Tin trong nước

1.300 thôn buôn ở 5 tỉnh Tây Nguyên: Với khát vọng thoát nghèo nhờ ánh điện

Thứ ba, 25/5/2010 | 14:36 GMT+7

Khát vọng đổi đời, thoát nghèo nhờ ánh điện đã được “thắp lên” tại hơn 1300 thôn buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Ước mơ bao đời của người dân đã và đang trở thành hiện thực như thế nào?

Đồng bào huyện Sa Thầy nhảy múa, vui mừng trong buổi lễ khởi công tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum  

Tôi đã mang theo câu hỏi đó khi lên đường đến với những bản làng mới được cấp điện ở Tây Nguyên. Con đường từ thành phố Buôn Ma Thuột đến xã Cư Sang, huyện Ma Đrắk (tỉnh Đăk Lăk) đẹp như một dải lụa mềm mại nằm giữa núi rừng chập trùng. Bầu trời xanh ngắt, cao lồng lộng với những áng mây trắng xếp chồng lên nhau như tạo nên một biển sóng. Nắng vàng rực rỡ, Tây Nguyên hiện lên trước mắt tôi với một vẻ đẹp thơ mộng, tươi sáng và khỏe khoắn. Nhưng khi xe ô tô của chúng tôi vừa rời tỉnh lộ, rẽ vào những con đường đất để đến với các bản làng, tôi lại được thấy Tây Nguyên ở một góc nhìn khác… 

Các em học sinh ở Đăk Lăk đi học về trên con đường đất   

Chỉ đèn dầu thôi…

Trên 30 km đường đất từ tỉnh lộ vào đến xã Cư Sang, huyện Ma Đrắk, tỉnh Đăk Lăk, chiếc xe ô tô 15 chỗ chồm lên, chồm xuống, ì ạch leo dốc, rồi lại ngúc ngắc “bò” xuống đồi, lắc qua trái, qua phải... Cho đến khi dừng lại tại khu dân cư nằm giữa bốn bề là núi, thì với 30 km đường đất, tính ra cả đoàn đã được liên tục “lắc lư” trên xe hơn một tiếng đồng hồ. Mấy chị nhà báo vội hỏi với một hy vọng mong manh: “Còn con đường nào khác để ra không?” Anh Hoàng Việt Tùng - Trưởng chi nhánh điện Ma Đrắk cười hiền khô, trả lời: “Không”. Cả đoàn ngao ngán nghĩ đến chặng đường trở ra...

Đó là con đường duy nhất để vào Cư Sang. Mùa khô thì bụi bay mù mịt, còn mùa mưa, đất bazan biến thành bùn nhão quyện chặt đến bụng chân. Khi lũ về, khu vực này gần như bị cô lập. Xã Cư Sang là nơi dừng chân của hàng trăm hộ người dân tộc H’Mông, Tày di cư từ miền núi phía Bắc đến. Bao nhiêu năm nay, người dân chỉ có thể thắp đèn dầu leo lét khi bóng đêm buông xuống. Một số hộ được coi là “khá giả” và đến định cư sớm hơn thì “chiếm” được một vị trí lắp đặt mô tơ phát điện trên dòng suối nhỏ để đưa “cái điện” về nhà.

 “Nhưng tốn lắm - ông Thào Sao Nhà than thở - mỗi năm có khi phải sửa mô tơ đến 3-4 lần, mỗi lần 30-40.000 đồng. Mua mô tơ đã mất đến 300.000 đồng mà điện yếu, cũng chỉ bật được cái đèn tù mù. Ti vi mầu không lên được đâu. Vào mùa nước cạn, mô tơ không phát điện được thì lại thắp đèn dầu thôi”. Vì thế, mới ngày hôm qua, khi công trình đưa điện đến Cư Sang vừa được hoàn thành, các anh công nhân áo cam mắc bóng đèn sáng choang cho các hộ dân, bà con phấn khởi “ưng cái bụng lắm”.

Bùn ngập tới cổ   

Khát vọng đổi đời nhờ ánh điện chính là “ngọn lửa ấm áp” mà Đảng, Nhà nước và ngành Điện đã “thắp lên” tại hơn 1.300 thôn buôn chưa có điện ở Tây Nguyên. Nhưng hành trình “thắp lửa” trong hơn 2 năm thực hiện dự án của những người thợ điện không hề dễ dàng, mà trong chuyến đi ngắn ngủi của mình, qua lời kể, tôi chỉ hình dung được phần nào rất nhỏ bé những nỗi khó khăn, vất vả ấy.

Lắp công tơ, hoàn thiện dự án tại xã Cư Sang, Ma Đrăk, Đăk Lăk 

Khi chúng tôi đến thôn Tân Lập, huyện Đăk Min, tỉnh Đăk Nông, giữa cái nắng chói chang của Tây Nguyên, dù mới đầu hè, nhưng chỉ đi bộ vài trăm mét, ai nấy cũng đều đã ể oải vì nóng, bụi, gió. Ông Phan Văn Việt – Phó trưởng Chi nhánh điện Đăk Min (Điện lực Đăk Nông) chỉ tay về phía trước nói: Còn nhiều thôn bản ở sâu bên trong, các nhà báo chắc không đủ sức đi bộ hàng cây số để đến được. Ban ngày, đá bốc hơi, không có một ngọn gió nào, hầm hập nóng như ở sa mạc. Còn vào mùa mưa kéo dài hàng tháng trời, đất trôi từ trên núi xuống, có đoạn đường bùn ngập tới cổ, xe cày bị ngập đến ống khói… Giao thông đi lại đã khó khăn, huống chi vận chuyển, lắp đặt hàng tấn thiết bị điện…

Lúc này, tôi mới thấy được hết ý nghĩa những con số tưởng như rất khô khan trong bản báo cáo về dự án cấp điện cho 1.300 thôn buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên: 803 trạm biến áp, hơn 100 ngàn bóng đèn compact, 600 ngàn m3 đất đào, hơn 90 ngàn m3 bê tông, 4.000 tấn sắt thép, hơn 40 ngàn cột bê tông ly tâm, 3.200 tấn vật tư thiết bị điện… Vật tư thiết bị hầu như được vận chuyển bằng những phương tiện hết sức thô sơ, rồi được triển khai thi công trên địa bàn vùng sâu, vùng xa thời tiết khắc nghiệt này. Đó chính là bao mồ hôi, công sức, tâm huyết… của các đơn vị, từ tư vấn, thiết kế, cho đến thi công, giám sát và vận hành lưới điện. Mà đặc biệt, trách nhiệm và sức ép lớn nhất về chất lượng, tiến độ đặt trên vai các Tổng công ty Điện lực miền Trung và miền Nam.

Phó Giám đốc Điện lực Đăk Lăk Lê Hoài Nhơn cho chúng tôi biết: Anh em đơn vị phải tập trung lực lượng làm ngày làm đêm để đảm bảo tiến độ. Ban đêm tập kết cả nhóm ở nhà sàn thôn buôn tranh thủ lắp nguội, đấu dây và lắp đặt công tơ vào thùng để hôm sau ra hiện trường chỉ việc dựng cột treo công tơ lên, rút ngắn thời gian thi công. Chỉ trong 2,5 tháng cuối, chúng tôi lắp đặt được gần 5.000 công tơ, mặc dù trong điều kiện thời tiết và giao thông hết sức khó khăn. Có điểm lắp đặt xa nhất cách trung tâm thành phố 180 cây số, trong đó ¾ quãng đường là đường xấu.

Ti vi – hàng “hot”

Cửa hàng bán tivi “di động” bám theo các công trình cấp điện cho bà con
Nằm ngay tỉnh lộ, nhưng khi đến với Buôn Cùi, xã E Trang, huyện Ma Đrăk, Đăk Lăk – nơi những người dân bị mắc bệnh phong sinh sống, khu vực đầu tiên được cấp điện theo dự án trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk (từ 30/4/2009), tôi không khỏi trăn trở. Bởi vào thăm vài ngôi nhà, chỉ thấy cái ti vi, đầu kỹ thuật số, một chiếc đèn compact treo trên cao. Không bàn ghế, giường tủ…

Có đèn sáng, có tivi là mơ ước không chỉ của những người dân ở Buôn Cùi. Nhiều hộ dân tại các thôn buôn khác, dù có phải vay mượn cũng cố sắm sửa cho được cái ti vi, đầu kỹ thuật số. Còn máy bơm để tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp – nguồn sống duy nhất thì họ có… nghĩ đến, nhưng hiện vẫn phải… đi thuê. Trong khi đó, số tiền mua máy bơm chỉ bằng tiền mua ti vi.

Vì thế, ở đâu có điện, ở đó trước sau gì cũng sẽ có… cửa hàng bán ti vi. Cửa hàng “di động” bán tivi, đầu kỹ thuật số của ông Nguyễn Văn Tuấn hơn nửa năm nay luôn kịp thời “chạy” theo các bản làng mới được cấp điện ở Đăk Lăk để phục vụ tại chỗ cho bà con. Ông Tuấn cho biết: Ti vi ở đây có giá từ 700 ngàn đến 2 triệu đồng/chiếc. Nhưng bà con thường nợ một nửa, hoặc ba phần tư số tiền đến 3-4 tháng sau”...

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ở quê ngoại tôi gần chục năm về trước, nhiều bà con được cho vay tiền ưu đãi để xóa đói, giảm nghèo, nhưng cầm tiền trong tay, họ hớn hở mua quạt, mua gường tủ, bàn ghế. Đến hạn phải trả tiền ngân hàng, không xoay sở đâu được, bán giường, tủ không đủ, họ buộc phải bán bò, bán trâu (!?)… Cái nghèo không dễ thoát ra trong ngày một, ngày hai, nhưng khi có điện, để cuộc sống người dân thực sự bước sang một trang mới, không ít hộ vẫn cần tiếp tục có sự định hướng từ chính quyền địa phương để giúp họ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khi có điện, nhiều hộ gia đình đã cố sắm cho được một chiếc ti vi... 

Niềm vui kéo điện lên rẫy

Những trăn trở ấy cũng đã được giải tỏa. Trong ngày hội mừng công dự án đưa điện về các thôn buôn ở 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra vào cuối tháng 4/2010 vừa qua, lãnh đạo địa phương và ông Trần Đình Thanh - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khẳng định: Sẽ nỗ lực tuyên truyền để người dân sử dụng điện hiệu quả, an toàn. Đồng thời, sẽ giúp người dân đầu tư đúng hướng để nâng cao hiệu quả của việc cấp điện cho các thôn buôn xa xôi.


 
Chi nhánh điện Chư Sê, Điện lực Gia Lai lắp đặt công tơ cho các hộ dân tại các buôn  làng huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai 

Ở nhiều thôn buôn trên 5 tỉnh Tây Nguyên, ước mơ bao đời của người dân về dòng điện sáng đã thành hiện thực kỳ diệu: Trẻ em có cái đèn sáng để học bài buổi tối; ngày hội thôn buôn có điện sáng cả đêm; cuộc sống sinh hoạt trong gia đình thay đổi… Thậm chí, có hộ dân còn mua được máy vi tính cho con học hành, tiếp cận với công nghệ hiện đại. Niềm vui lớn nhất là đơn vị điện lực còn giúp kéo điện lên rẫy để bà con bơm nước trồng cà phê, trồng tiêu, cao su.

Từ cuộc sống du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy, người dân đã được Đảng và Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ để định canh, định cư, có trường học, trạm xá và giờ là ánh điện văn minh xua tan bóng tối. Từng ngày, từng ngày, cuộc sống của những người dân hồn hậu, “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” trên mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại đã và đang đổi thay… .

Anh Phạm Anh Tuấn – Công nhân quản lý đường dây và trạm, Điện lực Đăk Nông: Trong quá trình triển khai dự án, người dân địa phương đã giúp đỡ những người làm điện rất nhiều. Thợ điện thường ở nhờ nhà dân, được người dân cho hoa quả, nấu cơm cho ăn. Khi thi công đường điện, bà con cũng phụ giúp kéo dây, đào hố dựng cột cùng… Đó là niềm hạnh phúc, động viên rất lớn để  những người thợ điện vượt qua khó khăn.
 
Ông Phan Văn Việt - Phó trưởng Chi nhánh điện Đăk Min (Điện lực Đăk Nông): Cùng với việc kéo dây hạ áp vào tận nhà, lắp đèn compact và ổ cắm điện đạt tiêu chuẩn an toàn cho người dân, Điện lực còn lắp điện ba pha để người dân bơm nước trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số thôn buôn, do nhu cầu sử dụng để sản xuất nông nghiệp của người dân quá lớn nên trạm biến áp bị quá tải. Điện lực Đăk Nông đã đưa việc nâng cao công suất các trạm biến áp tại các khu vực này vào danh mục đầu tư xây dựng của đơn vị để kịp thời cấp điện cho bà con phát triển kinh tế.
 
Ông A Ma H’Ruin – Trưởng buôn Sah B, xã Ea Tul, Huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk: Thôn của chúng tôi có 142 hộ là người Ê Đê. Khi chưa có điện, người dân phải bơm nước bằng máy chạy dầu rất tốn kém. Một lần tưới 1ha cà phê phải mất đến 1,5 triệu đồng tiền mua dầu. Nay điện lực ký hợp đồng kéo điện lên rẫy. Sử dụng bằng điện lưới thì tưới 1ha chỉ mất khoảng 600 ngàn đồng. Điện lực còn tuyên truyền giúp bà con tiết kiệm điện, biết sử dụng cái điện an toàn nữa. Bà con rất biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn ngành Điện.

Theo: TCĐL số 4/2010