Tin trong nước

Cao Quảng Hoành và Máy đóng dấu hoá đơn tiền điện

Thứ năm, 20/8/2009 | 18:27 GMT+7

“Biểu tượng lao động sáng tạo cũng là thành quả lao động” câu nói đó quá đúng với Cao Quảng Hoành, công nhân bậc 7/7, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Chi nhánh điện An Lỗ, Điện lực Thừa Thiên – Huế - chủ nhân của máy đóng dấu hoá đơn tiền điện. Trí tuệ, kiên trì, ham học hỏi và không đầu hàng trước cái khó đã kết tụ trong anh và từ đó sản sinh ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật , đáp ứng tiến độ công việc, giảm tối đa sức người, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển chung của đơn vị.

 

Sinh ngày 1/1/1964, tốt nghiệp Trường Trung cấp điện Huế năm 1985, đã qua nửa đời người gắn bó với ngành Điện trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau như công nhân quản lý đường dây, trạm, ở lĩnh vực nào anh cũng thể hiện cái tâm của mình với công việc, với nghề. Năm 2006, khi Điện lực Thừa Thiên - Huế, một trong những đơn vị đầu tiên của Công ty Điện lực 3 được giao thí điểm làm công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán lẻ đến tận hộ thì cũng là lúc anh được giao phụ trách một công việc mới hết sức “tréo ngoe”: quản lý hoá đơn tiền điện. Và anh đã gặp phải “chướng ngại vật” thật sự, đó là khâu tiếp nhận và đóng dấu hoá đơn tiền điện (HĐTĐ) hàng tháng. Cứ mỗi lần nhận HĐTĐ về, anh quản lý, đóng dấu toàn bộ, sau đó bàn giao lại cho thu ngân viên và các đại lý bán lẻ để kịp thời thu tiền đúng kỳ hạn. Đây quả là một công việc vô cùng khó khăn vất vả. Vì theo anh, một người đóng dấu nhanh nhất cũng chỉ đạt 3.000 - 3.500 HĐTĐ/ngày là cánh tay đã mỏi nhừ, ê ẩm. Thêm vào đó là cảnh người đến nhận HĐTĐ chờ đợi, thúc giục mất rất nhiều thời gian và phiền toái.

Từ thực tế ấy, anh Hoành trăn trở và suy nghĩ nhiều. Chỉ có máy mới giải phóng được đôi tay, mới tăng năng suất lao động và giúp mọi người không phải chờ đợi, thúc giục. Nghĩ  là làm, mày mò nghiên cứu . Anh đã dựa trên nguyên lý biến chuyển động quay của động cơ thành chuyển động thẳng như dạng một cái máy khâu. Sau nhiều tháng thử nghiệm, chiếc máy bán tự động đóng dấu hóa đơn tiền điện đầu tiên ra đời. Cấu tạo gồm 3 bộ phận chính là nguồn điện, điều khiển và thao tác đóng được miêu tả như sau: Nguồn điện 220kV, bộ phận điều khiển làm nhiệm vụ thao tác đóng cắt điện, điều chỉnh tốc độ được lấy từ bộ điều khiểm tốc độ của máy khâu. Bộ thao tác đóng bao gồm động cơ có công suất từ 12 - 150W, gắn với bộ biến tốc độ sao cho vòng quay đạt từ 70 - 120 vòng/phút. Thanh nâng để nâng trọng lượng của vật đè lên con dấu sao cho khi tham gia rơi (đóng dấu) ở độ cao 0,08m sẽ sinh ra một lực đủ lớn để đè được lò xo của con dấu. Trục đỡ và bộ phận trượt dùng lại bộ phận quay của trục quạt điện. Và một cái kẹp để kẹp hóa đơn lại thành một tập. Khi động cơ quay, bộ biến tốc sẽ quay theo, thanh nâng được gắn vào bộ biến tốc độ sẽ chuyển động nâng trọng lượng của vật đè con dấu lên đến một vị trí nhất định thanh nâng sẽ trượt và rơi xuống tác động vào con dấu đóng xuống hoá đơn, tốc độ đóng (nhanh hay chậm) được thay đổi do bộ điều khiển. Tất cả những thiết bị này đều được anh tận dụng từ những vật dụng thông  thường trong sinh hoạt gia đình. Chi phí toàn bộ cho một chiếc máy hoàn chỉnh chưa đến 2 triệu đồng.

Với chiếc máy này, một công nhân làm việc trung bình cũng đóng được khoảng 4.000 HĐTĐ trong vòng 1 tiếng, nhanh hơn thì đạt 5.000. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết hiện anh đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thế hệ  thứ 3 là một chiếc máy hoàn toàn tự động, có thể tự lật hóa đơn, người sử dụng không còn phải dùng tay lật từng tờ nữa.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền anh được Công đoàn cơ sở Điện lực Thừa Thiên - Huế, Công đoàn Công ty Điện lực 3 khen thưởng vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động và tổ chức xây dựng phong trào Công đoàn vững mạnh. Năm 2008 anh đạt danh hiệu Điển hình tiên tiến của Điện lực, sáng kiến của anh được công nhận sáng kiến cấp Công ty và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Theo: Bản tin Công đoàn