Tin trong nước

Phong trào lớn, bắt nguồn từ việc làm nhỏ

Thứ sáu, 4/9/2009 | 08:54 GMT+7

Qua những lần công tác Gia Bình, hình ảnh chiếc công tơ điện tại nhiều phòng, ban gây trong tôi cảm giác tò mò, thôi thúc sự khám phá. Thì ra, ẩn sau các công tơ là việc tiết kiệm điện của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cơ quan Huyện uỷ Gia Bình. Tất cả bắt đầu bằng hành động đơn giản ai cũng làm được: “Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng”. Và khi cuộc vận động  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động đã thổi luồng gió mới để những việc làm giản đơn ấy phát triển thành phong trào sâu rộng, cuốn hút mọi người tham gia.

Tiết kiệm điện không có nghĩa là để thiếu ánh sáng làm việc.

Cán bộ UBKT huyện ủy kiểm tra chỉ số công tơ điện các phòng
Trong căn phòng khá đơn sơ, không điều hoà cũng không quạt trần, chỉ có chiếc quạt cây “Bông sen” đảo qua, đảo lại xua cái nóng bức của buổi sáng mùa hè, Chánh văn phòng Huyện uỷ Trịnh Đình Quỹ bộc bạch: “Không phải đề cập đến vấn đề tiết kiệm điện mà tôi bày trí phòng mình như vậy. ở đây chỉ có cán bộ trong Ban thường vụ Huyện uỷ mới có điều hoà. Các thiết bị điện khác cũng được trang bị đầy đủ nhưng mọi người chỉ sử dụng khi thấy thực sự cần thiết cho công việc. Dùng xong, hoặc ra khỏi phòng phải tắt ngay không để lãng phí nguồn điện”. Theo anh Quỹ, mọi người đều đã thấm, ngấm và tự giác thực hiện việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm như một thói quen tốt trong sinh hoạt. Hầu hết các phòng chỉ sử dụng 1/2 số bóng điện và nghiêm túc chấp hành quy định nghiêm cấm sử dụng máy tính làm công cụ chơi game. Ngay đến cán bộ lễ tân cũng chỉ dùng bếp than đun nước, trừ đột xuất mới phải dùng bình điện. Kết hợp với ý thức cán bộ, văn phòng Huyện uỷ cũng thường xuyên kiểm tra đường dây, khắc phục những chỗ hỏng và lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện tại nơi công cộng để giảm thiểu tổn thất điện năng... Minh chứng cho những lời nói,  anh Quỹ dẫn tôi đi khắp các phòng, ban. Điều dễ nhận thấy là ở từng cửa phòng làm việc, kể cả những công trình công cộng đều có biển ghi  “Ra khỏi phòng tắt điện, tắt quạt”. ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện uỷ có 3 phòng với 3 chiếc công tơ điện bên trong. Ông Trần Danh Thanh, Chủ nhiệm UBKT khẳng định: “Chủ trương tiết kiệm điện được Ban Thường vụ Huyện uỷ triển khai thí điểm từ năm 2005. Khi thấy rõ hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, chủ trương này đã được nhân rộng và giao Công đoàn trực tiếp giám sát quá trình sử dụng điện. Việc đặt công tơ điện trong phòng về mỹ quan có thể không đẹp mắt lắm nhưng đó sẽ là cơ sở chính xác nhất để nhắc nhở, đánh giá ý thức sử dụng điện năng hợp lý của cán bộ”. Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị ánh Tuyết, chuyên viên  Ban Tổ chức Huyện uỷ cho biết:   “Phòng có 4 người, 2 máy tính, 2 quạt trần và 8 bóng tuýp nhưng chúng tôi chỉ sử dụng 1/2 các thiết bị điện, thậm chí là 1/4 số đèn điện. Thực hiện tiết kiệm điện không có nghĩa là thiếu áng sáng để làm việc. Mọi người đều tận dụng tối đa ánh sáng và không khí thiên nhiên qua các ô cửa sổ, vừa trong lành lại tiết kiệm. Tôi không cho đây là việc nhỏ vì nó tạo cho mỗi người một thói quen, tinh thần trách nhiệm cao. ý thức này không chỉ có ở công sở, khi về gia đình, thói quen tiết kiệm điện cũng giúp tôi nhận ra nhiều điều thú vị trong cuộc sống”.  Từ sự đồng thuận của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Huyện uỷ, chủ trương thực hành tiết kiệm điện đã thu được kết quả lớn. Theo báo cáo tổng kết, hiện nay cơ quan Huyện uỷ có 39 phòng, lắp đặt 415 thiết bị điện, nếu sử dụng tất cả, bình quân 1 tháng tốn 3.812.000 đồng tiền điện. Nhưng do ý thức sử dụng tiết kiệm nên tiền điện giảm gần 1/3 so với trước đây. Những con số này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết được, bình quân hàng năm nhu cầu sử dụng điện năng của huyện Gia Bình tăng từ 10- 15%, riêng 6 tháng đầu năm 2009 tăng lên 19,5%. Quan trọng hơn cả, việc làm này đã hình thành trong mỗi người nơi đây ý thức cần kiệm và từ đó dấy lên phong trào tiết kiệm, chống lãng phí theo gương Bác Hồ vĩ đại. 

Phát động phong trào lớn

Không chỉ dừng lại ở việc giản đơn là tiết kiệm điện, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là lời dạy của Người: “Một dân tộc cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”, cơ quan Huyện uỷ Gia Bình thực hiện tốt quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tài chính theo Nghị định 130 của Chính phủ. Đơn vị đã dân chủ bàn bạc xây dựng quy chế và phương án chi tiêu nội bộ cũng như quản lý tài sản công; thực hiện phong trào tiết kiệm chống lãng phí về kinh phí hành chính (xăng dầu, điện thoại, văn phòng phẩm..). Qua hơn 2 năm triển khai, mức chi tiêu kinh phí hành chính đã giảm đi rõ rệt. Đơn cử, việc khoán theo nhiệm vụ và chức năng làm việc từng cán bộ, kinh phí văn phòng phẩm năm 2009 giảm bình quân 1,3 triệu đồng/tháng so với các tháng năm 2007. Ngoài việc tiết kiệm chống lãng phí trong kinh phí hành chính, từ quỹ đất hiện có, Công đoàn cơ quan Huyện uỷ còn phát động đoàn viên tăng gia sản xuất ngoài giờ vào thứ 5 hàng tuần, trồng các loại rau xanh... Chỉ sau một thời gian, nhà ăn tập thể không phải mua rau xanh phục vụ bữa ăn cho cán bộ và mỗi năm đơn vị nuôi được 4 lứa lợn. Số tiền dư từ 2 khoản này đã làm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên cơ quan. Năm 2008, bình quân mỗi cán bộ tăng 1,1 triệu đồng thu nhập từ lao động sản xuất và 1,8 triệu đồng từ việc tự chủ kinh phí.  Ngoài ra, còn đầu tư 151 triệu đồng mua sắm, sửa chữa trang thiết bị cho cơ quan. Dự kiến năm 2009 đơn vị phấn đấu đạt bình quân mỗi cán bộ tăng thu nhập 4,5 triệu đồng từ lao động và tự chủ tài chính; đầu tư 200 triệu đồng mua sắm tài sản công... Đánh giá về kết quả phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo gương Bác Hồ kính yêu, ông Nguyễn Bá Năng, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ nhận định: “Trong 2 năm gần đây, cơ quan Huyện uỷ Gia Bình rất coi trọng vấn đề tiết kiệm. Không chỉ tiết kiệm điện, tài sản công, địa phương còn triệt để tiết kiệm thời gian các cuộc họp, tiết kiệm gắn với tăng gia sản xuất. Có được kết quả đáng khích lệ như trên, ngoài sự gương mẫu của các cán bộ lãnh đạo, việc công khai minh bạch các khoản chi tiêu hàng tháng, còn là sự phấn đấu nỗ lực của hàng chục cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Để duy trì phòng trào, huyện đang hoàn thiện quy chế bảo đảm chi tiêu nội bộ. Chúng tôi hy vọng thông qua phong trào tạo ý thức cho cán bộ, nhân viên ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ thói quen cần kiệm, hăng say lao động, nhất là cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện và điều cốt lõi là phong trào phải được nhân rộng xuống cơ sở”. 

Tuy Bác đã đi xa nhưng Di chúc và tư tưởng của Người đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước. Thấm nhuần Tư tưởng của Người, từ những việc làm nhỏ nhưng thiết thực, giàu ý nghĩa, các cán bộ, đảng viên cơ quan Huyện uỷ Gia Bình đã phát triển lên thành một phong trào lớn hưởng ứng cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả, bài học kinh nghiệm này đáng để nhiều đơn vị, cá nhân trân trọng, học hỏi và làm theo.

Theo: Báo ĐT Bắc Ninh