Một dự án điện mặt trời mái nhà được người dân đầu tư tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN
Để hiểu rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động SDNL TKHQ trong thời gian tới, phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương về việc triển khai kế hoạch này.
PV: Qua 5 năm thực hiện chương trình SDNL TKHQ, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chương trình này đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Trong giai đoạn 2016-2021, thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất hàng năm; các cuộc thi tìm hiểu về SDNL TKHQ trong trường học…, đại đa số người dân và doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), cũng như ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong sản xuất và sinh hoạt. Các doanh nghiệp sản xuất đã quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng thiết bị trong dây chuyền sản xuất để hạn chế tổn thất năng lượng; lập kế hoạch sản xuất, vận hành máy móc thiết bị hợp lý, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, có hiệu suất năng lượng cao, quy trình sản xuất sạch hơn… Qua đó góp phần giảm chi phí trong sản xuất, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, đồng thời kết hợp bảo vệ môi trường.
Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng điện tiết kiệm toàn tỉnh đạt 79,169 triệu kWh, tương đương 2% sản lượng điện tiêu thụ; các doanh nghiệp, hộ dân đã hình thành thói quen sử dụng thiết bị TKNL… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình SDNL TKHQ trong thời gian qua còn một số khó khăn, tồn tại như: nhận thức về TKNL của một số cá nhân, doanh nghiệp chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa được thường xuyên; một số doanh nghiệp chưa quan tâm công tác kiểm toán năng lượng; chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp TKNL sau kiểm toán do gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư...
PV: Trong giai đoạn 2021-2030, kế hoạch SDNL TKHQ trên địa bàn tỉnh đặt ra những mục tiêu cụ thể gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước; hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KH-CN và phát triển sản phẩm để thúc đẩy SDNL TKHQ; hình thành thói quen SDNL TKHQ trong hoạt động xã hội; tăng cường công tác kiểm soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, đến năm 2025, Phú Yên phấn đấu TKNL từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng; giảm tổn thất điện năng dưới 6%; 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp SDNL TKHQ; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng; 100% công trình chiếu sáng xây dựng mới và cải tạo ứng dụng các giải pháp, công nghệ có hiệu suất cao... Các cơ quan công sở tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ; các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm tối thiểu 20% tổng điện năng tiêu thụ; hộ gia đình tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng; cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. Khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời trong các tòa nhà, khách sạn và hộ gia đình. Đến năm 2030, TKNL bình quân từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng; giảm tổn thất điện năng dưới 5%; 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp áp dụng các giải pháp SDNL TKHQ; 100% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về SDNL TKHQ.
PV: Xin ông cho biết, Sở Công thương sẽ tập trung triển khai những nội dung công việc cụ thể nào nhằm hoàn thành các mục tiêu trên?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Để đạt được những mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về SDNL TKHQ. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về SDNL TKHQ đối với các hoạt động sản xuất; phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh truyền thông về SDNL TKHQ với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về TKNL của cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường năng lực về SDNL TKHQ cho các cán bộ quản lý năng lượng của các cơ quan, doanh nghiệp.
Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện SDNL TKHQ. Đồng thời phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Sở KH-CN đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về SDNL TKHQ.
PV: Như vậy, các giải pháp cụ thể nào sẽ được ngành Công thương tập trung trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Để đạt được những mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp: giải pháp về huy động và sử dụng kinh phí; giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo; giải pháp về quản lý, kiểm tra, thanh tra về SDNL TKHQ.
Với nhóm giải pháp thứ nhất, ngành Công thương sẽ tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong các hoạt động SDNL TKHQ. Nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ tập trung vào tuyên truyền SDNL TKHQ, bảo vệ môi trường; phổ biến các công nghệ, trang thiết bị hiệu suất cao, TKNL; SDNL TKHQ trong khu vực tòa nhà và chiếu sáng công cộng, trong lĩnh vực GT-VT, sản xuất nông nghiệp...
Với nhóm giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo, tỉnh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ theo các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, áp dụng các công nghệ mới phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án về SDNL TKHQ, áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý năng lượng của các doanh nghiệp, để từ đó các đơn vị xây dựng kế hoạch SDNL TKHQ phù hợp với công nghệ, điều kiện của đơn vị mình. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về TKNL; xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch về SDNL TKHQ hàng năm; đẩy mạnh triển khai các giải pháp TKNL; phối hợp giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động quần chúng triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường...
Cuối cùng, nhóm giải pháp về quản lý, kiểm tra về SDNL TKHQ sẽ giúp tăng cường kiểm soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế, dự toán xây dựng của dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo các biện pháp SDNL TKHQ. Sở Công thương cũng đẩy mạnh rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; kiểm tra, đánh giá việc sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị, các quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng tại địa phương...
Phú Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt mức TKNL từ 5-7% tổng mức tiêu thụ năng lượng; giảm tổn thất điện năng dưới 6%. Phấn đấu có 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp SDNL TKHQ. Đến năm 2030, toàn tỉnh đạt mức TKNL bình quân từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng; giảm tổn thất điện năng dưới 5%. Có 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp áp dụng các giải pháp SDNL TKHQ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Link gốc