Tôi thật sự ngỡ ngàng, say đắm trước hương, sắc của lan Đà Lạt, vẫn biết lan Đà Lạt với nét đẹp hoang dã nổi tiếng từ ngàn xưa. Nhưng khi Bác sĩ Alexandre - Yersin tìm ra Đà Lạt từ những năm 1891 thì hàng trăm loài lan Đà Lạt đã có bàn tay chăm sóc của con người , của những “nghệ sĩ trồng hoa”. Lan Đà Lạt bắt đầu có “hồn” và có “tiếng nói” riêng. Còn hôm nay nói đến lan Đà Lạt là phải nói đến một công nghệ trồng hoa hiện đại.
Nét đắc trung của những vườn hoa, rau ở Đà Lạt là được phủ trong “nhà kính”. Các loại ni - lông trong suốt được căng trên các sườn nhà khổng lồ tạo thành những “lò hoa” liên hoàn của Đà Lạt . Một hệ thống bơm, tưới tự động cho hoa bằng điện được đầu tư trang bị hiện đại. Không chỉ có phun sương, tưới hoa. Hệ thống điện được bố trí trong nhà vườn đã đem lại ánh sáng đủ cho hoa đơm nụ, khoe sắc kịp thời vụ.
Công nhân Thảo Anh ở nhà vườn thuộc thuộc làng hoa Vạn Thành cho biết: “Nếu không có hệ thống ánh sáng điện - hằng đêm chiếu sáng cho hoa - thì không chủ động giao hàng kịp hợp đồng”. Điều đó giải thích rằng: lúc nào, ngày nào và mùa nào ở Đà Lạt cũng không vắng các loại hoa.
Đỉều đáng nói là phong trào tiết kiệm điện trong mùa khô này đã được những nhà vườn trồng hoa Đà Lạt hưởng ứng rất mạnh mẽ. Quản lý Nhà vườn trồng hoa thuộc Công ty hoa Bonie Farm cho biết: “Chúng tôi phải cải tiến lại hệ thống ánh sáng cho hoa, sáng hơn mà vẫn tiết kiệm điện đến 30% sản lượng, với cách thay hệ thống đèn sợi đốt trước đây có công suất từ 60W-100W/bóng bằng các loại bóng đèn Compảct công suất từ 14W- 20W. Toàn bộ dàn chiếu sáng được nâng lên cao trên 1,5 mét và lắp đặt thêm các choá đèn tương ứng cho mỗi bóng . Ánh sáng được tận dụng tối đa, chan hòa từ mọi phía. Biện pháp này đang dần được phổ biến trong các nhà vườn thuộc 25 Công ty kinh doanh và trồng hoa Đà Lạt.
Ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam phấn khởi cho biết: “Hiện Lâm Đồng không phải tiết giảm nhiều điện năng như các địa phương Miền Trung nhờ có thêm 3 hệ thống thuỷ điện tổng công suất trên 350MW trên địa bàn hổ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi đã “vào cuộc” mạnh mẽ với phong trào tiết kiệm điện của cả nước bằng nổ lực của toàn thể CBCNV, phối hợp tốt với các ngành, các cấp, thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo, đài, ti-vi, loa phóng thanh phường xã; kể cả 475 thôn, buôn vùng sâu vùng xa của Lâm Đồng vừa có điện.”
Đặc điểm trong sử dụng điện của Đà Lạt là người dân, và hệ thống khách sạn du lịch ở đây lại không phải dùng máy điều hoà nhiệt độ. Khí hậu tự nhiên đã tạo nên một “Đà Lạt mát lạnh” ở độ chuẩn . Lượng điện tiết kiệm này được ưu tiên phục vụ sản xuất nông nghiệp, Trong đó ngành trồng hoa và rau ở Đà Lạt cũng đã có những giải pháp tiết kiệm điện sáng tạo, độc đáo, bảo đảm đầu vào hiệu quả cho kinh doanh .
Trong năm 2009, Lâm Đồng đã thực hiện tiết kiệm được 2,63 triệu kWh điện trong khi chỉ tiêu tiết kiệm được ngành giao là 2,3 triệu kWh. Còn mùa khô năm nay, chỉ tiêu tiết kiệm điện của Lâm Đồng - Đà Lạt năm 2010 phải được thục hiện một cách quyết liệt hơn với chỉ tiêu được giao tăng lên 30% so với năm 2009, Trong khi sản lượng điện thương phẩm tăng 14% để đạt mức 610 triệu kWh /năm. Năng lượng điện đã được sử dụng hiệu quả để nâng hoa Đà Lạt lên tầm cao mới, thêm nhiều hương, sắc mới với giá trị thương phẩm cao hơn, vì người trồng hoa Đà Lạt đang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào tiết kiệm điện bằng những cách làm độc đáo nhất.