch, Nữ thu ngân giỏi, Nữ hiệu chỉnh công tơ giỏi, Thủ kho giỏi… của khối các công ty kinh doanh điện, viễn thông; phong trào Thi đua dạy tốt, học tốt của khối các trường học; Chủ nhiệm đề án, thiết kế giỏi ở khối tư vấn xây dựng điện… Các phong trào này được đông đảo nữ CNVC-LĐ tham gia, tạo không khí thi đua lao động, mang lại hiệu quả công việc tốt tại đơn vị.

Thông qua phong trào thi đua lao động giỏi, hàng năm, có trên 10 ngàn nữ CNVC-LĐ đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trên 400 chị đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen các cấp. Nhiều chị đã được nhận Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đặc biệt, chị Nguyễn Thị Nguyệt - kỹ sư Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.  

Tiêu chí “Giỏi việc nước” cũng được lồng ghép trong phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hàng năm, có gần 100 chị tham gia học các lớp trên đại học trong và ngoài nước, trên 100 chị học văn bằng hai, gần 700 chị học đại học tại chức, trên 5 nghìn chị tham gia đào tạo, bồi huấn nghiệp vụ,… Qua đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nữ CNVC-LĐ ngành Điện ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị trong từng giai đoạn. Nhiều chị đã trưởng thành, đi lên từ phong trào nữ CNVC-LĐ, được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo quản lý.

Tiêu chí đảm việc nhà tại các đơn vị được cụ thể hóa bằng việc phấn đấu nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt; xây dựng gia đình văn hóa - tiến bộ - hạnh phúc, xây dựng tình yêu trong sáng, lành mạnh; thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình. Phát huy bản chất cần cù, đảm đang, trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam, nữ CNVC-LĐ ngành Điện luôn cố gắng phấn đấu khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc, đảm bảo hài hòa giữa việc nhà và việc cơ quan, nuôi dạy con ngoan học giỏi. Nhiều chị bằng nghị lực phi thường đã vượt lên số phận không may mắn, phải thay công việc của người chồng, người cha gánh vác mọi công việc đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi dạy con ngoan học giỏi, là người con hiếu thảo với cha mẹ.

Hằng năm, có khoảng trên 6 nghìn gia đình nữ lao động ngành Điện được địa phương công nhận là Gia đình văn hóa. Các nữ CNVC-LĐ ngành Điện cũng tích cực hưởng hứng các phong trào xã hội từ thiện, tham gia xây dựng quỹ xã hội của Tập đoàn, quỹ phụ nữ nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em của Tổng liên đoàn, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, Mái ấm Công đoàn… với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm.

Những tiêu chí của phong trào Giỏi việc nước, đảm việc nhà đã được nữ CNVC-LĐ ngành Điện cụ thể hóa bằng những phong trào thi đua thiết thực, mang lại hiệu quả hoạt động của đơn vị, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Hằng năm, ngành Điện có trên 70% nữ lao động đạt danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà, hàng trăm tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Công đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Kết quả này đã thể hiện một phần hiệu quả phong trào hoạt động của nữ lao động ngành Điện thời gian qua, đồng thời là sự ghi nhận của lãnh đạo cấp trên với nỗ lực mà các chị đã cống hiến cho đơn vị, cho gia đình và xã hội.

Hiện nay, số cán bộ nữ từ cấp phó phòng, xí nghiệp trở lên chiếm tỷ lệ trên 10,7%, tăng 2% so với năm 2005 và vượt 0,76% so với kế hoạch đề ra.

Theo: TCĐL số 4/2010