Theo thống kê, nhu cầu điện của các tỉnh trong khu vực hiện cần khoảng trên 28 tỷ KWh/năm, tăng gần 20% so với năm 2010. Riêng tỉnh ta nguồn điện cung cấp chủ yếu do Tập đoàn Điện lực mua từ Trung Quốc và một số ít từ nhà máy nhiệt điện nhỏ trong địa bàn như nhà máy điện của giấy Bãi Bằng. Lượng điện thương phẩm năm 2010 toàn tỉnh đã tiêu thụ khoảng trên 1224 triệu KWh, năm nay khả năng tăng lên khoảng trên dưới 1400 triệu KWh.
Công nhân Chi nhánh điện lực Tân Sơn lắp đặt máy biến áp, nâng cao chất lượng điện vùng sâu, vùng xa.
Nhìn tổng thể thấy trong nhiều năm qua nguồn điện cung ứng luôn đạt mức tăng 15-20% , song khả năng đáp ứng vẫn thiếu nhiều. Như nửa đầu năm 2011 Tổng Công ty điện lực miền Bắc chỉ được cung ứng gần 13,5 tỷ KWh, thiếu hụt khoảng 10%. Do vậy từng địa phương và khu vực vẫn có chuyện cắt điện luân phiên. Tại tỉnh ta, nếu năm 2005 sản lượng điện năng tiêu thụ mới ở mức trên 735 triệu KWh, đến năm 2008 đã tăng lên trên 1060 triệu KWh và năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 1224 triệu KWh, năm nay dự báo là gần 1400 triệu KWh. Như vậy bình quân những năm qua, sản lượng điện tiêu thụ và cung cấp luôn tăng trên 10%, song khả năng thỏa mãn vẫn thiếu rất lớn. Đặc biệt gần đây khi nhu cầu sản xuất , tiêu dùng tăng mạnh , việc thiếu điện càng tăng, cắt điện đã trở thành chuyện nóng tại các địa phương và doanh nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân làm cho tình trạng thiếu điện diễn ra ngày càng gay gắt. Trước hết về khách quan, nước ta là nước đang phát triển, lại mới trải qua thời kỳ sau chiến tranh, thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, yêu cầu phát triển tăng cao nên việc thiếu hụt điện và nhiều loại nguyên, nhiên liệu… khác là điều tất yếu. Cùng với đó là tình hình đầu tư xây dựng mạng lưới nhà máy điện thời gian qua có nhiều điều bất cập. Suốt mấy chục năm, từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay nguồn điện được ưu tiên đầu tư là thủy điện. Sau Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, gần đây là Sơn La, Tuyên Quang và hàng loạt các công trình thủy điện trên các sông, suối nhỏ. Thủy điện có ưu thế là đầu tư rẻ hơn nhiệt điện và điện nguyên tử, điện gió, song lại có nhược điểm là phụ thuộc vào thiên nhiên, tức là nguồn sinh thủy. Vào mùa cạn nước về các hồ đập không đủ, các nhà máy thủy điện lại phát cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động . Điển hình như Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đầu tư trên 1 tỷ USD, khánh thành năm 2009, nhưng xây xong đành đóng máy vì không đủ nước hoạt động thường xuyên và tích nước đề phòng khi thủy điện Hòa Bình cạn kiệt thì phát điện ổn định nguồn và phục vụ chống hạn…Do vậy về lý thuyết, tổng công suất các nhà máy thì gần đáp ứng nhu cầu, nhưng thực tế từng thời điểm lại thiếu hụt do thiếu nước phải ngừng hoạt động.
Một vấn đề cốt lõi nữa là nhu cầu điện cho sản xuất, tiêu dùng tăng lên rất nhanh nên cung không đủ cầu. Cách đây 10 năm khi mở rộng mạng lưới điện về các xã trong tỉnh, nhu cầu điện trong mỗi gia đình là rất thấp. Thông thường mỗi gia đình chỉ có vài, ba chiếc bóng đèn thắp sáng , quạt phục vụ mùa hè. Dần dà có thêm ấm đun nước, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy bơm nước, các máy móc nông nghiệp…. Theo tổng hợp của ngành điện: Năm 2005 sản lượng điện cho tiêu dùng trên địa bàn mới ở mức gần 223 triệu KWh, đến năm 2010 đã tăng lên 338 triệu KWh, mức tăng trên 11% năm, chiếm gần 1/3 thị phần sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm. Cùng với điện phục vụ cho mục đích thiết yếu, nhu cầu điện cho dịch vụ xã hội cũng tăng vọt. Ngoài việc chiếu sáng, quạt mát là nhu cầu cho các thiết bị điện tử như máy vi tính, điều hòa, quảng cáo, chiếu sáng… Hàng năm khu vực này có mức tăng cao nhất, bình quân gần 14%/ năm. Đặc biệt nhu cầu điện cho sản xuất tăng đột biến; từ chỗ mới có một số nhà máy xung quanh khu vực Việt Trì, Phú Thọ, đến nay rất nhiều khu công nghiệp mới ở Thanh Ba, Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh… xuất hiện, với hàng loạt các nhà máy chế biến thép, xi măng, gạch, ngói, bia rượu… mọc lên, làm cho nhu cầu tiêu thụ điện tăng gấp nhiều lần. Năm 2005 sản lượng điện cho công nghiệp, xây dựng mới ở mức 490 triệu KWh, đến năm 2010 đã tăng lên trên 804triệu KWh, chiếm tới gần 2/3 thị phần và đạt mức tăng trên 10%. Trong khi đó, nhiều dây chuyền sản xuất của các nhà máy và đồ điện tiêu dùng của gia đình sử dụng thiết bị cũ, lắp đặt, vận hành không đúng kỹ thuật khiến tiêu hao năng lượng gia tăng đã góp phần làm thiếu điện thêm trầm trọng. Trong khi đó một số nhà máy như Xi măng, thép… sau đầu tư xây nhà máy chính, lại không chú trọng lắp đặt thêm các nhà máy phát điện tận dụng nhiệt thừa bổ sung nguồn cung cấp nên rất lãng phí. Ngoài các yếu tố trên, địa bàn tỉnh ta là miền núi, lưới truyền tải và phân phối điện xây dựng qua nhiều năm thiếu đồng bộ, chấp vá, nên quá trình vận hành gây tổn thất lớn và nhiều khu vực không đảm bảo điện áp… Sau nhiều năm đầu tư cải tạo, tăng cường quản lý hiện nay tỷ lệ tổn thất điện bình quân vẫn ở mức trên 7%.
Từ những phân tích trên đây cho thấy, việc đáp ứng điện vẫn là bài toán lâu dài. Theo dự báo khả năng phát triển, đến năm 2015 sản lượng điện cho sản xuất , tiêu dùng của tỉnh ta cần vào khoảng gần 2500 triệu KWh, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Trước nhu cầu tăng sản lượng điện tiêu thụ lớn như vậy ngoài việc bổ sung thêm các nhà máy phát điện mới để đảm bảo nguồn, thì tiết kiệm điện vẫn là giải pháp thường trực, đảm bảo bền vững. Đây là một yêu cầu thiết yếu đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp phải tự giác thực hiện.
Năm 2010-2011, ngành điện đã đề ra biện pháp cấp điện theo hợp đồng với doanh nghiệp, nếu dùng quá hạn mức sẽ bị cắt điện. Ở khu vực này, điện đi liền với hạch toán giá thành sản xuất, kinh doanh nên mức độ lãng phí không lớn như khu vực tiêu dùng. Mặc dù giá điện tiêu dùng đã được tính theo hình thức bậc thang, càng sử dụng nhiều, giá điện cho một kw càng tăng, càng tốn tiền nhưng với mức chi tiêu trên dưới 100 ngàn đồng/ hộ nông thôn, vài ba trăm ngàn một hộ đô thị xem ra tiền điện vẫn chưa thực sự là nỗi lo đối với hầu bao của đa số gia đình, nên họ vẫn dùng thoải mái. Đặc biệt khu vực hành chính sự nghiệp – lĩnh vực sử dụng tiền công để thanh toán tiền điện, có rất nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự nêu cao ý thức tiết kiệm điện.Do vậy trong từng cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư cần mở đợt tuyên truyền, vận động về tiết kiệm điện, xây dựng quy chế sử dụng, vận hành thiết bị điện góp phần thực hành tiết kiệm. Tới đây ngành điện cần tăng cường giải pháp khoán theo cụm, khu dân cư, cơ quan gần như phân phối để nêu cao tự quản, hạn chế những hộ tiêu dùng quá mức. Trong khi đó việc tự giác lắp đặt các thiết bị tiết kiệm điện và sử dụng điện hợp lý vẫn là giải pháp hữu hiệu cho mỗi gia đình, cơ quan doanh nghiệp.